Thứ Tư, 13/11/2024
“Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên: Nói dân nghe, làm dân tin

Xây dựng mô hình từ nhu cầu thực tiễn

Vụ lúa đầu năm 2023, ông Rơ Châm Kưk, người dân tộc Gia Rai, ở làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thu hơn 15 tấn lúa nước từ diện tích 2ha của gia đình. Đây là một kỳ tích về năng suất lúa nước ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai vốn trước đây chỉ biết trồng lúa rẫy, năng suất thấp. Điều đặc biệt là ông Rơ Châm Kưk và hàng trăm hộ đồng bào DTTS của xã Ia Mơ biết trồng lúa nước xuất phát từ mô hình “Trình diễn lúa nước” của Đồn Biên phòng Ia Mơ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai.

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Mơ, trước năm 2014, xã Ia Mơ chưa quy hoạch cánh đồng lúa nước. Người dân trồng lúa rẫy với cách canh tác truyền thống, chọc, tỉa và sử dụng các loại giống lúa dài ngày, năng suất thấp, từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch kéo dài 6 tháng. Một nghịch lý là đất ở những nơi trũng thấp, có thể dẫn nước về để trồng lúa nước thì bà con bỏ hoang, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, nhiều gia đình thiếu đói. 


 Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long (BĐBP tỉnh Kon Tum)
giúp nhân dân địa phương thu hoạch vụ cà phê năm 2022

Để giúp nhân dân thay đổi tư duy, phương pháp canh tác, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Mơ xin chủ trương của Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai và chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Trình diễn lúa nước”. Diện tích đất thực hiện mô hình rộng 5.483m2, tại làng Klăh, xã Ia Mơ và được Đồn Biên phòng Ia Mơ tiến hành chặt chẽ từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, tuyên truyền, vận động người dân đến tham quan, học tập.

“Năm đầu tiên, Đồn Biên phòng Ia Mơ thu hoạch được 3 tấn lúa, nhiều người dân đến xin làm theo mô hình của BĐBP. Đồn Biên phòng Ia Mơ chọn 13 hộ gia đình ở làng Klăh, hỗ trợ giống, ngày công để trồng lúa nước trên diện tích 18,3ha. Năng suất cao tạo ra nguồn lương thực dồi dào đã thu hút người dân xã Ia Mơ trồng lúa nước, thay đổi nhận thức, thói quen canh tác lạc hậu. Hiện nay, trên địa bàn xã có hàng trăm hộ gia đình canh tác lúa nước và thoát nghèo bền vững”, Thượng tá Nguyễn Đức Hùng vui mừng nói.

Không chỉ có mô hình “Trình diễn lúa nước” của Đồn Biên phòng Ia Mơ mà hiện nay có hàng chục mô hình “Dân vận khéo” của các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đang phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc. Nổi bật như các mô hình: “Gắn kết hộ” của Binh đoàn 15 với hơn 4.000 cặp hộ người Kinh gắn kết với hộ đồng bào DTTS, hộ cán bộ, nhân viên, công nhân của đơn vị gắn kết với nhân dân... qua đó, giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống hạnh phúc; “Hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới” của BĐBP tỉnh Kon Tum đã giúp bà con phát triển đàn bò lên 138 con, giúp 83 hộ gia đình ở khu vực biên giới có nguồn vốn vươn lên thoát nghèo... Các mô hình: “Giảm hộ nghèo bền vững”, “Hũ gạo vì người nghèo”, “Giúp đỡ học sinh nghèo tới trường” của lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum, “Mái ấm biên cương”, “Bếp ăn tình thương” của BĐBP tỉnh Gia Lai... được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Địa phương và đơn vị phối hợp nhịp nhàng

Đồng bào các dân tộc thôn Ia Ho, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum rất phấn khởi khi mới đây được 7 đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh Kon Tum xây tặng sân bóng đá mini rộng 2.400m2 với kinh phí hơn 135 triệu đồng. Anh A Táo, người dân tộc Gia Rai, ở thôn Ia Ho tâm sự: “Trước đây, sân bóng không có, thanh niên sau giờ lên nương rẫy chỉ biết uống rượu. Nay được các đơn vị Quân đội xây tặng sân bóng đá, thanh niên trong thôn vui lắm!”.

Sân bóng đá mini ở thôn Ia Ho là một trong nhiều công trình đã và đang được xây dựng theo Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, giai đoạn 2021-2026. Ngoài công tác dân vận thường xuyên, xây dựng và duy trì các mô hình “Dân vận khéo”, hằng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum phối hợp với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn xây dựng những công trình dân vận như: Sân bóng đá, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS.

Thông tin từ Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, chỉ tính riêng năm 2022, Binh đoàn 15 giúp nhân dân tỉnh Gia Lai trồng 5,7ha lúa nước, thu hoạch 3,5ha; hỗ trợ giống, vốn, vật tư sản xuất trị giá 520 triệu đồng; đầu tư tu sửa, làm mới 11,7km đường giao thông các loại trị giá 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ địa phương 200 triệu đồng xóa nhà tạm, di dời 5 gia đình ra khỏi khu vực sạt lở, hỗ trợ 19 tấn gạo giáp hạt cho 1.450 gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa 23 nhà ở trị giá hơn 1,730 tỷ đồng. Sư đoàn 2 (Quân khu 5) giúp nhân dân di dời 62 ngôi nhà, sửa chữa 85 ngôi nhà, xây mới 2 ngôi nhà; hỗ trợ 7 con bò, 6 con lợn, 4 con dê và cây giống cho 14 hộ nghèo của tỉnh Gia Lai. Quân đoàn 3 cũng huy động nhiều ngày công giúp các địa phương sửa chữa, làm mới 59km đường giao thông liên thôn; di dời nhà ở và chuồng trại chăn nuôi...

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương và cơ quan, đơn vị, chúng tôi được biết, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS Bắc Tây Nguyên của các đơn vị Quân đội tập trung vào giải quyết 3 vấn đề chính: Làm thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm lạc hậu của đồng bào; hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật phát triển trồng trọt, chăn nuôi; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt, hằng năm, cấp ủy, chính quyền hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân đội phân công đảm nhiệm trên từng phần việc, từng địa bàn chặt chẽ, hiệu quả. Hầu hết các xã, làng đồng bào DTTS thuộc diện khó khăn, khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai, Kon Tum đều được các đơn vị Quân đội kết nghĩa, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng công trình dân vận.

Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy BĐBP tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Tiến hành công tác dân vận, giúp đỡ đồng bào không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị của đơn vị mà còn là tình cảm, sự tri ân nhân dân. Vì vậy, với tinh thần "Việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm", trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã chọn những mô hình, phần việc thiết thực để tập hợp, hướng dẫn và hỗ trợ đồng bào làm theo từ dễ đến khó, từng bước tạo ra kết quả, tạo sự lan tỏa sâu rộng, bộ đội nói dân nghe, làm dân tin..."./

(qdnd.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất