Thứ Hai, 11/11/2024
Các phong trào thi đua phải thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
 

Quang cảnh Hội nghị


Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, phụ trách Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Liên hiệp cùng lãnh đạo 9 tổ chức trong khối thi đua: UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Tập trung vào những việc khó, trọng tâm, cấp bách

Trong 6 tháng đầu năm 2022, phát huy thế mạnh của từng tổ chức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua được quan tâm sâu sát, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; cách thức thực hiện được đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của nhân dân, hội viên.

Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục được các tổ chức trong khối triển khai có hiệu quả với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức thành viên, tập trung vào những việc khó, trọng tâm, cấp bách, tạo nên động lực góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, công tác vận động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 được MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai với nhiều cách thức đổi mới, sáng tạo, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội, kết nối hội viên, đoàn viên, các tổ chức, cá nhân cùng chung sức, đồng lòng hỗ trợ các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch thông qua các chương trình, phong trào thiết thực, hiệu quả.

Các thành viên trong Khối cũng tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, tăng cường tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hội viên để nắm tình hình, tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân nhằm phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước. Đến ngày 30/6/2022, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai 10 nội dung giám sát, trong đó MTTQ Việt Nam chủ trì thực hiện 5 nội dung giám sát. Qua giám sát, các tổ chức đã phát hiện có các văn bản đề xuất các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh các hoạt động đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Các tổ chức trong Khối thi đua cũng tích cực góp ý phản biện xã hội đối với các dự thảo Luật và các văn bản chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên; tổ chức các cuộc kiểm tra việc thực hiện Điều lệ của các tổ chức.

Cùng với đó, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến được quan tâm thực hiện; Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, công khai, dân chủ. Hồ sơ, thủ tục, quy trình khen thưởng được thực hiện đúng quy định. 6 tháng đầu năm 2022 các tổ chức đã thực hiện các quy trình, thủ tục tặng 42 Huân chương các loại, 13 cờ thi đua của Chính phủ, 90 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; tặng 453 cờ,  9.075 Bằng khen của các tổ chức; 1075 Giấy chứng nhận, 7.743 kỷ niệm chương/huy hiệu các loại; hiệp y khen thưởng cho 93 tập thể, cá nhân.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới được triển khai

Để minh chứng thêm cho kết quả đã đạt được, các tổ chức thành viên trong khối giới thiệu một điển hình tiên tiến cùng trao đổi, chia sẻ cách làm mới, mô hình hay trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Từ đó, đề xuất các giải pháp để công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới được hiệu quả hơn.

Từ kinh nghiệm giám sát, phản biện tại địa phương, đồng chí Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, với vai trò tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, các tổ chức trong Khối thi đua cần kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam ở từng cấp.

“Cần lựa chọn những nội dung, những vấn đề nóng được xã hội và nhân dân quan tâm, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để thực hiện giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức giám sát, phản biện xã hội; phối hợp với chính quyền thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư”, đồng chí Đàm Văn Huân nêu ý kiến.

Cũng theo đồng chí Đàm Văn Huân, cần đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đối với các ý kiến góp ý, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của MTTQ; đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của nhân dân trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền gắn với việc thực hiện Pháp lệnh số 34 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Đồng chí Bùi Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Tuyển Than Cửa Ông thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Công ty đã có 176 sáng kiến được áp dụng vào thực tế với giá trị làm lợi trên 5,5 tỷ đồng.

Khi Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, Công đoàn các đơn vị đã vào cuộc cùng chuyên môn phát động tới toàn thể CNVCLĐ tích cực hưởng ứng tham gia; tổ Hỗ trợ sáng kiến đã phát huy cao vai trò đồng hành, giúp đỡ NLĐ trong việc tìm tòi ý tưởng, phát huy thành sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, công tác đạt hiệu quả. Do đó, kết thúc giai đoạn 1 Chương trình “1 triệu sáng kiến”, Công đoàn Công ty đã vận động đoàn viên phát huy được 265 sáng kiến, là đơn vị dẫn đầu vượt chỉ tiêu sáng kiến.

Để tiếp tục thực hiện tốt phong trào Lao động giỏi – Lao động sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động năm 2022 và những năm tiếp theo, đồng chí Bùi Thị Hải Yến đề xuất cần tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Ngày công cao - Sản lượng cao - Thu nhập cao”, nâng cao nhận thức, vai trò của phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tích cực tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19” giai đoạn 2 đạt kết quả cao.

Đồng thời tiếp tục đổi mới phong trào thi đua, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả là trọng tâm, vận động đoàn viên tích cực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để phát triển bền vững, hài hòa với môi trường; ứng dụng mạng xã hội, nhóm zalo, facebook tuyên truyền phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm hay, những giải pháp mới, hiệu quả cao để khích lệ người lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến để CNVCLĐ học tập, làm theo. 


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị


Triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội bằng các việc làm thiết thực

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Khối trưởng khối thi đua nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội từng bước được đảm bảo. Song song với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với yêu phòng, chống dịch Covid-19, các tổ chức trong Khối đã thực hiện 7 nội dung ký kết giao ước thi đua năm 2022; công tác tổ chức hoạt động thi đua 6 tháng đầu năm của các thành viên trong khối tiếp tục có sự đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực.

Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua được quan tâm hơn, các thành viên trong Khối đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được phát động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo hướng có chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể, từng bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức thành viên.

“Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có chuyển biến rõ nét; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác thi đua khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến. Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, công khai, dân chủ. Hồ sơ, thủ tục, quy trình khen thưởng được thực hiện đảm bảo quy định. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến được chú trọng thực hiện...”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị, Khối thi đua cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, trọng tâm là Tháng cao điểm Vì người nghèo, các hoạt động thiết thực khi tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…

“Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại” trong tháng 8/2022, các thành viên trong Khối thi đua cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thi đua lao động sản xuất, hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.”, đồng chí Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Cũng theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Khối thi đua cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, để triển khai hiệu quả phong trào này, các tổ chức trong Khối thi đua cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện tiêm phòng vaccine Covid-19 theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của ngành Y tế, nhất định không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua lao động, sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19; khắc phục hậu quả và hỗ trợ những người gặp khó khăn bởi đại dịch. Trong đó phải kể đến việc đỡ đầu trẻ em mồ côi, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho các em, triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội bằng các việc làm thiết thực.

“MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiến hành hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động trong đó Khối thi đua làm nòng cốt để tổ chức một lễ tri ân hay biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có công sức, thành tựu đóng góp vào công tác phòng chống, khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19. Tôi đã có mặt ở tâm dịch vào những thời khắc rất quan trọng, nguy hiểm, khi nhìn lại mới thấy được công tác khen thưởng, biểu dương, ghi nhận đánh giá công lao của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phòng chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả vẫn chưa xứng đáng. Nếu khối chúng ta đề xuất sẽ được ủng hộ vì đây là sức mạnh của toàn dân”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị, các thành viên trong Khối thi đua rà soát lại 7 nội dung ký kết giao ước thi đua năm 2022, thống nhất về thực hiện phong trào thi đua năm 2022, tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được, tìm ra nguyên nhân và sớm khắc phục những việc làm còn chưa tốt để phong trào thi đua yêu nước phải thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp công xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(mattran.org.vn)


Gửi cho bạn bè