Thứ Bảy, 5/10/2024
Tập trung công sức, trí tuệ, thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
 

Toàn cảnh phiên họp.


4 dự án luật này gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế pháp luật rất quan trọng, thường xuyên, do đó đề nghị các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo, lãnh đạo các dự án luật được phân công; tập trung công sức, trí tuệ thực hiện các công việc đã được đưa vào lịch trình. Tinh thần chung là các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Đây là một trong những công việc quan trọng phải tập trung làm, không phải là “việc làm thêm”.

Thủ tướng cho rằng, thông thường, lúc xây dựng pháp luật thì không thấy vấn đề gì, nhưng khi thực thi luật lại thấy vướng mắc bởi vì không thảo luận kỹ càng, nghiêm túc. Đó là thực tiễn mà chúng ta đang gặp phải.

Thủ tướng nêu rõ, đột phá về xây dựng thể chế là 1 trong 3 đột phá mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra. Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực hiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Thời gian qua, chúng ta đã dành nhiều công sức, thời gian đầu tư cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Có văn bản trình Bộ Chính trị, có văn bản trình Quốc hội; các Nghị định, Nghị quyết, Thông tư thì Chính phủ chủ động làm…, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình vận hành bộ máy, chỉ đạo, điều hành. Các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian công sức, bám sát vào chương trình xây dựng luật pháp của Bộ Chính trị, Quốc hội. Chính phủ, chủ động xây dựng các đề án luật được phân công. Trên thực tế, chúng ta đã đạt hiệu quả hết sức tích cực. Hằng tháng, Chính phủ dành 1 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; chưa kể việc xây dựng các Nghị định, Thông tư…

Phiên họp này, các bộ sẽ trình Chính phủ 4 dự án luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là những luật hết sức quan trọng vì phạm vi và đối tượng rộng, vướng mắc nhiều, cản trở sự phát triển. Vì vậy, chúng ta rất tích cực đề xuất vào chương trình xây dựng các luật, pháp lệnh trong năm nay. Các bộ, ngành phối hợp các cơ quan liên quan tập trung làm công việc này nghiêm túc, hiệu quả.

Chính phủ dành 1 ngày thảo luận 4 đề án luật này, bởi đây những là những luật khó, nhạy cảm, nhưng rất cần thiết trong thời điểm hiện nay, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho việc phục hồi nhanh và phát triển sau đại dịch Covid-19 và những tác động, cú sốc từ bên ngoài. Thủ tướng mong các đại biểu tập trung dành công sức, trí tuệ, thời gian để thảo luận sôi nổi, nghiêm túc, nhất là tháo gỡ những vướng mắc mà thực tiễn đang đặt ra.

Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao đầu tư công chậm? Đó là do một số thể chế, luật đang vướng mắc. Chúng ta đang tích cực bám sát thực tiễn. Từ kinh nghiệm quản lý điều hành, các đại biểu trực tiếp cho ý kiến vào các vấn đề.

Thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, do đó Thủ tướng mong các đại biểu tập trung cho ý kiến về vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn. Thủ tướng yêu cầu đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải tập trung thực hiện thì mới bảo đảm hiệu quả. Thực tế chúng ta thấy nhiều Luật ban hành, khi thực thi có vướng mắc, không phải là vướng mắc ít mà vướng mắc rất nhiều. Hiện nay, các địa phương đang phải xử lý, đang phải chờ đợi để chúng ta góp ý cho các dự luật vừa bảo đảm tiến độ và chất lượng, là hai yêu cầu hết sức quan trọng.

(nhandan.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác