Thứ Năm, 2/5/2024
Thái Bình: Thành công nhờ phát huy dân chủ
 

Hệ thống đường giao thông của xã Hồng Minh (Hưng Hà) được mở rộng
và đầu tư xây dựng đồng bộ.


Chúng tôi về xã Hồng Minh (Hưng Hà) khi xã đã hoàn thành 11/11 tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao. Những con đường bê tông rộng trải dài khắp ngõ xóm; những đường hoa vươn mình khoe sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Nhân dân phấn khởi, đoàn kết đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền hướng đến xây dựng địa phương trở thành xã NTM kiểu mẫu. Đạt được thành công đó là do cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy được vai trò chủ thể người dân trong xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhờ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Ông Vũ Tiến Uông, 87 tuổi, thôn Thọ Phú cho biết: Trong xây dựng NTM chúng tôi được phát huy quyền làm chủ của mình nên rất phấn khởi, đồng thời cũng xem như đây là trách nhiệm của mình nên khi làm đường giao thông của thôn gia đình tôi đã tháo dỡ 40m tường bao, 3 gian nhà bếp và chuồng lợn, hiến 50m2 đất thổ cư để mở rộng đường. Con đường sau khi được mở rộng và trải bê tông giúp xe cộ và người dân đi lại rất thuận tiện.

Bà Trần Thị Quế, thôn Cổ Trai cho biết: Trước đây, hầu hết các con đường trong thôn rất nhỏ hẹp, lầy lội, khi có chủ trương xây dựng NTM mà người dân chúng tôi chính là chủ thể nên ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình, vì vậy bảo nhau ai ở cạnh đường thì hiến đất, nhà nào cách xa đường hiến tiền, ngày công. Nhờ vậy diện mạo thôn xóm mới khang trang được như hôm nay.

Cũng giống như xã Hồng Minh, những năm qua, hầu hết các địa phương khác trong tỉnh đều phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng NTM đều được thực hiện công khai, minh bạch; nhân dân được trực tiếp thảo luận, bàn bạc và thống nhất phương án xây dựng nhiều công trình... từ đó người dân đồng thuận góp sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân mà đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng NTM ở cả 2 cấp xã và huyện. Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cùng với xây dựng NTM, thời gian qua, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: xây dựng các quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung công khai theo quy định; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tham gia vào chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Các xã, phường, thị trấn cũng đã tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp giám sát hoặc giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trong các doanh nghiệp, hầu hết các đơn vị đều chú trọng phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, người lao động, từ đó tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Chị Phạm Thị Dịu, công nhân nhà máy 8, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP, xã Đông Xuân (Đông Hưng) cho biết: Tôi làm việc cho Công ty đến nay được hơn 5 năm. Công ty rất quan tâm đến việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc. Ngoài các cuộc họp, hội nghị người lao động, chúng tôi có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với các cấp lãnh đạo doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin nội bộ của Công ty. Hầu hết các kiến nghị của chúng tôi gửi tới ban lãnh đạo Công ty đều được tiếp nhận, giải quyết thỏa đáng. Lãnh đạo Công ty coi trọng ý kiến và phát huy quyền làm chủ của công nhân nên chúng tôi phấn khởi, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.

Cùng với Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao MXP, nhiều doanh nghiệp đã phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân viên, người lao động trong tham gia thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc công khai tới người lao động các nội dung theo quy định của pháp luật. Tạo điều kiện để người lao động tham gia góp ý kiến vào các nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị; thương lượng, thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể; giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, việc thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị, các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Hàng năm, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại trực tiếp định kỳ với người lao động, qua đó tiếp thu, giải đáp, trao đổi về các kiến nghị, thắc mắc của người lao động, góp phần củng cố mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Đối với các đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị đã chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung hệ thống các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, gắn việc thực hiện dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành, công tác quản lý và sử dụng tài sản công, công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện tốt công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức biết và giám sát góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Những kết quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm tới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, xây dựng Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.

(baothaibinh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi