Thứ Bảy, 18/5/2024

Quảng Ngãi: Xây dựng mô hình "Dân vận khéo" thiết thực, hiệu quả - bài học từ thực tiễn

Trong thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh Quảng Ngãi quan tâm triển khai thực hiện gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó đã tạo sức lan tỏa rộng lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 03/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ được giao với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã “khéo” tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp để thắp sáng hơn 1.160 km đường giao thông nông thôn với gần 46.500 bóng điện; đóng góp hơn 229.120 ngày công; làm mới hơn 1.260 km giao thông nông thôn và cứng hóa, nhựa hóa gần 1.240 km đường liên xã, liên thôn; vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 1,07 triệu m2 đất, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn; huy động được hơn 480 tỷ đồng để thực hiện nông thôn mới.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động, chăm lo hội viên, đoàn viên; đăng ký các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động xây dựng và sửa chữa hơn 1.900 ngôi nhà cho hộ nghèo. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ xã Bình Thới, huyện Bình Sơn xây dựng 02 Mái ấm tình thương, phương tiện sinh kế, bò, heo cho 12 phụ nữ với tổng trị giá 120 triệu đồng; hỗ trợ cho phụ nữ vay vốn 118 triệu đồng để xây dựng bếp Biogas. Tỉnh Đoàn hỗ trợ xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành xây dựng 01 cầu thanh niên nông thôn; tổ chức 01 lớp khởi sự doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn xây dựng 01 trường tiểu học với tổng kinh phí 07 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng người lao động. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xã Long Sơn, huyện Minh Long cho hội viên nông dân vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất nông nghiệp với số tiền 300 triệu đồng; tập huấn xây dựng nông thôn mới; vệ sinh môi trường; xây dựng câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; dạy nghề cho lao động nông thôn. Hội Cựu Chiến binh tỉnh hỗ trợ xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh xây dựng nhà cho 01 cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn với trị giá 50 triệu đồng; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các đơn vị lực lượng vũ trang tích cực triển khai thực hiện gắn với các phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, phát động đăng ký bằng những việc làm cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ độ cụ Hồ”; “Vì an ninh Tổ quốc”… Trong 03 năm qua, lực lượng vũ trang đã đăng ký và thực hiện hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Điển hình như các mô hình: “Tiếp sức hoàn lương”, “Tiếng loa an ninh”, “Cổng phòng, chống tội phạm - Tiếng kẻng an ninh” của lực lượng công an; “Điểm sáng vùng biên”, “Câu lạc bộ không có người vi phạm pháp luật” của bộ đội biên phòng…

Đặc biệt, mô hình “Tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biển các nước để khai thác hải sản bất hợp pháp” của Bộ đội Biên phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, trên khu vực biên giới biển của tỉnh, các Đồn biên phòng đã tham mưu cho địa phương thành lập 86 tổ tự quản tàu thuyền an toàn tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên biển với hơn hơn 4 nghìn thành viên; hơn 300 tổ tự quản an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển với hơn 7 nghìn thành viên; 18 tổ an ninh trật tự ở các bến bãi với gần 400 thành viên.

Tại Đồn biên phòng Bình Hải, huyện Bình Sơn, chi bộ, chỉ huy Đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú; cử cán bộ trực tiếp xuống gặp gỡ các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên và người thân thường xuyên vi phạm để tuyên truyền, vận động, thuyết phục và hướng dẫn viết cam kết không vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản. Nhờ sự quyết tâm, kiên trì thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, chiến lược của biển, đảo góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tình trạng vi phạm chủ quyền các nước để khai thác hải sản trái phép trên địa bàn xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã được ngăn chặn dứt điểm.

Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thiết thực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ, tiềm năng, sáng tạo của nhân dân; đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng để giải quyết những vấn đề phức tạp, khó khăn nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và lực lượng toàn dân để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn một số tồn tại, hạn chế như: mô hình “Dân vận khéo” của các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện còn hạn chế; chưa mạnh dạn tiếp cận hoặc đăng ký những lĩnh vực mới, khó và nhạy cảm; việc khảo sát, đánh giá, kiểm tra các mô hình chưa thường xuyên; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình chưa nhiều và thiếu tính bền vững…

Từ thực tiễn kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cuộc vận động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nguyện vọng của nhân dân. Các mô hình phải có tính bền vững, có sức lan tỏa và khả năng nhân rộng, hướng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thứ hai, cần phải đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp vận động quần chúng theo hướng gần dân, sát dân, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Nội dung tuyên truyền, vận động phải ngắn gọn, cô đọng, súc tích; cách thức, phương pháp cần linh động, mềm dẻo, đa dạng, kiên định, thường xuyên. Trong công tác tuyên truyền, vận động lấy yếu tố nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nhân tố thúc đẩy phong trào quần chúng ở cơ sở. Thường xuyên nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua rộng lớn, có sức lan tỏa và ngày càng đi vào chiều sâu.

Thứ ba, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; công khai, minh bạch các chủ trương, chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, các khoản thu, đóng góp của nhân dân… tại địa phương để nhân dân biết và được tham gia bàn bạc, quyết định những nội dung theo quy định trước khi triển khai thực hiện. Làm tốt điều này sẽ tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân và thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động tổ chức thực hiện.

Thứ tư, cán bộ làm công tác dân vận ngoài việc có trình độ, kiến thức chung nhất định, phải có lòng nhiệt tình, thân thiện; kiên trì, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu; đồng thời, phải mềm dẻo, khéo léo; hiểu và nắm bắt đúng tâm lý, tâm tư, nguyện vọng, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân; lựa chọn thời gian phù hợp để tuyên truyền, vận động mới đạt hiểu quả.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nhằm nhận thức sâu sắc hơn nữa về công tác dân vận, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch của Ban Dân vận Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến năm 2020 và hướng dẫn xây dựng, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực chất tính hiệu quả của các mô hình, điển hình đã được xây dựng để tránh tính hình thức. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó tập trung tiếp cận, đăng ký thực hiện những nội dung như: bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường; giải quyết những bức xúc, nổi cộm của nhân dân, người lao động trong các doanh nghiệp, không để xảy ra điểm nóng; công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy với nhân dân; lĩnh vực tôn giáo…

Ban Dân vận cấp ủy các cấp đổi mới nội dung, phương thức tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo về công tác dân vận. Công tác dân vận phải bám sát cơ sở, sát dân, sát thực tiễn để chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy chỉ đạo giải quyết nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả tại các địa phương.

Nguyễn Thị Kim Loan
Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Các bài khác

TẠP CHÍ IN