Thứ Bảy, 4/5/2024

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua di chúc thiêng liêng của Người

Những ngày tháng Năm lịch sử này, 50 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng cuối cùng, hoàn thiện cho một tác phẩm được bắt đầu thực hiện từ tháng 5/1965 - đó là Di chúc thiêng liêng của Người. Di chúc thể hiện sáu vấn đề trọng yếu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, mà trong suốt những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thường xuyên nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng theo tâm nguyện của Người. Đó là: Công tác xây dựng đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; hết lòng phục vụ Tổ quốc, chăm lo cho đời sống nhân dân; nêu cao lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về việc riêng.

Những năm qua, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp đã được đẩy mạnh, tăng cường. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị khóa XI, khóa XII ban hành các Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 05, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn đa dạng, phong phú trong công tác dân vận của hệ thống chính trị, của những tập thể, cá nhân tích cực làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mỗi cá nhân cũng như các thế hệ cán bộ làm công tác dân vận trên cả nước đều thấy nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua Di chúc của Người là một hoạt động hết sức có ý nghĩa. Bởi lẽ, qua Di chúc có thể thấy rõ tinh thần lạc quan, chí khí cách mạng, trí tuệ, tình cảm cao quý, trách nhiệm với Đảng, nhân dân, đất nước và đây là những giá trị quan trọng trong kho tàng tư tưởng minh triết, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là hành trang trên mỗi chặng đường của chúng ta.

1. Là người đứng đầu, một nhà lãnh đạo kiệt xuất trong lịch sử của đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng về nhân dân, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, quan tâm, chăm lo đến các giai tầng trong xã hội, đặc biệt là đồng bào, chiến sỹ đang ngày đêm gian khổ hy sinh vì Tổ quốc, hay những người yếu thế, khó khăn: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(1).

Thực tế trong vòng 10 năm (từ 1955 - 1965), không quản tuổi cao, công việc bận rộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 700 lần đi tới các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội… từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Trong 10 năm cuối đời (1959 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn dành thời gian theo dõi tình hình đất nước, Người đã tặng hơn 5.000 Huy hiệu Bác Hồ để động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập. Bởi theo Người: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(2).

Trong Di chúc, chúng ta càng thấy rõ sự quan tâm, chăm lo cho đời sống của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết tinh từ truyền thống “yêu nước, thương dân”, “lấy dân làm gốc”, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” đã được các vị minh quân, trung thần, tiền nhân, tiêu biểu như: Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi… đúc kết qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống dân tộc, kết hợp với văn minh thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu sáng tạo, Người đặt nhân dân lên vị thế người làm chủ đất nước; trong tất cả mọi việc, kể cả huy động sức dân trước hết vẫn là vì chính lợi ích của dân, vì theo Người, lợi ích của dân càng cao, sức dân càng mạnh. Từ đây hình thành nên tư tưởng độc đáo về dân vận, về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân và nhân dân với Đảng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(3). Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch.

Trong bản bổ sung Di chúc tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên tri về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Người đặt ra yêu cầu cho giai đoạn cách mạng mới của đất nước gắn xây dựng CNXH với chăm lo cho đời sống của nhân dân và chỉ ra những nhiệm vụ để mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do chiến tranh và xây dựng đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn việc phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(4).

Ngay cả “về việc riêng”, Người cũng nghĩ đến dân, lo cho dân, nhớ về dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(5).

2. Không chỉ nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng sức mạnh của quần chúng chỉ được phát huy đầy đủ khi có một Đảng cách mạng lãnh đạo: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(6).

Trong Di chúc, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nói đến đầu tiên chính là về công tác xây dựng đảng: “Trước hết nói về Đảng”. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo công tác xây dựng đảng. Qua Di chúc có thể thấy rõ tư tưởng, chủ thuyết về Đảng cầm quyền của Người: Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và thực sự chăm lo cho đời sống nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Trong công tác đảng, Người đặt lên hàng đầu vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(7). Bên cạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, Người cũng chú trọng việc thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.” Và sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung làm rõ việc phê bình: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(8). Người đặc biệt nhấn mạnh đến trọng trách lịch sử của Đảng, tính tiền phong gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước nhân dân. Bởi như Người từng chứng kiến, dự báo, nhắc nhở: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(9). Cuộc đấu tranh chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, xây dựng lối sống lành mạnh, trong sáng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đòi hỏi sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện của Đảng, sự kiểm tra, kiểm soát, kết hợp những quy định chặt chẽ của pháp luật, sự giám sát của nhân dân, cũng như tự giác rèn luyện, nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên.

3. Để kế tục sự nghiệp của Đảng, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến thanh niên: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(10).

Cùng với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quan tâm chăm lo cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, sau khi kháng chiến thắng lợi, phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước. Trong bản bổ sung Di chúc tháng 5/1968, Người nhắc đến các giai cấp, tầng lớp chịu nhiều hy sinh, mất mát trong xã hội, kể cả những nạn nhân của xã hội cũ và yêu cầu Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công việc đầu tiên là con người, chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

4. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn” tột bậc là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và Người thực hiện nó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành những chặng đầu tiên, khó khăn, gian khổ và quan trọng, là nền tảng thiết yếu trong tiến trình xóa bỏ cái cũ, cái lạc hậu, để dựng nên cái mới, tốt đẹp hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân đã đứng lên với sức mạnh vô cùng, vô tận, lập nên những trang sử vàng trong lịch sử của dân tộc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến, đem lại độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đưa đất nước hòa bình, tiến lên trên con đường CNXH. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân dân trong Di chúc đã được Đảng và Nhà nước hoàn thiện, cụ thể hóa thông qua các Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết Đại hội, chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước… vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biệt, trong gần 35 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế mở rộng đa dạng và ngày càng đi vào chiều sâu…

Công tác dân vận hiện nay trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, tiếp tục được đổi mới, tăng cường, thể hiện rõ vai trò, vị trí quan trọng theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc làm công tác dân vận, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thiết thực chăm lo cho đời sống các tầng lớp nhân dân; phát huy dân chủ, huy động quyền hành, trách nhiệm, lực lượng của nhân dân cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; huy động mọi nguồn lực của xã hội, của nhân dân cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và sau này trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại tấm gương mẫu mực tuyệt vời về công tác dân vận, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đi theo cách mạng. Tư tưởng đó của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận, thực tiễn, là cơ sở tiền đề quan trọng để Đảng ta đề ra những quan điểm, đường lối của mình về công tác dân vận, góp phần đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận; đổi mới nội dung, phương pháp, phong cách dân vận của hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…; củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; phát huy dân chủ; quan tâm, chăm lo đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân; củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước… Qua đó, tạo sự đoàn kết thống nhất cao về tư tưởng và hành động cách mạng, đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Trải qua 89 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 50 năm thực hiện Di chúc, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thành công tâm nguyện cuối cùng của Người: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Hà Ngọc Anh
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN