Thứ Tư, 13/11/2024
Mèo - Từ dân gian đến hiện đại

 

Khởi nguồn lấp lánh nguyên sơ

Thuở ấu thơ, trẻ em thường được bà hay mẹ ru những câu ca về “tiểu Hổ” - một loài vật rất gần gũi với đời sống con người:

Con mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đàng xa

Mua mắm, mua muối, giỗ cha chú mèo

… Con mèo con mẻo con meo

Con thì bắt chuột, con leo xà nhà

Leo trèo những độ cao là một sở trường của mèo để bắt chuột. Muốn biết con mèo nào có “võ nghệ cao cường” về săn mồi thì túm gáy xách lên thấy co chân là biết nó hay chuột, duỗi đơ chân ra thì thuộc dạng lười biếng, chậm chạp. Loại mèo “tứ túc mai hoa” thì trên mình và bốn chân đều có chấm màu như hoa nở được coi là linh thú hóa giải sát khí, đem lại điềm lành vận may cho gia chủ. Còn mèo có râu trắng, mũi trắng hoặc đỏ là loại “ăn vụng xó bếp, cậy vung cả ngày”.

Theo sách “Sơn Đường Tứ Khảo”: “Vòm miệng mà có ba vạch, bắt chuột một quý, có năm vạch bắt chuột nửa năm, có 7 vạch bắt chuột 3 quý, 9 vạch bắt chuột suốt năm”.

Nhìn mèo "sát thủ" chuột mà người ta biết được thời gian khoái khẩu của nó: đầu tháng chỉ chén đầu, giữa tháng ngoạm phần thân, cuối tháng ăn đuôi chuột.

Danh tài Văn Cao cho rằng: “Mèo mướp là loài bắt chuột hay nhất. Nhưng loài chuột lại không hẳn sợ nó. Mèo đen mới là khắc tinh của chuột. Mèo đen được coi như là “đại tướng” của loài mèo. Mèo tam thể rất lười nhác, nó chỉ bắt chuột khi thật sự đói. Nếu nhà có nhiều chuột nhắt thì chỉ cần nuôi một con mèo tam thể là chuột nhắt biến sạch. Những giống mèo quý như: Mèo đen, mèo xiêm, mèo tam thể thường rất khó nuôi. Đặc biệt là mèo đen”. Với ông, một con mèo đẹp phải có dáng đi mềm mại, khoan thai, thân dài, chân to, mặt tròn, mắt sáng, đuôi dài và to trông như một bông lau.

Xưa nay người Việt Nam thường ví von phong thái, hành động của mèo ngầm biểu thị thái độ ứng xử của mình đối với nhân tình thế thái. Trong cuộc sống muôn hình muôn vẻ khi chưa rõ thực lực “Mèo nào cắn mỉu nào” thì không nên coi thường. Gặp loại “Mèo già hóa cáo” từng trải, tích lũy nhiều kinh nghiệm xã hội thì khi giao tiếp phải khiêm nhường, thận trọng, cầu thị.

Trong các mối quan hệ xã hội phức tạp, mỗi cá nhân có tiềm lực, tiềm năng khác nhau. Có người tuổi trẻ tài cao vượt trội họ làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi thì dân gian dùng hình tượng “Mèo con bắt chuột cống” để ca ngợi. Trái lại, “Mèo nhỏ bắt chuột con” có ý khuyên răn đối tượng kinh doanh, làm ăn phải tự lượng sức mình, lựa chọn công việc phù hợp thì mới đạt hiệu quả, thành công.

Đề cao sự thanh lịch, tế nhị, duyên dáng của người phụ nữ  thì so sánh với cung cách ăn uống giữa hai giới khác nhau: “Nam thực như Hổ, nữ thực như Miu”.

Nhắc nhở mọi người phải cảnh giác đề phòng, đối phó với các thủ đoạn trộm cắp, tùy từng đối tượng mà đưa ra hành động cho hợp lý “chó treo mèo đậy” tránh tình trạng hớ hênh sơ sểnh “mỡ để miệng mèo” hay “lôi thôi như mèo sổ chuột”.

Khi gặp tình huống trớ trêu “Cơm treo, mèo nhịn đói” cũng không nên dồn sự tức giận vô lý vào người khác theo kiểu “đá mèo quèo chó” hoặc buồn rầu thất vọng “Tiu nghỉu như mèo cắt tai”. Điều tốt nhất ở đời là  phải biết cảm thông, chia sẻ cùng cảnh ngộ “Ăn nhạt mới biết thương tới mèo”.

Với những kẻ ăn chơi đàng điếm, quan hệ lăng nhăng mà dân gian gọi là “mèo mả gà đồng”, “mèo đàng chó điếm”, “mèo hoang chó lạc”, “mèo lừa chó lọc” hoặc tự cao tự đại về bản thân “Mèo khen mèo dài đuôi” hoặc sống quá hà tiện, keo kiệt “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”, “Im ỉm như mèo ăn vụng”… thì càng tránh xa càng bình an, vô sự.

Mèo trong danh họa Việt Nam của các bậc thầy

Vào một sáng mùa Thu 1950, trên đường đi kiếm việc làm ở nơi xứ lạ, Lê Bá Đảng đến phố con mèo câu cá rực rỡ lá vàng gần sông Seine của thủ đô Paris (Pháp) thì bất chợt một tia chớp hình mèo hiện lên trong suy tưởng khiến ông cầm bút mực Nho vẽ ngay trên lá và bán mỗi bức tranh với giá hai quan tiền. Kỷ lục là có tháng bán tới 160 tranh mèo, nhờ đó gia đình họa sĩ thoát dần đói khổ. Có người đòi mua đứt mẫu hàng nhưng ông từ chối và còn sáng kiến in tranh mèo vào đĩa nên càng đắt hàng. Suốt  5 năm trời với hàng ngàn bức tranh mèo độc đáo và đáng yêu, không chỉ “cứu sống” vợ chồng nghèo và đứa con trai nhỏ khỏi cơn cùng quẫn mà còn giúp họa sĩ Lê Bá Đảng "khởi sự vươn vai Phù đổng trong làng mỹ thuật thế giới".

Khác với Lê Bá Đảng, họa sĩ Nguyễn Sáng - người Nam Bộ nhưng cuộc đời lại sinh cơ lập nghiệp trên đất Bắc, chủ yếu là thủ đô Hà Nội. Họa sĩ Nguyễn Sáng đã lan tỏa tài năng với hàng loạt những tác phẩm mang tầm vóc kinh điển cùng một bộ tranh độc nhất vô nhị về mèo. “Hàng trăm con mèo ký tên Nguyễn Sáng đang tình tự âu yếm, nô đùa bên nhau trên giấy dó, lụa, sơn dầu, trên vóc sơn mài tưng bừng và khoáng đạt” - họa sĩ Hoàng Đình Tài nhận xét.



Mèo là một cuộc khám phá các đối tượng thẩm mỹ về hình sắc, bố cục, cấu trúc và là sự tìm kiếm kỳ công cho phương thức biểu hiện mới của nhà danh họa. Những bức tranh được nhắc đến nhiều nhất là “Mèo đôi” (sơn mài - 1969), “Mèo dưới trăng” (sơn mài -1973) và “Mèo vờn nhau” (sơn mài 1979).

“Mèo dưới trăng” được khắc họa công phu và khỏe khoắn. Với gam màu cánh gián có dát vàng một số đoạn trên thân mèo diễn tả ánh trăng lấp loáng thật gợi cảm, thơ mộng.

Đến “Mèo đôi” họa sĩ Nguyễn Sáng diễn tả hai con mèo đực và cái đang mùa giao phối, chúng xoắn xuýt, quấn cuộn lấy nhau đầy sung mãn hoan hỷ. Ông Đức Minh - nhà sưu tầm tranh nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội đã mua tác phẩm ngay khi mới hoàn thành.

Bằng chất liệu sơn mài trên vóc ghép bốn tấm, kích thước tranh 60x72cm “Mèo vờn nhau” thể hiện hai con mèo mang thế của hổ vờn nhau trên nền vóc lung linh ánh bạc huyền hoặc. Năm 2016, tác phẩm được đấu giá tại Hồng Kông với giá 101.000 USD.

Nếu Lê Bá Đảng và Nguyễn Sáng sáng tác nhiều về mèo thì danh họa Bùi Xuân Phái nổi tiếng với những bức tranh về phố phường Hà Nội lại là một trong những người đầu tiên khởi xướng dòng tranh vẽ con giáp.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, khoảng từ năm 1956 - 1957, Họa sĩ Bùi Xuân Phái bắt đầu vẽ những tấm thiệp con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Họa sĩ Thành Chương vẫn nhớ: Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người vẽ con giáp rất đều đặn nhưng nhiều khi ông vẽ trên vỏ bao thuốc lá, vỏ phong bì, hoặc tờ lịch được xé xuống từ cuốn lịch đang treo trên tường. Sau này cẩn thận hơn chút, ông sử dụng tờ vàng mã để vẽ. Những bức tranh con giáp trên giấy vàng mã ấy trông vừa dân gian vừa ngay ngắn, đẹp đẽ được ông dành để tặng bạn bè.

Thiệp vẽ con mèo năm Đinh Mão 1987, trên kệ đấu giá quốc tế đã được bán với giá 6.000 USD, dù kích thước của nó chỉ nhỏ bằng chiếc bì thư. Đây cũng là mức giá cao nhất từ một tấm thiệp vẽ tay của Bùi Xuân Phái.

Có lẽ, người say mê đề tài vẽ con giáp quy mô nhất là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Đặc biệt, ông sáng tác tranh con giáp nhiều trên giấy dó. Ông không vẽ riêng mèo mà ông thường vẽ theo bộ các con giáp. Đến năm con vật nào là chủ thì ông vẽ con đó ở trung tâm bức tranh. Cảm hứng về đề tài con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm nảy sinh từ bức chạm gỗ cổ “Mèo ngoạm cá” ở đình Bình Lục (Đông Triều, Quảng Ninh). Ông bắt đầu vẽ con giáp đầu tiên là con mèo. Ông ít vẽ mèo đơn mà chủ yếu là mèo đôi.

Theo Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có thể sáng tác vài chục bức mỗi năm và hoàn toàn không bị lệ thuộc vào trật tự thời gian. Ông còn chuyên chú cho dòng tranh này tới độ vẽ màu sắc của con giáp theo ngũ hành đầy ấn tượng. Năm 1988, tại Hà Nội, bộ sưu tập tranh con giáp lớn nhất của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được công bố, gồm 42 tác phẩm, với đầy đủ các con vật của 12 cung bằng bột màu, kích thước 36cm x 50cm. Hình ảnh những con vật bình dị gần gũi, quyến luyến nhau toát lên vẻ đẹp sinh động của cuộc sống đời thường đầm ấm, hòa đồng. Bộ tranh của ông phong phú, đặc sắc và đậm không khí mùa xuân…

“Tre già măng mọc”, kế thừa tinh hoa của của nguồn mạch dân gian và các thế hệ họa sĩ tiền bối, lớp trẻ hiện nay nhiều người đều tham gia vẽ và triển lãm tranh các con giáp. Phấn khởi và tự hào là các tác phẩm khéo kết hợp tính thời đại và tính truyền thống. Dòng tranh con giáp đã có đóng góp cho sự phát triển, đi lên của nền mỹ thuật Việt Nam, làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc./.

Phương Hòa - Nhật Minh

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất