Thứ Bảy, 12/10/2024
Công tác NVNONN được triển khai toàn diện và mạnh mẽ, tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương

Kiều bào nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh và gắn kết với quê hương

Tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, năm 2021, cộng đồng NVNONN tiếp tục chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng bà con đã có nhiều nỗ lực nhằm thích ứng và phục hồi cuộc sống, công việc, học tập ở sở tại, đồng thời hoạt động thiết thực đóng góp cho đất nước.

Cộng đồng NVNONN tiếp tục củng cố và tăng cường vai trò, vị thế và uy tín trong xã hội sở tại. Chính quyền sở tại ngày càng coi trọng vai trò của cộng đồng người Việt; các chính trị gia gốc Việt gia tăng ảnh hưởng trên chính trường sở tại, góp thêm tiếng nói nhằm bảo vệ quyền, lợi ích và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của cộng đồng. Cộng đồng có nhiều nỗ lực thích ứng với tình hình dịch bệnh, phục hồi công việc làm ăn, kinh doanh; nhiều tài năng trẻ người Việt gặt hái thành công, khẳng định tên tuổi của mình trên trường quốc tế.

Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, phát huy truyền thống đoàn kết và tương thân tương ái, đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, sát cánh và chia sẻ với đồng bào trong nước, đóng góp rất thiết thực và hiệu quả cho phòng chống dịch Covid-19. Năm 2021, kiều bào đã quyên góp số tiền  lên tới hơn 80 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước. Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ chống dịch, tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch.  Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện VNONN triển khai ngoại giao vaccine, vận động sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.

Mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng theo Ngân hàng Thế giới  lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 5,2% so với năm 2020 - ước đạt 18,1 tỷ USD .

Nhiều chuyên gia, trí thức Việt Nam đã tập hợp, thành lập các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở sở tại và đẩy mạnh hoạt động về trong nước như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Châu Âu... Bên cạnh đó, một số hội nhóm được thành lập mới như Liên hiệp các Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại châu Âu (tháng 9/2021); Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ (tháng 12/2021). Kiều bào có nhiều sáng kiến, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo đóng góp cho đất nước.

Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng và thể hiện rõ mong muốn được đồng hành, đóng góp vào vào sự phát triển của đất nước. Bà con bày tỏ phấn khởi, tự hào trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vị thế ngày càng cao của đất nước, thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, kiều bào hoan nghênh và đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới; cho rằng những nội dung trong Kết luận đã phản ánh đúng và trúng những nguyện vọng và mong muốn của bà con.

Những kết quả nổi bật về công tác NVNONN năm 2021 và phương hướng trọng tâm công tác năm 2022

Trong năm 2021, công tác NVNONN đã được triển khai toàn diện và mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong đó có một số kết quả nổi bật.

Công tác tham mưu, kiến nghị những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước về công tác NVNONN được nâng tầm, phù hợp với tình hình mới.

Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã kiến nghị và ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới. Kết luận 12 tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Kết luận 12 cũng góp phần thúc đẩy thực hiện công tác NVNONN toàn diện và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào VNONN, từ đó động viên, khích lệ đồng bào ta tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và tinh thần yêu nước hướng về quê hương, đất nước.


 Quang cảnh buổi gặp gỡ



Ngay sau khi Kết luận 12 được ban hành, Ủy ban đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Hướng dẫn tuyên truyền Kết luận 12, Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Kết luận 12, đồng thời đẩy mạnh thông tin tới cộng đồng NVNONN bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để bà con dễ dàng tiếp cận những nội dung trong Kết luận.

Để triển khai Kết luận 12, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026. Ủy ban cũng đang xây dựng Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021 – 2026. Ngoài ra, Ủy ban tích cực xây dựng kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá thông qua các Đề án về tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực của NVNONN trong tình hình mới, tôn vinh tiếng Việt, chăm lo, hỗ trợ kiều bào ở các địa bàn khó khăn.

Tiếp tục quan tâm, nắm bắt những khó khăn của cộng đồng NVNONN, tham mưu, kiến nghị, triển khai các chính sách pháp luật nhằm bảo đảm nhu cầu chính đáng của NVNONN. Ủy ban đã triển khai “Chương trình khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan”. Qua đó, tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, các hội đoàn người Việt về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN; trên cơ sở đó, tham mưu, kiến nghị bổ sung, sửa đổi, ban hành những quy định, chính sách liên quan tới NVNONN, tạo thuận lợi cho kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh...

Về việc nghiên cứu, xây dựng chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của NVNONN, Ủy ban triển khai xây dựng Đề án “Phát huy nguồn lực NVNONN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án; Phối hợp với Bộ KHCN triển khai Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người VNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban đang tích cực đóng góp, sớm hoàn thiện dự thảo và ban hành Thông tư hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục thuê đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (Căn cứ vào Nghị định số 27/2020/NĐ-CP);  Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 trong cộng đồng NVNONN và đề ra một số phương hướng triển khai hiệu quả CVĐ năm 2022; Phối hợp với các CQĐD xây dựng cơ sở dữ liệu về các hội, đoàn, cá nhân trí thức, doanh nhân NVNONN. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức kiều bào (AVSE và Vietsearch) thiết lập, vận hành các trang mạng để kết nối, hình thành cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức, doanh nhân VNONN; Tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng bộ Ngoại giao giai đoạn 2021-2026; Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Ngoại giao và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2026, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết trong cộng đồng NVNONN, đẩy mạnh công tác thu hút nguồn lực kiều bào trẻ.

Công tác vận động NVNONN được triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh, qua đó tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.

Các cuộc gặp của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đồng bào ta ở nước ngoài (do Ủy ban chủ trì, phối hợp tổ chức) trong các chuyến công tác, diễn ra trong bầu không khí thân mật, xúc động, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đồng bào VNONN, để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo dư luận tích cực trong cộng đồng, khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết và tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào với quê hương. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ủy ban đã linh hoạt, tổ chức các hoạt động theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. Các chương trình đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo kiều bào, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp và dư luận tích cực trong cộng đồng: (i) Chương trình “Xuân Quê hương 2021” (04/02) được truyền hình trực tiếp trên các kênh của VTV và các nền tảng số phục vụ kiều bào toàn thế giới; (ii) Tọa đàm trực tuyến “Thanh niên, sinh viên VNONN với Trại hè Việt Nam” (29/8) và “Kiều bào với biển đảo Việt Nam” (20/11); (iii) Chuỗi hội thảo, tọa đàm kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm thu hút nguồn lực tri thức của chuyên gia NVNONN đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở trong nước.

Năm 2021, bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19, Ủy ban vẫn tích cực hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khoa học, hội đoàn và các cá nhân doanh nhân, trí thức NVNONN và kết nối nguồn lực của cộng đồng với các cơ quan, địa phương trong nước, tận dụng tối đa phương thức làm việc mới (trực tuyến kết hợp trực tiếp). Ủy ban đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong nước nhằm đẩy mạnh công tác vận động NVNONN, đẩy mạnh công tác khen thưởng kiều bào có đóng góp tích cực cho công tác NVNONN, công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như sự phát triển của quê hương, đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tăng cường kết nối các Hội doanh nghiệp, trí thức kiều bào với các đơn vị trong nước.

Công tác hỗ trợ NVNONN được triển khai tích cực, kịp thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng.  

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban đã kịp thời phân bổ kinh phí hỗ trợ kiều bào có hoàn cảnh khó khăn phòng, chống dịch Covid-19 tại 9 địa bàn: Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Angola, Ả-rập-Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Bên cạnh đó, Ủy ban đã tích cực huy động các doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ vật tư y tế cho cộng đồng NVNONN. Đến nay đã huy động và hỗ trợ được gần 01 triệu khẩu trang (trị giá 05 tỷ đồng) cùng nhiều trang phục bảo hộ, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho cộng đồng người Việt tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến rất phức tạp, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện VNONN đã phối hợp chặt với các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Năm 2021, đã tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 120.000 công dân Việt Nam về nước an toàn.

Ủy ban cũng tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ NVNONN giữ gìn và phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc: (i) Tổ chức Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt trực tuyến dành cho giáo viên NVNONN với gần 400 học viên, bước đầu đáp ứng nguyện vọng dạy và học tiếng Việt của bà con tại một số khu vực, nhất là trong bối cảnh Covid-19; (ii) Phối hợp, hỗ trợ Hội người VN tại Ba Lan và Trường Lạc Long Quân tổ chức Hội thảo trực tuyến “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” với sự tham dự của 110 đại biểu từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, giáo viên tiếng Việt; (iii) Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan chuyển đổi cách tiếp cận, hình thức dạy và học tiếng Việt cho NVNONN, trong đó đẩy mạnh việc đào tạo theo hình thức trực tuyến; (iv) Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc thi “Kiều bào thi hát dân ca trên VOV” từ tháng 6-12/2021. Cuộc thi thu hút sự tham gia đông đảo của kiều bào trên thế giới, tạo sân chơi văn hóa tích cực, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và hướng bà con với văn hóa truyền thống dân tộc.

Trong công tác hỗ trợ chuyên gia, trí thức kiều bào, Ủy ban đã phối hợp với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) kết nối với các địa phương để tìm đề bài cho Cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4growth 2021 do Bộ Ngoại giao bảo trợ; Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức Vòng tay nước Mỹ lần thứ 9; Bác sỹ Lương Cần Liêm tổ chức khóa đào tạo về tâm thần nhi tại Việt Nam (trao đổi với ĐH Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh)... Đồng thời, Ủy ban đã phối hợp với các bộ/ngành hỗ trợ, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nhân/trí thức NVNONN hoạt động trong nước.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, năm 2022, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ tập trung triển khai 02 đột phá là công tác đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN và phát huy nguồn lực kiều bào, phục vụ phát triển đất nước. Ngoài ra, Ủy ban sẽ triển khai 07 trọng tâm sau:

Thứ nhất, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021–2026 và Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021–2026.

Thứ hai, tăng cường đại đoàn kết dân tộc. Ủy ban sẽ xây dựng và triển khai Đề án tiếp tục đẩy mạnh vận động NVNONN trong tình hình mới, đồng thời đổi mới, đa dạng hóa hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động NVNONN, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ, kiều bào còn định kiến, lực lượng nòng cốt – những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng.

Thứ ba, phát huy nguồn lực NVNONN phục vụ phát triển đất nước. Ủy ban sẽ xây dựng và triển khai Đề án tăng cường thu hút nguồn lực của NVNONN; phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân NVNONN; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN.

Thứ tư, hỗ trợ bà con về địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống. Ủy ban phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp tổng thể, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho bà con ta ở nước ngoài.

Thứ năm, hỗ trợ cộng đồng trong việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ủy ban phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Hiện Ủy ban đang xây dựng Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN nhằm khuyến khích, động viên kiều bào, nhất là thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy ngôn ngữ dân tộc.

Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin đối với NVNONN. Ủy ban phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, chủ động đưa thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cộng đồng; phát huy hiệu quả kênh các truyền thông của kiều bào.

Thứ bảy, tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài nước; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN.

Xuân Quê hương - Chương trình gắn kết kiều bào

Tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, Chương trình “Xuân Quê hương 2022” dành cho cộng đồng NVNONN là hoạt động chính trị, đối ngoại, văn hóa lớn nhất đầu năm mới 2022 nhằm kết nối kiều bào với trong nước, là dịp để Lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và vinh danh các tập thể, cá nhân kiều bào có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng bào trong và ngoài nước phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về sức khỏe, vật chất và tinh thần. Hai năm qua, nhiều bà con kiều bào không có điều kiện và cơ hội về thăm gia đình, quê hương. Do đó, việc tổ chức Chương trình Xuân Quê hương 2022 có sự hiện diện, chúc Tết của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm chăm lo dành cho bà con kiều bào, theo đúng tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới.

Chương trình Xuân Quê hương 2022 diễn ra vào ngày 22/1 (tức 20 tháng Chạp năm Tân Sửu) bao gồm các hoạt động phong phú mang tính truyền thống như dâng hương, thả cá; Hoạt động tri ân như viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; Gặp gỡ Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, MTTQ; Chương trình giao lưu nghệ thuật có sự tham dự của Chủ tịch nước chúc Tết bà con kiều bào. Chương trình Giao lưu Nghệ thuật trong khuôn khổ Xuân Quê hương năm nay đổi mới, kết hợp hài hòa, thú vị giữa nhiều yếu tố âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại với sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ gốc Việt tiêu biểu và nghệ sĩ trong nước. Chương trình đa dạng về loại hình, thể loại, hứa hẹn thể hiện rõ nét sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam, hài hòa trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với mong muốn đóng góp vào các nỗ lực duy trì phát triển và hướng tới phục hồi của từng địa phương, Chương trình Xuân Quê hương năm nay còn có sự tham gia của tỉnh Vĩnh Phúc với hoạt động giới thiệu, xúc tiến đầu tư - thương mại tại tỉnh với đoàn kiều bào tiêu biểu, nhằm tạo cơ hội để bà con kiều bào tăng cường hiểu biết về tình hình phát triển tại một địa phương tiềm năng, từ đó đẩy mạnh thu hút kiều bào đầu tư, khuyến khích bà con đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, quê hương, đất nước.

Thứ trưởng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chương trình sẽ được tổ chức trên tinh thần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngắn gọn, trọng tâm, đảm bảo ý nghĩa và hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể, đại diện kiều bào, đại diện các bộ, ngành, cơ quan tham gia chương trình, toàn bộ thành viên ban tổ chức, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia đưa tin về chương trình phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định 5K.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lương Thanh Nghị cho biết thêm, Chương trình Xuân Quê hương 2022 dự kiến có 300 đại biểu kiều bào tham dự trực tiếp, trong đó có khoảng 50 - 100 kiều bào tiêu biểu, là các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, thanh niên và các cá nhân kiều bào có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, khoa học-công nghệ, kinh tế... Chương trình Xuân Quê hương 2022 ngoài được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 và các  nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam, còn được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp sóng thông qua các phương tiện phù hợp để phục vụ, đáp ứng mong muốn của bà con kiều bào không thể về quê hương trực tiếp tham dự chương trình.

(quehuongonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác