Chủ Nhật, 28/4/2024
Đồng bào công giáo Bắc Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 55 xứ, họ đạo với 15.307 giáo dân cư trú 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã, phường, thị trấn ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Những năm qua, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia, tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp trong các xứ đạo, họ đạo. Các phong trào đã lan tỏa sâu rộng trong các giáo xứ, giáo họ với nhiều mô hình hay, cách làm mới, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.


Đồng bào Công giáo thôn Phượng Giáo, thị trấn Thứa (Lương Tài, Bắc Ninh)
phát triển kinh tế từ hoạt động buôn bán, dịch vụ

Là một trong những địa phương tiêu biểu về phát huy vai trò của đồng bào Công giáo trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, đông đảo bà con giáo dân ở các họ đạo của huyện Lương Tài luôn thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Trên địa bàn huyện hiện có 8 họ đạo (trong đó có 5 họ đạo toàn tòng); số lượng đồng bào Công giáo nhiều nhất các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh với khoảng hơn 7.000 người. Bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp trên, Ủy ban Đoàn kết công giáo huyện Lương Tài thường xuyên vận động các chức sắc, chức việc, giáo dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy ước của cộng đồng; phát huy truyền thống đoàn kết lương giáo, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo”, với 10 tiêu chí “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”.

Đồng bào Công giáo huyện Lương Tài đã có nhiều đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tiêu biểu như nghề làm mỳ gạo, bánh đa, dịch vụ, cây cảnh ở giáo xứ Tử Nê, xã Tân Lãng; nghề thợ nề, chăn nuôi ở họ giáo Lương La, Bái Giang, xã Tân Lãng; nghề sản xuất chài lưới, dịch vụ giao thông ở giáo xứ Lai Tê, xã Trung Chính; buôn bán kinh doanh ở giáo xứ Phượng Giáo, thị trấn Thứa... góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào Công giáo. Hiện tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào Công giáo của huyện Lương Tài chiếm tới hơn 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%. Đồng bào Công giáo đã trực tiếp tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

5 năm qua, các xứ, họ đạo trong tỉnh Bắc Ninh cùng với phương châm “Tốt đời đẹp đạo” đã tích cực tham gia phong trào “Dồn điền đổi thửa”, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi có giá trị thu nhập cao. Đến nay, toàn tỉnh có 288 trang trại VAC của người Công giáo với các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, gia súc gia cầm, nuôi thả cá, đà điểu... Tiêu biểu như: Giáo dân Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Hồng ở giáo xứ Xuân Hoà, xã Đại Xuân (Quế Võ) với mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây các loại; giáo dân Nguyễn Thị Hoán, Nguyễn Văn Huy ở họ giáo Nghĩa La, xã Trung Chính (Lương Tài) với mô hình nuôi cá thương phẩm kết hợp trồng cây ăn quả... Ngoài ra, nhiều xứ, họ đạo còn chú trọng khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống, như nghề sản xuất giấy dó ở khu phố Ngô Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); nghề làm mì gạo ở thôn Tử Nê, xã Tân Lãng (Lương Tài); nghề ngư cụ truyền thống ở thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài)... Từ đó, bộ mặt Nông thôn mới ở các xứ, họ đạo ngày càng chuyển biến rõ rệt: 100% các xứ, họ đạo đều có đường bê tông, 100% kênh mương nội đồng được cứng hóa; các công trình tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện được tu sửa, nâng cấp; 100% gia đình giáo dân  đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” và nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tân gia. Hằng năm, có hơn 95% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Có được những kết quả đó là do các cấp ủy đảng, chính quyền và MTTQ các cấp và các đoàn thể tỉnh Bắc Ninh đã luôn quan tâm, chăm lo mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Công giáo. Qua đó, càng củng cố thêm niềm tin của đồng bào Công giáo với Đảng, Nhà nước; tình đoàn kết giữa đồng bào Công giáo với các tầng lớp nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường. Đồng bào Công giáo phấn khởi, tin tưởng thực hiện tốt phương châm “kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng góp sức xây dựng và bảo vệ  quê hương, đất nước./.

 Quang Phạm


 

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất