Thứ Năm, 9/5/2024
Hiệu quả từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”
 
 Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” giúp 81% lao động nữ
sau đào tạo có việc làm ổn định - Ảnh: Minh Châu

Ấp ủ lưu giữ nghề dệt chiếu truyền thống, chứng kiến những khó khăn của lao động nữ khi không có đất canh tác, không có việc làm, nhiều trường hợp sau khi mãn hạn tù, hết thời hạn cải tạo trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh, chị Trần Thị Ngọc Điệp, chủ cơ sở chiếu Hồng Hiệp, TP Sa Đéc, Đồng Tháp đã quyết định lập tổ hợp tác dệt chiếu để chị em cùng tham gia.

Năm 2012, khi được Hội Phụ nữ xã Tân Khánh Đông trao đổi về cách làm mới trong công tác dạy nghề theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” đó là dạy nghề gắn với tổ chức sản xuất, kết nối với doanh nghiệp tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm, chị Điệp thấy rất phấn khởi.

“Từ khi triển khai cho đến nay, cơ sở của tôi phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã đã dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 575 lao động, trong đó có 351 lao động nữ, 60 chị em từng là đối tượng nghiện ma túy, mại dâm trở về hòa nhập cùng cộng đồng”, chị Điệp nói.

Nhờ dạy nghề một cách bài bản, tận tâm nên lao động sau khi đào tạo đều đáp ứng được yêu cầu, góp phần để các sản phẩm chiếu của cơ sở Hồng Hiệp được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam với hơn 10 kiểu dáng khác nhau được chứng nhận sản phẩm độc quyền.

Tiếng lành đồn xa, giờ đây cơ sở chiếu của chị Điệp không chỉ có lao động địa phương mà còn đón nhận nhiều cá nhân từ các nơi khác đến xin học nghề. Cũng nhờ đó mà nghề sản xuất chiếu truyền thống đã vươn xa tới nhiều tỉnh, thành khác như Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng… sản phẩm làm ra không chỉ khẳng định chất lượng ở trong nước mà còn xuất khẩu đi Lào, Campuchia, Thái Lan.     

Với Thái Nguyên, triển khai Đề án, đã có gần 47 nghìn người được đào tạo nghề thông qua các cấp Hội. Đáng chú ý, các dịch vụ hỗ trợ sau đào tạo đã được Hội quan tâm đầu tư. Theo đó, 139 tổ hợp tác, tổ liên kết đã được thành lập với trên 2.500 hộ phụ nữ tham gia, giúp lao động sau đào tạo có việc làm, phát triển kinh tế.

Qua kiểm tra cho thấy các mô hình, tổ hợp tác đều hoạt động hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho 100% hộ với mức thu nhập tăng hơn trước đây, trung bình là từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, với tinh thần chủ động, quyết tâm của Ban Chỉ đạo, sự phối hợp với các cấp, các ngành, các mục tiêu của Đề án đều đạt và vượt.

Các cấp Hội Phụ nữ, các cơ sở dạy nghề của Hội đã tổ chức dạy nghề cho trên 1 triệu lao động nữ, trung bình hằng năm đạt trên 162 nghìn người, vượt 300% mục tiêu đề ra. Tỷ lệ có việc làm là 81%, vượt 11%, trong đó 75,6% chị em sau khi học nghề được Hội hỗ trợ vốn tự tạo việc làm, 12,64% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 9,14% được doanh nghiệp tuyển dụng và 1,62% tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết.

Nét mới trong hoạt động hỗ trợ tạo việc làm của Đề án là tập trung xây dựng các mô hình tạo việc làm sau khi học nghề dưới hình thức mô hình kinh tế hợp tác. Trung ương Hội đã phối hợp với 63 tỉnh, thành Hội xây dựng mô hình thí điểm từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ. Từ năm 2013 đến 2015, 239 mô hình đã được xây dựng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (gần 70%) và phi nông nghiệp.

Từ hiệu quả của mô hình, các tỉnh, thành Hội đã huy động nguồn lực của địa phương xây dựng được 1.204 mô hình thu hút trên 24 nghìn hội viên, phụ nữ tham gia tác động đáng kể đến việc tăng năng suất, hiệu quả lao động, hội viên, phụ nữ cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là sau 5 năm, Đề án vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề thuộc đoàn thể cấp tỉnh, trong đó có các cơ sở dạy nghề của Hội Phụ nữ; việc tổ chức dạy nghề cho các địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn…

Trong giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội sẽ tập trung đào tạo nghề có địa chỉ việc làm sau học nghề, đào tạo nghề có sẵn gắn với các mô hình dịch vụ xã hội, sản xuất, kinh doanh áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao thông qua áp dụng dạy nghề lưu động, tổ chức tạo nghề tại cơ sở để thu hút lao động nữ trung niên tham gia học nghề; đồng thời, tập trung thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết vùng.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 18/5/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất