Thứ Bảy, 18/5/2024
Những thương binh dân vận khéo

 Một tiết mục giao lưu văn nghệ của các thương binh

Dưới nắng chiều tháng 7 gay gắt, chúng tôi dừng xe bên đường hỏi thăm, người phụ nữ bán nước giải khát ở thôn Thạch An hồ hởi: "Anh hỏi nhà chú ba Quý mở đường à? Mấy năm nay người dân thôn Thạch An có đường sá rộng rãi, sạch đẹp để đi lại cũng nhờ có chú ấy". Rồi chị lấy nón, tất tả đạp xe dẫn chúng tôi theo con đường bê-tông vào căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong xóm 1, thôn Thạch An. Căn nhà nhỏ, trên tường treo kín bằng khen, giấy khen. Ông Võ Văn Quý, Trưởng thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cười hiền: Ôi giấy khen, bằng khen nhiều, không có chỗ treo, phải cất cả vào tủ đấy. Rồi ông chậm rãi kể: Bình Mỹ là xã miền núi, phần lớn người dân làm ruộng, làm rẫy. Ðường đi lại nhỏ hẹp, chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, mưa thì lầy, nắng thì bụi mù. Mỗi mùa thu hoạch, người dân phải cho nông sản vào bao rồi vác, gánh từ ngoài đồng về. Thương bà con trong thôn vất vả, cực nhọc, ông Quý nảy ra ý định mở rộng đường để xe tải nhỏ có thể vào được, ông tổ chức họp dân, vận động người dân hiến đất làm đường, ông tự bỏ tiền túi thuê máy ủi, máy đào về mở đường. Người dân trong thôn đồng thuận phá hàng rào, chặt cây cối, ông Quý lấy 68 triệu đồng tiền tiết kiệm thuê máy đào mở rộng con đường lên 6 m, xe ủi vào san phẳng mặt đường, có cả cống tròn thoát nước.

Ðược biết, năm 2016, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Quý tiếp tục góp thêm 15 triệu đồng, kêu gọi người dân đóng góp 450 triệu đồng, 300 ngày công để làm đường bê-tông dài hơn 500 m. Anh Phạm Văn Tuấn, người dân thôn Thạch An kể về Trưởng thôn của mình với vẻ tự hào: Chú ấy là thương binh hạng 1/4 đấy, vậy mà chú luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc của thôn. Chỉ mấy năm gần đây, chú đã đóng góp hơn 300 triệu đồng, vận động bà con trong thôn đóng góp hàng tỷ đồng, 1.500 m2 đất, hơn 1.200 ngày công để mở rộng và đổ bê-tông gần 20 km đường giao thông nông thôn, cải tạo 4.000 m kênh mương, dồn điền đổi thửa 27 ha đất sản xuất. Ðóng góp công sức, tiền bạc nhưng luôn gương mẫu, giản dị, chú Võ Văn Quý luôn là tấm gương để người dân học tập, làm theo.

Cũng như ông Võ Văn Quý, hai vợ chồng thương binh nặng Phạm Thị Năm 67 tuổi và Võ Duy Liên 68 tuổi, trú tại tổ 2A, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi luôn được người dân tin yêu, quý mến. Ông Liên hiện là Tổ trưởng tổ dân phố 2A, bà Năm là Tổ phó tổ phụ nữ. Hai vợ chồng luôn dành thời gian, tâm sức cho công việc của tổ dân phố. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Liên vẫn là nòng cốt của phong trào bảo vệ an ninh, trật tự. Với kinh nghiệm của người lính trinh sát, ông Liên nhiều lần theo dõi, phát hiện và báo Công an bắt quả tang các đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn, như đánh bạc, trộm cắp, gây rối, lừa đảo. Chủ tịch UBND phường Trương Quang Trọng, Trương Thanh Thảo chia sẻ: Hai vợ chồng bác Liên và bác Năm không chỉ là tấm gương mẫu mực về lối sống, sự đóng góp công sức vì sự bình yên của người dân, mà hai đồng chí rất giỏi về dân vận, khi trong khu dân cư xảy ra mâu thuẫn, xích mích, các bác đều có mặt, lắng nghe và phân tích điều hơn lẽ thiệt, để mọi người hiểu ra và cùng dàn hòa, vui vẻ trở lại. Mỗi khi có phong trào, hoạt động, hai bác lại vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia, như xây dựng nhà văn hóa, lập quỹ Khuyến học, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, vốn làm ăn… Hàng chục hộ phụ nữ trên địa bàn phường thoát nghèo nhờ vốn vay xoay vòng của chi hội phụ nữ. Năm nay, bà Phạm Thị Năm vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen tại lễ biểu dương thương binh nặng toàn quốc.

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Minh Ðạo, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều tấm gương thương binh vượt khó vươn lên trong cuộc sống, có nhiều đóng góp cho xã hội. Nhiều người trở thành tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo. Ðó là thương binh Mai Văn Ban ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn bị cụt một chân, năm nay đã 75 tuổi vẫn ngày ngày đi vận động bà con giữ vệ sinh môi trường, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh với chính quyền, đóng góp cho cán bộ xã, huyện về đạo đức, lối sống, cách thức vận động, huy động sức dân trong mọi phong trào thi đua yêu nước. Hay như trường hợp thương binh Nguyễn Toàn Thắng ở phường Trương Quang Trọng, bị cụt cả hai chân, nhưng không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, hằng ngày vẫn giúp vợ bán hàng quán, luôn gương mẫu trong mọi phong trào chung của địa phương...

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi Lương Kim Sơn cho biết, Quảng Ngãi hiện có hơn 181 nghìn người có công với cách mạng, 6.637 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 25 nghìn thương binh. Hầu hết các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là những hộ gương mẫu trong mọi công việc, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Chế độ chính sách của Ðảng, Nhà nước đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất