Thứ Bảy, 5/10/2024
Hiệu quả mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” tại vùng đồng bào dân tộc Chăm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận

Đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bà ni; hai tôn giáo hoạt động vừa mang tính chất sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống; ngoài ra, có một số ít người Chăm theo đạo Islam; dân tộc chủ yếu sống bằng nghề nông, lưu giữ nhiều hình thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian như tết Kate, Ramưwan, duy trì chế độ mẫu hệ trong gia đình; với một nền văn hóa phát triển lâu đời gắn với lịch sử xung đột giữa hai nhà nước phong kiến Đại Việt và Chămpa, rất nhạy cảm về vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc, một bộ phận quần chúng còn có tâm lý hoài cổ, luyến tiếc về quá khứ dân tộc, thường xuyên bị tác động của các thế lực thù địch, dễ bị kích động hận thù dân tộc.


 Hội nghị Sơ kết hoạt động các mô hình "tự phòng, tự quản" đảm bảo an ninh trật tự
tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình


Những năm trước, tình hình trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng Chăm diễn biến tương đối phức tạp, nhất là tình trạng mâu thuẫn giữa thanh niên Kinh – Chăm, thường xuyên tụ tập thành các nhóm gây hiềm khích dùng gạch, đá, hung khí tự tạo đánh nhau gây thương tích, thậm chí một số thanh thiếu niên có hành vi thách thức lực lượng Công an xã; ý thức chấp hành các quy định Luật an toàn giao thông… chưa nghiêm túc, nhất là việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, điều khiển xe chạy lạng lách, nẹc pô...Xuất phát từ tình hình trên, Công an huyện Bắc Bình đã ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” tại thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh; với sự tham gia của 20 thành viên là các chức sắc chùa Châu Hanh, có nhiệm vụ tích cực phối hợp với Công an xã, các đoàn thể chính trị của thôn, xã tuyên truyền vận động bà con trong thôn chấp hành các quy định của pháp luật; xây dựng tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau; xây dựng nếp sống văn minh và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.Quá trình triển khai, thực hiện được tiến hành theo từng bước chặt chẽ; lực lượng Công an cùng với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã tích cực vận động, tuyên truyền các chức sắc, người có uy tín, quần chúng nhân dân thấy được lợi ích, hiệu quả mà mô hình đem lại; qua đó, các chức sắc, nhân dân đã tham gia tích cực xây dựng mô hình cũng như phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương. 

Trên cơ sở kết quả và những đóng góp của mô hình vào việc giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương; Công an Bình Thuận đã tăng cường phối hợp Ủy ban Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng mô hình để phát huy vai trò của các chức sắc, người có uy tín. Thành viên chủ yếu các tổ mô hình “Chức sắc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” là các vị chức sắc, sư cả, trí thức rất có uy tín. Sư cả được coi là người đứng đầu của mỗi làng Chăm. Các vị chức sắc, sư cả là người am hiểu tập tục cũng như tâm tư, nguyện vọng của mọi người sống trong cộng đồng.Đến nay, trên địa bàn 03 xã thuần đồng bào Chăm của huyện Bắc Bình đã thành lập được 07 Tổ nòng cốt mô hình “chức sắc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”; nổi bật như tại xã Phan Hiệp 03/03 thôn đều xây dựng mô hình “Chức sắc Bà la môn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”; ngoài ra, tại các xã đã chú trọng xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như mô hình “Camera an ninh”, mô hình “Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự”, mô hình “Dòng tộc tự phòng, tự quản” góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại các xã vùng đồng bào dân tộc Chăm.

Các chức sắc vùng đồng bào dân tộc Chăm đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng ý thức cộng đồng trên địa bàn thôn. Vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; tham gia quản lý, giáo dục những người vi phạm pháp luật trên địa bàn; nhắc nhở nhân dân giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường. Đồng thời, nắm tình hình liên quan đến ANTT để phản ánh với Ban chỉ đạo mô hình,  Công an xã; phát hiện và chủ động phối hợp với tổ hoà giải, các đoàn thể, các lực lượng chức năng giải quyết, hòa giải 58 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, nổi bật như: hòa giải các mẫu thuẫn trong nội bộ chức sắc người Chăm Bà Ni; mâu thuẫn giữa đồng bào Chăm theo tôn giáo Bà Ni với Islam, giữa Bà ni với Bà la môn; các vụ mẫu thuẫn đánh nhau giữa thanh niên Kinh – Chăm. Đồng thời, các chức sắc, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Chăm đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, đã giúp lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tuyên truyền, tán phát tài liệu tài có nội dung kích động tư tưởng ly khai của người Chăm, tài trợ tiền để xây dựng, sửa chữa các cơ sở thờ tự để lôi kéo, phát triển đạo; giúp lực lượng Công an bắt 12 vụ tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 14 vụ đánh bạc, giải tán kịp thời hàng chục vụ thanh thiếu niên tụ tập có biểu hiện gây rối trật tự công cộng; tham gia quản lý, giáo dục 27 lượt đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; vận động bà con hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện việc thu thập dữ liệu dân cu quốc gia và tham gia làm căn cước công dân.


Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận tặng giấy khen cho 
chức sắc sắc tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Trải qua chiều dài lịch sử, đồng bào Chăm hình thành, lưu giữ một nền văn hoá phong phú, đặc sắc với những lễ hội truyền thống, các phong tập, tục quán, tín ngưỡng lâu đời. Trong năm, đồng bào Chăm có nhiều lễ hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng, với các lễ hội chính như lễ hội Ka-tê, lễ hội Ramưwan… Trong các ngày lễ, tết các trưởng tộc họ, các vị chức sắc tuyên truyền, vận động con cháu, người thân trong dòng tộc chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cùng với đó các chức sắc luôn ủng hộ việc xóa bỏ các phong tục lạc hậu, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, phát huy truyền thống tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa ở thôn, xóm. Bên cạnh đó, các chức sắc, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Chăm đã vận động hưởng ứng, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân cùng với nhà nước thực hiện bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, ánh sáng an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường; lao động sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.

Những đóng góp tích cực của các chức sắc người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở; đã đưa 03 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm là Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm, các xã đều đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” và giữ vững tiêu chí 19 trong xây dựng nông thôn mới.

Từ những kết quả đạt được, 01 thành viên tổ nòng cốt mô hình là Tổng sư cả Bà Ni được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giai đoạn 2010 –  2020; 07 lượt tập thể, 18 lượt cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen, 05 lượt tập thể và 16 lượt cá nhân được UBND huyện Bắc Bình và UBND các xã tặng giấy khen trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Mô hình “Chức sắc tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” không chỉ là cầu nối giữa chính quyền với bà con vùng đồng bào dân tộc Chăm mà còn xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các chức sắc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an các cấp; đã phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các tập tục, bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm, xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương./.

(congan.binhthuan.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Các tin khác