Thứ Năm, 25/4/2024
Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

 Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đón Tết cổ truyền dân tộc 

Nhịp cầu kết nối văn hóa Việt Nam với thế giới

Hội đoàn NVNONN trong những năm qua đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hướng về Tổ quốc, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Phật đản, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9… Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức để gắn kết cộng đồng. Hội Liên hiệp người Việt Nam tại châu Âu đã phối hợp tổ chức Giải bóng bàn, Lễ hội Áo Dài Việt Nam, Trại hè thanh niên và sinh viên Việt Nam, Ngày Văn hóa Việt Nam, hội thi văn nghệ “Tôi yêu tiếng nước tôi” khu vực châu Âu và toàn thế giới... Vận động cộng đồng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao dân trí, trình độ học vấn của đồng bào ta, làm tăng thêm niềm tin, uy tín của người Việt Nam ở nước sở tại. Các hoạt động trên trở thành sự kiện được cộng đồng NVNONN luôn nhớ tới, tổ chức trang trọng, thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc của NVNONN, qua đó niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào ngày càng được củng cố và phát huy.

Hội đoàn NVNONN phối hợp các cơ quan chức năng lựa chọn đại diện NVNONN tham gia gặp mặt thân mật các kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào trong Chương trình “Xuân Quê hương” do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức nhân dịp Tết đến, Xuân về. Từ năm 2012 đến nay, đã có 8 đoàn với hơn 500 lượt kiều bào ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, trong số đó có cả những người trước đây có góc nhìn, suy nghĩ cực đoan về đất nước, về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sau những chuyến đi, trong tâm thức của mỗi kiều bào đã thấy được tầm vóc to lớn của con người, đất nước Việt Nam; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước, muốn đóng góp cho Trường Sa, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cộng đồng NVNONN có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng, phong phú, với trên 2 triệu tín đồ, trong đó chủ yếu là Phật giáo, Công giáo, cùng với Tin Lành, Cao Đài và một số tôn giáo khác, với hàng trăm cơ sở tôn giáo được thành lập, duy trì đều đặn các hoạt động sinh hoạt văn hóa theo truyền thống dân tộc. Hầu hết các gia đình NVNONN luôn giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giữ nếp sinh hoạt ăn Tết Nguyên đán như trong nước, có bàn thờ tổ tiên, không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam, duy trì truyền thống “kính trên, nhường dưới”, tổ chức các lễ hội truyền thống, nấu và phổ biến các món ăn mang đậm hương vị quê nhà. Các hội đoàn luôn quan tâm đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; vận động đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nước sở tại…

Theo thống kê chưa đầy đủ của một số nước phát triển có đông người Việt định cư tại Mỹ, Úc, Pháp... thì hiện có khoảng 500.000 người có trình độ cử nhân, khoảng 6.000 tiến sỹ. Hàng trăm trí thức Việt kiều có các công trình khoa học được quốc tế và khu vực ghi nhận, đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực như: toán học, vật lý, y học, hóa học, CNTT, thiên văn học, nghệ thuật... Nhiều trí thức Việt kiều có vị trí, tiếng nói trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, các công ty và tổ chức quốc tế có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại. Nhiều trí thức đã làm cầu nối, hoặc trực tiếp xúc tiến đầu tư, giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Các hiệp hội doanh nghiệp của NVNONN có xu hướng liên kết hoạt động khu vực và toàn cầu; tổ chức nhiều hoạt động, hướng dẫn, giúp đỡ kiều bào trẻ, sinh trưởng ở nước ngoài, có trình độ, có tay nghề trở về Việt Nam kinh doanh, khởi nghiệp.

Ở nhiều quốc gia, các hội đoàn được thành lập, tổ chức và hoạt động để tập hợp, đoàn kết giới văn nghệ sĩ, nhiều nơi các hội hoạt động hiệu quả, phát huy được tài năng của các văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị sâu sắc. Lực lượng sáng tác, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật khá đông đảo, có thể nhắc đến những văn nghệ sĩ trong cộng đồng NVNONN, trong lĩnh vực âm nhạc có nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, GS.TS. Trần Quang Hải, ca sỹ Bạch Yến, Phương Oanh (ở Pháp), cây sáo Nguyễn Đình Nghĩa và các con của ông (ở Hoa Kỳ), nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh hay GS. nghệ sĩ ghi ta Đặng Ngọc Long biểu diễn và dạy học (ở Đức)…

Công tác giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng NVNONN những năm gần đây đã thường xuyên được đẩy mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với những ấn phẩm văn hóa truyền thống như phim ảnh, sách báo, băng đĩa, tổ chức các hoạt động văn hóa, các chuyến lưu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước tới các quốc gia có cộng đồng người Việt Nam làm ăn, lao động, sinh sống và học tập. Hội đoàn NVNONN đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ NVNONN về nước sáng tác, biểu diễn, liên kết với các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước xuất bản, phát hành các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Đến nay, đã có nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, chương trình nghệ thuật do NVNONN thực hiện được giới thiệu tới bạn đọc, khán giả trong nước và thế giới...

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, phát huy truyền thống đoàn kết và tương thân tương ái, các hội đoàn NVNONN đã cùng đồng bào ta ở các nước đóng góp rất thiết thực và hiệu quả cho phòng, chống dịch COVID-19. Tính riêng năm 2021, kiều bào đã quyên góp số tiền lên tới hơn 80 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine; chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch; tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch. Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.

Giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ

Nhận biết bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt tiếng mẹ đẻ là sức mạnh, “sợi dây vô hình” gắn kết giữa các cá nhân với quốc gia, dân tộc, các hội đoàn NVNONN đã vận động và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức nhiều cơ sở dạy học tiếng Việt, được cộng đồng NVNONN hưởng ứng tích cực.

Ở Pháp, Thái Lan có nhiều nhóm học tập tiếng Việt do cộng đồng người Việt thành lập, tổ chức, gắn với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật giúp giới thiệu văn hóa dân tộc tới các cộng đồng và bạn bè quốc tế. Theo thống kê sơ bộ, hiện ở Mỹ có khoảng 200 trung tâm/cơ sở dạy tiếng Việt, Campuchia có 33 điểm trường/lớp dạy, ở Lào có 13 trường/trung tâm, Úc có 2 cơ sở dạy tiếng Việt. Tại Pháp, Đức, Séc, Nga cũng có hàng chục trung tâm dạy tiếng Việt…

Thực hiện các đề án của Chính phủ, định kỳ hằng năm, từ năm 2013 - 2019, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hội đoàn NVNONN tổ chức nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào. Trong các năm 2020 và 2021, do dịch COVID-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp tổ chức nhiều khóa, lớp tập huấn trực tuyến. Khóa tập huấn trực tuyến tháng 10/2021 do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức có sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của gần 400 giáo viên, cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển, ngày càng nhiều giáo viên có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng...

Việc duy trì tiếng Việt không chỉ giúp cộng đồng NVNONN có bản sắc văn hóa riêng trong lòng xã hội sở tại, mà còn giúp duy trì mối liên kết thiêng liêng với quê hương, đất nước. Hiện nay ở nhiều nơi, người Việt Nam thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt khá thông thạo.

Tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thời gian qua, việc phát huy vai trò của hội đoàn NVNONN trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được triển khai dưới nhiều hình thức, ngày càng toàn diện, mạnh mẽ, phù hợp và hiệu quả hơn, gắn với thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; đặc biệt là theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của các hội đoàn NVNONN đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam tới các nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu, làm sâu sắc thêm nền văn hóa và văn hiến Việt Nam; thiết nghĩ, các cơ quan, tổ chức tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác vận động NVNONN quan tâm, thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước... Kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trực tiếp do các đoàn văn hóa nghệ thuật trong nước tới các quốc gia có cộng đồng người Việt Nam làm ăn, lao động, sinh sống và học tập thực hiện… để nâng cao nhận thức, đưa văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam tới các hội đoàn và cộng đồng NVNONN.

Hai là, coi trọng quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua việc hợp tác, tạo điều kiện cho các tập đoàn truyền thông, cơ quan báo chí nước ngoài và quốc tế, hội đoàn NVNONN về Việt Nam thực hiện các tác phẩm điện ảnh, báo chí, giới thiệu các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch Việt Nam. Đây là một trong những kênh quan trọng, đem lại hiệu ứng tích cực, khách quan về hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam đối với toàn thế giới.

Ba là, nâng cao chất lượng, định kỳ tổ chức các lễ hội truyền thống, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch với quy mô phù hợp tại những nước có đông NVNONN sinh sống, học tập, công tác. Hoạt động này sẽ góp phần tăng cường hiểu biết, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; tăng cường đoàn kết dân tộc, đồng lòng hướng về Tổ quốc của cộng đồng người Việt Nam trên thế giới; là điểm đến tin cậy để cộng đồng NVNONN và bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước, con người và truyền thống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Bốn là, tạo điều kiện để hội đoàn NVNONN không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt; phối hợp tốt với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa với nhân dân nước sở tại, góp phần giới thiệu những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nâng cao uy tín, thúc đẩy quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới./.

ThS. Nguyễn Đăng Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất