Thứ Bảy, 20/4/2024
Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở Kim Bảng

Để có được kết quả đó, các cấp, ngành, địa phương của Kim Bảng luôn coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực.

Xã Tân Sơn (Kim Bảng) là một trong những địa phương triển khai nhiều dự án phát triển KT-XH của tỉnh, của huyện với diện tích đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng lớn nhưng luôn nhận được sự đồng tình, nhất trí cao từ phía nhân dân. Một trong những giải pháp đầu tiên và xuyên suốt được cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên duy trì thực hiện tốt, đó là chú trọng khơi dậy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền Tân Sơn luôn chủ động thực hiện chu đáo việc tổ chức các hội nghị đối thoại, tiếp dân, trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân để tham mưu, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả những chủ trương, đề án phát triển KT-XH trên địa bàn.

Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn xã Tân Sơn thực hiện nghiêm việc thông báo công khai rộng rãi trên hệ thống truyền thanh xã, thôn, niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn và thông qua các hội nghị về những nội dung nhân dân cần biết như: Kế hoạch phát triển KT-XH; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; việc quản lý, sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động nhân dân đóng góp; danh sách công dân được miễn, tạm hoãn và trong diện thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức... Mặt khác, công khai những nội dung nhân dân cần tham gia bàn bạc và quyết định gắn với tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát hoạt động của HĐND, UBND xã, đại biểu HĐND và cán bộ, công chức xã, hợp tác xã, cán bộ thôn trong triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND xã, quy ước, hương ước của thôn...

 

Cán bộ công chức xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) giải quyết TTHC cho người dân.


Tương tự như Tân Sơn, tại các xã, thị trấn của huyện Kim Bảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, thực hiện nghiêm quy định tổ chức hội nghị đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của công dân, nhất là vào dịp trước, trong và sau khi triển khai các dự án trên địa bàn, qua đó phát hiện, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, những yêu cầu, đề nghị của CBĐV, nhân dân. Năm 2022, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng và các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức 19 hội nghị đối thoại với đoàn viên, hội viên, nhân dân; tổ chức đối thoại đột xuất để xem xét, giải quyết đối với 66 vụ việc.

Những vấn đề liên quan tới dân sinh, trước khi HĐND xã, thị trấn xem xét, quyết định đều được đưa ra để nhân dân trực tiếp thảo luận, đóng góp ý kiến. UBND các xã, thị trấn đã thực hiện công khai đầy đủ những nội dung nhân dân được biết, nhất là nội dung về chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư, việc quản lý, sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động từ cộng đồng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; phương án đền bù, GPMB thực hiện các dự án: Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, KCN Đồng Văn IV, các khu đấu giá quyền sử dụng đất, Sân golf 36 hố và khu phụ trợ tại xã Tượng Lĩnh, hạ tầng du lịch chùa Bà Đanh giai đoạn 2, dự án khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Ba Sao... Đồng thời, thông tin công khai, rộng rãi những nội dung nhân dân bàn bạc, quyết định (xây dựng NTM kiểu mẫu, xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước); nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định (dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH, xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn, mức đóng góp phí, lệ phí, dịch vụ nông nghiệp); nội dung nhân dân giám sát (xây dựng công trình phúc lợi nông thôn, giao thông nông thôn, trường học, thực hiện chế độ chính sách...).

Đồng chí Lại Tuyết Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kim Bảng cho biết: Thực hiện QCDC ở cơ sở, các ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, tổ tự quản ở cơ sở phối hợp với những tổ chức thành viên của MTTQ tích cực tham gia giám sát một số vấn đề liên quan tới đời sống người dân, qua đó kiến nghị cấp chính quyền chấn chỉnh không để xảy ra sai phạm. Theo thống kê, năm 2022, tại các địa phương, ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 8 cuộc giám sát, ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức 9 cuộc giám sát; nội dung, hình thức tiến hành cơ bản phát huy được vai trò, trách nhiệm đối với việc giám sát hoạt động của chính quyền trong thực thi pháp luật như: thực hiện Luật Đất đai, việc triển khai xây dựng NTM, quản lý, sử dụng vốn đầu tư, xây dựng, thực hiện quy ước của thôn, tổ dân phố; quản lý thu, chi các loại quỹ đóng góp của nhân dân. Ở từng địa phương, các ban giám sát cộng đồng trực tiếp giám sát việc triển khai, xây dựng những công trình hạ tầng trên địa bàn. Thực hiện QCDC ở cơ sở, toàn huyện Kim Bảng đã xây dựng 340 tổ tự quản, 85 tổ hòa giải với 412 hòa giải viên; tỷ lệ hòa giải thành đạt gần 90%.

Để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cũng được các đơn vị, địa phương trong toàn huyện Kim Bảng coi trọng thông qua chỉ đạo thực hiện tốt việc niêm yết công khai, minh bạch hồ sơ, quy trình, thời gian giải quyết những TTHC liên quan đến nhân dân. Tại bộ phận “một cửa” của các xã, thị trấn đã thực hiện niêm yết công khai 168 TTHC thuộc 15 lĩnh vực; công khai TTHC trên cổng thông tin điện tử của huyện để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, ứng dụng thực hiện cũng như tham gia theo dõi, giám sát. Năm 2022, hầu hết các TTHC giao dịch tại cơ quan hành chính của huyện và các xã, thị trấn được giải quyết đúng hạn và trước hạn; đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh của công dân được chú trọng giải quyết từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Việc chú trọng thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở của các cấp, ngành, địa phương ở Kim Bảng thời gian qua đã góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như huy động các nguồn lực giúp địa phương hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh, giữ vững an ninh, quốc phòng, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đây là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Kim Bảng ngày càng vững mạnh.

(baohanam.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất