Thứ Sáu, 17/5/2024
Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản qua sàn thương mại điện tử

Tăng cường hỗ trợ nông dân

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, những tháng đầu năm 2022, số lượng đơn vị và hộ tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm là 37 doanh nghiệp, 29.228 hộ, 93 hợp tác xã.

Để nâng cao chuỗi giá trị nông sản, Hậu Giang đã xây dựng phát triển các mô hình chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), mô hình sản xuất nâng cao giá trị nông sản, mô hình tích hợp đa giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Công thương đã tổ chức ký kết với nhiều siêu thị lớn trong khu vực như: Siêu thị GO, siêu thị Co.opMart, MegaMart, VinMart, Hệ thống Bách Hóa Xanh, hỗ trợ đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị hiện đại. Ngoài ra, đã tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX của tỉnh ký kết 8 bản ghi nhớ với các siêu thị như Mega Market, Citi Mart, Lotte Mart. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp, HTX tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, mua bán với nhau trong thời gian tới. 

Nhằm hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục nông sản, sản lượng của từng loại nông sản, thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ và nhu cầu tiêu thụ. Lập danh sách các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản lượng của từng loại sản phẩm OCOP, khả năng tiêu thụ. Lập danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp, phân nhóm các hộ theo khả năng, nguyện vọng tham gia sàn TMĐT. Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như việc hỗ trợ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nông hộ sau khi được bổ sung kinh phí và chọn hộ đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu. Hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ; cung cấp thông tin các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng. Tiến hành tổng hợp thông tin, bài viết để gửi lên trang website Hỗ trợ sàn thương mại Nông nghiệp do Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện. Thường xuyên thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT trên các trang website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Hậu Giang đã phối hợp với các sở, ngành liên quan có nhiều giải pháp quan trọng, đa dạng trong hoạt động xúc tiến thương mại như: Đặt các điểm OCOP tại các tỉnh, thành phố, nhất là những trung tâm lớn của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Đưa sản phẩm vào các siêu thị, chợ đầu mối; tổ chức nhiều hoạt động giao thương với doanh nghiệp các tỉnh; đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để quảng bá và tiêu thụ, đồng thời, tổ chức khai thác tối đa thị trường trong nước và các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới để tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Đa dạng kênh phân phối, mở rộng thị trường 

Nhằm tiếp tục hỗ trợ nông dân đa dạng kênh phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường, tăng giá trị sản phẩm, trong thời gian tới Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản qua sàn TMĐT. Đây là kênh tiêu thụ nông sản đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, đặc biệt là các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Quan tâm đẩy mạnh tiêu thụ các đối tượng cây trồng, vật nuôi đặc trưng của tỉnh như: cây khóm khoảng 3.000ha, sản lượng hơn 29.000 tấn; mãng cầu khoảng 676ha, sản lượng 7.000 tấn và nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Quan tâm phát triển và đẩy mạnh tiêu thụ 5 nông sản chủ lực của tỉnh là lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn.


 Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hậu Giang với các nhà phân phối
tại Hội nghị chương trình kết nối giao thương giữa các đơn vị sản xuất 
sản phẩm
đặc trưng
, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang với các siêu thị,
nhà phân phối  trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

 

Ngoài ra, phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, các đoàn thể xã hội và các địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết của nông dân về việc đưa nông sản lên sàn TMĐT để thu hút sự quan tâm của các hộ nông dân. Tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất ra sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm hay GAP để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh việc triển khai đề án nông nghiệp tích hợp, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cùng các chương trình, đề án khác trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, hỗ trợ nông dân sản xuất có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa để cung ứng cho thị trường.

Làm quen môi trường kinh doanh qua mạng

Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, có thể nói kết quả bước đầu đạt được còn khiêm tốn, nhưng đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số và làm quen kinh doanh với môi trường không gian mạng, qua đó giúp các doanh nghiệp, HTX Hậu Giang chuẩn bị hành trang cơ bản sẵn sàng bước vào môi trường kinh doanh mới trong điều kiện Công nghiệp 4.0 cũng như tham gia hội nhập kinh tế, quốc tế.

Nhằm hỗ trợ gắn kết với việc tổ chức tiêu thụ trên sàn TMĐT, thời gian qua Sở Công thương đã phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt các điểm bán hàng OCOP của Hậu Giang tại các tỉnh như thành phố Cần Thơ; tỉnh Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Ngoài ra, còn hỗ trợ hơn 30 lượt doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia 3 kỳ hội chợ tại Hà Nội, Vĩnh Long, Đồng Tháp; 1 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại siêu thị Go Cần Thơ. Đặc biệt, còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thành công Hội chợ công thương khu vực ĐBSCL và nhiều hội chợ tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh thì việc kết nối tiêu thụ nông sản còn một số hạn chế như một vài doanh nghiệp, HTX chưa mạnh dạn tham gia vào quá trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nhất là xúc tiến thương mại ở những tỉnh xa hoặc còn ngại đưa lên sàn TMĐT. Sản phẩm hàng hóa của một vài đơn vị còn đơn điệu về mẫu mã, hình thức, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, có một số sản phẩm giá cả còn cao so với sản phẩm hàng hóa cùng loại trên thị trường. Nguồn cung chưa đảm bảo theo yêu cầu do sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ.

Vì vậy tới đây ngành chức năng tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng kết nối giữa các nhà cung ứng với các nhà phân phối để phát triển thị trường trong nước, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các địa phương, giữa các vùng miền thông qua hoạt động kết nối cung cầu. Từ đó, góp phần tích cực trong việc kết nối và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, làm việc với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị như Co.opMart, Bách Hóa Xanh, VinMart... và các đơn vị sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn để lên phương án, kế hoạch hỗ trợ bao tiêu, thu mua các loại nông sản cho bà con nông dân trong tỉnh.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, trong những tháng cuối năm, sở và các thành viên Tổ công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sànTMĐT sẽ tập trung đào tạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố và các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về lợi ích, hiệu quả khi hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử. Tiếp tục chọn lựa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, sản phẩm để tham gia sàn Voso PostMart. Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các hộ dân.

Để góp phần triển khai đạt hiệu quả Kế hoạch 211 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết thời gian tới Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó chú trọng kết nối giữa các nhà cung ứng với các nhà phân phối để phát triển thị trường trong nước, tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các địa phương, giữa các vùng miền thông qua hoạt động kết nối cung cầu; góp phần tích cực trong việc kết nối và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cho rằng việc đẩy mạnh triển khai đề án nông nghiệp tích hợp, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cùng các chương trình, đề án khác trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, hỗ trợ nông dân sản xuất có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, các đoàn thể xã hội và các địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết của nông dân về việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ các bộ hỗ trợ nông dân. Tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất ra sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm hay GAP để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

  Trong khuôn khổ Hội thảo hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì vào tháng 7/2022, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức buổi tập huấn đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử. Tại đây, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã được hướng dẫn chi tiết về cách thức đăng ký và đăng tải bán hàng trên 2 sàn thương mại điện tử Voso và PostMart; giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Hướng dẫn đăng ký tên miền “.vn”, thiết lập website cho hộ sản xuất nông nghiệp cùng nhiều giải pháp xây dựng thành công thương hiệu nông sản, quản lý đơn hàng, kho hàng…   

 
 
 
 
 
 
 
 

Ngọc Khuê


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất