Thứ Sáu, 19/4/2024
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đề án 103 làm việc với Thành ủy Hà Nội
Tham dự cùng Đoàn có đại diện lãnh đạo Vụ Đoàn thể nhân dân Ban Dân vận Trung ương, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nội vụ.

Về phía Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; Chử Xuân Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các ban đảng, Văn phòng Thành ủy; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ thành phố, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính và đại diện lãnh đạo các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 

Quang cảnh Hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Huy Thành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội khẳng định: Trong những năm qua, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền các chủ trương của Đảng đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, thường xuyên quan tâm chỉ đạo về tổ chức và hoạt động đối với các hội quần chúng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô đối với vị trí, vai trò của các hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố được nâng lên. 

Công tác quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã chủ động phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện tốt việc xem xét, thẩm định, hồ sơ, ban hành quyết định công nhận Ban Vận động thành lập hội, cho ý kiến trong việc tổ chức đại hội, phê duyệt điều lệ theo thẩm quyền.

UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc cho phép thành lập, phê duyệt điều lệ đối với hội phạm vi xã, cho phép tổ chức đại hội đối với hội phạm vi huyện theo phân cấp quản lý, đúng quy định của pháp luật. Công an Thành phố đã hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp mới, cấp lại, đổi con dấu cho các hội và tổ chức pháp nhân trực thuộc hội theo quy định của pháp luật; đã chủ động nắm bắt tình hình, tổng hợp kết quả hoạt động của các hội trên địa bàn.

Đối với các hội được giao biên chế, ngân sách thành phố cấp theo số biên chế được giao và hỗ trợ kinh phí tổ chức đại hội nhiệm kỳ, hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, một số hội đăng ký và được cấp kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ của thành phố. Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các hội hoạt động trên phạm vi thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn hơn 785 tỷ đồng. Nhìn chung, các hội đều được bố trí trụ sở, văn phòng làm việc; một số hội được cấp phương tiện, trang thiết bị làm việc.

Hiện nay, toàn Thành phố Hà Nội có trên 3.711 hội (có 159 hội hoạt động trong phạm vi thành phố; 347 hội hoạt động trong phạm vi quận, huyện, thị xã và có 3.205 hội hoạt động trong phạm vi xã, phường, thị trấn), trong đó có 1.714 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ với gần 3 triệu hội viên (19 hội hoạt động phạm vi thành phố, 143 hội hoạt động phạm vi quận, huyện, thị xã, 1.552 hội hoạt động phạm vi xã, phường, thị trấn). 

Hoạt động của các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố trong những năm vừa qua đã có những đóng góp đáng kể trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của thành phố và các địa phương trên địa bàn, góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an sinh xã hội của thành phố, thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố trên tất cả các lĩnh vực xã hội, đối ngoại nhân dân và đóng góp tích cực xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là trong thời gian dài chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Một số hội hoạt động mang tính hình thức, chưa phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và bảo vệ lợi ích của hội viên, khả năng tập hợp hội viên còn thấp. Ban lãnh đạo một số hội vẫn còn tâm lý chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, còn thụ động trong việc tạo nguồn kinh phí, do đó nguồn kinh phí hoạt động của các hội còn khó khăn. Một số hội gặp khó khăn về cơ sở vật chất và trụ sở làm việc…

Thống nhất với các nội dung trong Báo cáo, phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã minh họa rõ nét hơn về tổ chức hoạt động, kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nhiều đại biểu kiến nghị Trung ương tăng cường quán triệt thực hiện các nội dung đã được thông báo tại Thông báo số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị; Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/4/2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để thể chế hoá nội dung Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị; Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức hội được giao số lượng người làm việc và hỗ trợ kinh phí cho các hội quần chúng theo nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Với tư cách là thủ đô của cả nước, Thành phố Hà Nội có rất nhiều các hội quần chúng: hội hoạt động trong phạm vi thành phố, hội hoạt động trong phạm vi quận, huyện, thị xã, hội hoạt động trong phạm vi xã, phường, thị trấn... Vì vâỵ, Thành ủy luôn quan tâm, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hội quần chúng. Đến nay, các tổ chức hội hoạt động đa dạng, phong phú, theo nhiều lĩnh vực.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Thành ủy cũng sẽ chỉ đạo UBND thành phố đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội; quan tâm hơn nữa đến việc thành lập các tổ chức đảng tại các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương đánh giá: Thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo đối với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố và thu được nhiều kết quả nổi bật. Với số lượng đông đảo, hầu hết các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ thành phố; tập trung thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thành phố; hoạt động ngoại giao nhân dân và hợp tác quốc tế.

 

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu kết luận Hội nghị


Chia sẻ với các khó khăn của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng mong muốn Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội trong thời gian tới tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất trong điều kiện cho phép để các hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị Thành ủy Hà Nội sớm hoàn thiện báo cáo, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất cụ thể, từ đó, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo Đề án 103 và trình Bộ Chính trị ban hành các văn bản mới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Tin và ảnh: Ngọc Mai

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất