Thứ Sáu, 13/12/2024
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề Quý I năm 2024

 Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Tham dự Hội nghị có 17.350 đảng viên tại 424 điểm cầu tại các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu Ban Dân vận Trung ương có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực; Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban, Bí thư Đảng ủy cơ quan; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban; Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng Ban cùng toàn thể đảng viên đảng bộ cơ quan.


 Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Ban Dân vận Trung ương

Tại hội nghị, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày chuyên đề 1 về: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Chuyên đề góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước. Qua chuyên đề, các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, nghiên cứu kỹ hơn các bài học lý luận và thực tiễn, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng ta đề ra trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu dự Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ giới thiệu chuyên đề 2 về “Một số giải pháp góp phần thúc đẩy cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đây là nội dung cụ thể hóa Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.


 Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối
 phát biểu kết thúc Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh: Để nội dung 2 chuyên đề trên lan tỏa, thấm sâu vào tâm thức của cán bộ, đảng viên, biến nhận thức thành hành động cụ thể. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị đảng viên trong toàn Đảng bộ  trong thời gian tới cần triển khai tốt một số nội dung sau:

Với chuyên đề 1, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là tổng kết lý luận về đường lối đối mới và những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc, nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong, phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn liền với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực. Cùng với đó, Đảng phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu…


GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày chuyên đề 1 tại Hội nghị 

Cấp ủy các cấp và từng cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức rõ sự kiên định cũng như bản lĩnh của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội; cảm nhận được sự tâm huyết, kiên định và quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng về con đường đi duy nhất đúng, phù hợp xu thế thời đại của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng tới toàn thể cán bộ, đảng viên về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2024) và 17 năm Ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (11/4/2007 - 11/4/2024), hướng tới Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024).

Với chuyên đề 2, nhằm cụ thể hóa Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cấp ủy các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và đúc rút ra bài học kinh nghiệm từ quan điểm của Đại hội XIII của Đảng: Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Từ đó vận dụng vào thực tiễn, nhằm thúc đẩy trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả chất lượng cao.


 Đồng chí Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Bộ Nội vụ thông tin chuyên đề 2

Ngoài ra, cần hiểu rõ nội hàm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” để cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên tham mưu cho đúng, trúng, mang lại hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cho đơn vị mình, cụ thể là:

(1) “Dám nghĩ” là việc đưa ra những ý tưởng mới, độc đáo, đột phá, sáng tạo so với trước đó. Những ý tưởng mới này sẽ tạo nên sự thay đổi về cách làm, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tổ chức; có ảnh hưởng, tác động tích cực cho tổ chức, cho nhiều người;

(2) “Dám nói” là thể hiện chính kiến, quan điểm, thái độ dứt khoát trong bày tỏ quan điểm của một người trước sự đúng - sai, tốt - xấu của một người, một việc;

(3) “Dám làm” là thể hiện sự dấn thân, quyết liệt, quyết tâm của một người khi dám vượt qua những quy định, quy chế để biến ý tưởng thành hành động nhằm đạt được những mục tiêu đề ra vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung của xã hội;

(4) “Dám chịu trách nhiệm” là dám nhận nhiệm vụ, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, dám đối mặt với khó khăn, thách thức và cả những rủi ro ngoài ý muốn để hoàn thành nhiệm vụ;

(5) “Dám đổi mới sáng tạo”: Đổi mới gắn liền với sáng tạo và cần phải đổi mới sáng tạo vì nếu không đổi mới sáng tạo thì sẽ không thể tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao;

(6) “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách”: “Đương đầu” là đối mặt, chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để chủ động đối phó với mọi thách thức, khó khăn mà thực tiễn đặt ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao;

(7) “Dám hành động vì lợi ích chung”: Dám hành động không phải để đem lại lợi ích cho cá nhân, mà đem lại lợi ích chung.

Thực hiện tinh thần “7 dám” vừa là giải pháp rất quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên Khối các cơ quan Trung ương vừa góp phần tích cực đấu tranh phòng chống suy thoái “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời lấy “7 dám” soi rọi vào từng cương vị chức trách, nhiệm vụ cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thiếu hoặc coi nhẹ, cán bộ không những không hoàn thành nhiệm vụ mà dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, nếu thiếu đi một “dám” sẽ tác động ảnh hưởng đến phẩm chất còn lại. Thiếu càng nhiều “dám” sẽ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, là một bước ngắn dẫn đến tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống - Đồng chí Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất