Thứ Ba, 21/5/2024

Đào tạo công chức chính quyền địa phương ở Nhật Bản

Hệ thống cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương

Luật Tự trị địa phương được ban hành trên cơ sở Hiến pháp của Nhật Bản năm 1947. Các cơ quan nhà nước ở địa phương được giao trách nhiệm tự chủ nhiều hơn trong quản lý nhà nước ở địa phương theo hướng tăng cường dân chủ và bảo đảm hiệu quả. Xuất phát từ thực tiễn này, yêu cầu cần nâng cao chất lượng đội ngũ những người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý hành chính nhà nước ở địa phương được đặt ra cấp thiết. Nhiều cơ sở đào tạo công chức địa phương ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau đã được thành lập.

Bên cạnh một số cơ sở đào tạo lớn cho địa phương đó, ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh đều có các cơ sở đào tạo riêng. Các cơ sở đào tạo này do chính các tỉnh thành lập, không chỉ cung cấp các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các tỉnh đó mà còn thường xuyên ký hợp đồng với chính quyền các đô thị để đào tạo, bồi dưỡng công chức cho họ.

Nội dung đào tạo công chức địa phương ở Nhật Bản rất đa dạng, đáp ứng yêu cầu của nhiều loại đối tượng công chức địa phương ở các lĩnh vực và các cấp độ khác nhau. Các chủ đề, môn học có nội dung thiết thực, cụ thể gắn liền với các nhiệm vụ của công chức ở cơ quan đơn vị, từ đào tạo nghiệp vụ thu thuế, kỹ năng giao tiếp với công dân, cứu hỏa... cho đến các vấn đề vĩ mô như: quản lý thảm họa, quản lý và phát triển tổ chức, nhân sự trong kỷ nguyên cải cách, hoạch định chính sách, chính phủ điện tử...  Các cơ sở đào tạo công chức ở địa phương được quyền chủ động trong việc thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể cũng như các chương trình linh hoạt khác nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng loại đối tượng công chức.

Các hình thức đào tạo chủ yếu

Một là, hình thức đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp

Để thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, điều quan trọng là cung cấp cho công chức các cơ hội để tiếp thu một cách có hệ thống và toàn diện những kiến thức, cũng như cơ hội nhằm phát triển bản thân thông qua việc tương tác hằng ngày với các công chức khác ở các cơ quan thuộc chính quyền địa phương khác hoặc ở các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để hình thức này phát huy được hiệu quả cao nhất thì vẫn cần kết hợp với hình thức tự bồi dưỡng, phát triển của mỗi cá nhân công chức. Bên cạnh đó, các cấp quản lý là những người đi trước, cần chủ động phát triển, làm gương, song đồng thời cũng cần đưa ra các quan điểm và giải pháp để khuyến khích đội ngũ nhân sự dưới quyền tự học, đưa ra sáng kiến, sáng tạo, đổi mới .

Các hình thức đào tạo chủ yếu và nổi bật ở các cơ sở đào tạo công chức chính quyền địa phương gồm: đào tạo trực tuyến, liên kết đào tạo quốc tế, đào tạo thông qua các hội thảo, diễn đàn.

Hai là, hình thức đào tạo trong công việc.

Bên cạnh các hình thức đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo công chức địa phương ở Nhật Bản cũng được các cơ quan nhà nước ở chính quyền địa phương các cấp chú trọng đào tạo ngay trong quá trình làm việc thông qua các hình thức như đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc và đào tạo thông qua luân chuyển, cụ thể:

Thứ nhất, đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc. Một trong những điều quan trọng của đào tạo công chức địa phương ở Nhật Bản chính là nuôi dưỡng khả năng và khát khao cống hiến của bản thân họ nhằm khám phá ra những vấn đề còn bất cập, trở ngại trong phạm vi trách nhiệm của mình để có biện pháp giải quyết các vấn đề đó. Môi trường tốt nhất cho đào tạo những công chức như vậy chính là tại nơi họ làm việc. Do đó, hình thức đào tạo tại nơi làm việc được áp dụng một cách tích cực và có hệ thống, đồng thời được coi là một trong những trụ cột hỗ trợ đào tạo nhân sự cho các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Hình thức đào tạo này được tiến hành thông qua quan sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Trong khi quan sát việc thực hiện đó, các công chức cao cấp (chuyên viên cao cấp) hoặc những người có thâm niên hơn sẽ giúp các công chức mới vào nghề hiểu về các bản mô tả công việc và các hướng dẫn cụ thể, đồng thời trực tiếp chỉ cho họ những kiến thức và các kỹ năng một cách có hệ thống về bản chất công việc cũng như các kỹ năng xử lý công việc được giao theo kinh nghiệm mà họ đã làm. Ở Nhật Bản, hình thức đào tạo này được cả khu vực công và khu vực tư coi là phương pháp đào tạo nhân sự trung tâm bởi nó mang lại hiệu quả thiết thực và cho thấy rõ những tiến bộ rõ rệt của công chức mới vào nghề cả về kiến thức chung cũng như kỹ năng và phương pháp làm việc cụ thể.

Ngoài việc truyền thụ kinh nghiệm giữa các công chức lâu năm, việc đào tạo tại chỗ còn được tiến hành thông qua tập huấn cho công chức mới vào nghề những công việc cụ thể, do người đứng đầu bộ phận tổ chức với các bước: phân tích, đánh giá nội dung công việc; xác định những điểm quan trọng mà công chức cần ghi nhớ và thực hiện; xác định quy trình giải quyết công việc; lập kế hoạch chi tiết để thực hiện, phân công việc cho từng vị trí; tiến hành giải quyết công việc theo trình tự được xác lập; và cuối cùng là đánh giá kết quả. Với nhiều tình huống khác nhau, các công chức mới vào nghề sẽ dần làm quen, tích lũy kinh nghiệm tiến tới chủ động xử lý và đưa ra quyết định chính xác để giải quyết công việc với hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, đào tạo thông qua luân chuyển được thực hiện thông qua việc luân chuyển dài hạn tới các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương khác hoặc thậm chí là đến các doanh nghiệp tư nhân. Mục đích của hình thức đào tạo này là để công chức nâng cao nhận thức về các quy trình hành chính và các chính sách tiên tiến, các kỹ năng được yêu cầu và xây dựng được quan hệ với các tổ chức khác. Mỗi chính quyền địa phương đều chủ động thực hiện hình thức này thông qua việc ký kết hợp đồng với các cơ quan nhà nước ở Trung ương hay các cơ quan nhà nước ở chính quyền địa phương khác hoặc các doanh nghiệp tư nhân. Hình thức đào tạo này thông thường kéo dài từ khoảng 3 tháng đến một năm tùy từng trường hợp và tùy từng vị trí cụ thể.

Hình thức luân chuyển ngắn hạn nhằm mục đích bổ sung cho việc tự đào tạo. Các công chức cũng được trải nghiệm thực tiễn với những công việc liên quan tới các hoạt động nông - lâm - ngư nghiệp hay các hoạt động tình nguyện nhằm đóng góp lợi ích trực tiếp cho xã hội cùng các tổ chức phi lợi nhuận. Ở Nhật Bản, từng cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động này một cách riêng lẻ hoặc trong một số trường hợp nhất định có thể phối hợp để cùng tổ chức theo các nhóm. Hình thức đào tạo này thông thường được tổ chức trong thời gian tối thiểu từ vài ngày cho đến tối đa là 3 tháng.

Trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới theo hướng mở rộng phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Do đó, để chính quyền địa phương hoạt động có hiệu quả trong bối cảnh mới, cần thiết phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong tổ chức và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức cho bộ máy chính quyền địa phương ở các quốc gia phát triển, trong đó có các hình thức đào tạo mới và mang tính hiệu quả thiết thực như ở Nhật Bản.

Đoàn Kim Huy
Học viện Hành chính Quốc gia

TẠP CHÍ IN