Thứ Sáu, 26/4/2024
Tổ chức nghiên cứu về công tác dân vận

1. Lựa chọn đề tài khoa học

Đề tài khoa học về dân vận có thể do cấp trên xác định hoặc do từng cấp lựa chọn. Đề tài do cấp trên nêu ra gọi là đề tài được chỉ định, cấp dưới thực hiện dưới hình thức một hợp đồng nghiên cứu, hoặc cấp trên chủ trì nghiên cứu, cấp dưới hưởng ứng, phối hợp cùng nghiên cứu.

Loại thứ hai phổ biến hơn đối với công tác dân vận hiện nay là: cấp dưới, xuất phát từ đặc điểm cụ thể của mình, bổ sung vào đề tài do cấp trên nêu ra một số vấn đề cho phù hợp.

Đề tài do từng cấp lựa chọn để tiến hành nghiên cứu gọi là đề tài tự chọn. Việc tự chọn đề tài nghiên cứu xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo ở từng nơi. Việc làm này khá công phu, không thể tùy tiện. Người ta thường căn cứ vào những điểm dưới đây để quyết định hướng nghiên cứu:

- Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn không? (việc nghiên cứu để làm căn cứ định ra chủ trương nào, giải quyết cho vấn đề thực tiễn nào...).

- Đề tài có tính cấp bách không? (nhằm giải quyết vấn đề bức xúc hay hoạch định nhiệm vụ dài hạn…).

- Có đủ điều kiện bảo đảm cho việc hoàn thành đề tài không? Điều kiện nghiên cứu đại thể như: cơ sở thông tin dữ liệu, quỹ thời gian và kinh phí tối thiểu, lực lượng cộng tác viên...

- Đề tài có phù hợp với năng lực, sở trường của người chủ trì nghiên cứu không?

Sau khi đã lựa chọn đề tài, cần chú ý việc đặt tên đề tài. Tên đề tài phải súc tích, cô đọng, nhiều thông tin. Cần tránh đặt tên đề tài với những cụm từ khó định lượng như: “Một số vấn đề…”; “Vài suy nghĩ về...”; “Góp phần vào…”. Trong tên đề tài cũng không nên sử dụng tùy tiện những cụm từ nêu mục đích, mở đầu bằng “Để…”; “Nhằm...”; “Phục vụ cho...”.

Sau khi đã có đề tài, cần chú ý việc tổ chức nghiên cứu. Đề tài có thể do một người thực hiện nhưng cũng có thể do một nhóm người thực hiện. Thông thường, một đề tài do một nhóm người thực hiện, có chủ nhiệm đề tài và thư ký đề tài. Chủ nhiệm đề tài thường là người có kinh nghiệm nghiên cứu. Thư ký đề tài theo dõi việc thực hiện cụ thể của đề tài, làm báo cáo, phụ trách tài chính, tổ chức việc in ấn, nghiệm thu, quyết toán…

2. Xây dựng đề cương nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu để trình các cơ quan có thẩm quyền duyệt và cấp kinh phí, và là cơ sở để xét duyệt, nghiệm thu. Nội dung đề cương nghiên cứu cần thuyết minh các vấn đề sau:

- Lý do chọn đề tài: phân tích sơ lược lịch sử vấn đề nghiên cứu để phát hiện khía cạnh cần nghiên cứu; giải thích lý do lựa chọn của tác giả về mặt lý thuyết và về mặt thực tiễn.

- Xác định rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu: đối tượng là toàn bộ sự vật trong phạm vi quan tâm của đề tài nghiên cứu. Phạm vi nghiên cứu là giới hạn của đối tượng nghiên cứu về không gian, thời gian và quy mô vấn đề. Kinh nghiệm cho thấy phạm vi nghiên cứu không nên mở ra quá rộng mà càng hẹp càng có điều kiện đi sâu nhưng phải bảo đảm yêu cầu nghiên cứu. 

- Xác định mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu: mục tiêu nghiên cứu là cái đích mà người nghiên cứu vạch ra để thực hiện. Căn cứ mục tiêu nghiên cứu mà xác định nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể.

3. Xác định kế hoạch nghiên cứu

- Kế hoạch tiến độ;

- Kế hoạch nhân lực và phối hợp lực lượng;

- Lập dự toán tài chính.

Một số nơi thường ghép kế hoạch nghiên cứu vào đề cương nghiên cứu. Hai văn bản này có nội dung và mục đích khác nhau, nên tách riêng.

4. Tiến hành nghiên cứu

Thông thường, việc nghiên cứu khoa học về dân vận bao gồm những công việc sau:

- Điều tra, khảo sát tình hình thực tế;

- Hội thảo khoa học;

- Viết báo cáo khoa học của đề tài nghiên cứu.

a) Điều tra, khảo sát tình hình thực tế

Có nhiều phương pháp để điều tra, khảo sát tình hình thực tế. Ở đây chỉ đề cập đến phương pháp trưng cầu ý kiến là phương pháp phổ biến và có vị trí chủ đạo trong nghiên cứu xã hội.

Người nghiên cứu lập ra một bảng hỏi. Việc thiết kế câu hỏi phải bám sát đề cương nghiên cứu, đi vào những vấn đề trọng tâm tìm hiểu, từ ngữ phải rõ ràng, dễ hiểu, không dùng những khái niệm mơ hồ khi chỉ số lượng, định lượng về thời gian, không gian; không dùng những danh từ chuyên ngành hẹp, tiếng nước ngoài hoặc từ địa phương... mà ít người biết. Câu hỏi phải sát trình độ người được hỏi. Dung lượng hỏi không nên quá nhiều, người trả lời phải sử dụng khoảng 30 phút là vừa.

Khi xây dựng xong bảng hỏi, cần tập huấn kỹ những người đi phỏng vấn. Chọn địa điểm, tình huống, thời điểm phỏng vấn cho thích hợp. Người đi phỏng vấn cần chú ý phong cách, trang phục, tránh gây ra sự khó chịu cho người được phỏng vấn. Cần chú ý tốc độ phỏng vấn phù hợp với từng đối tượng. Khi đi phỏng vấn, lúc đầu người phỏng vấn phải qua giai đoạn làm quen, sau đó mới vào nội dung phỏng vấn và khi kết thúc cần tạo bầu không khí tin cậy, thân mật để còn có dịp gặp phỏng vấn tiếp.

Sau khi thu được các bảng hỏi, cơ quan nghiên cứu tiến hành xử lý thông tin có thể bằng một trong hai phương pháp: phương pháp giản đơn và phương pháp xử lý thông tin trên máy vi tính.

Tùy theo tình hình, mức độ vấn đề cần nghiên cứu, người nghiên cứu có thể sử dụng cách nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở với nhiều cách khác nhau: gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, quần chúng ở cơ sở. Song, dù bằng cách nào, vấn đề quan trọng là phải bám sát đề cương để tìm hiểu, phân tích tình hình thực tế. Qua quá trình xử lý thông tin, người nghiên cứu thu thập được trước hết là thông tin sơ cấp cấp 1, rồi thông tin sơ cấp cấp 2 (thông tin đã xử lý thuần túy về mặt kỹ thuật), cuối cùng là thông tin cao cấp.

b) Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học là loại hội nghị khoa học không lớn với mục đích đưa ra một số vấn đề khoa học nhất định để thảo luận, tranh luận. Số người dự hội thảo khoa học nên hạn chế trong khoảng 20-30 người, không nên quá đông.

Để hội thảo có hiệu quả, cần thông báo trước cho những người dự hội thảo vấn đề cần thảo luận. Những người dự hội thảo gửi trước cho người chủ trì hội thảo ý kiến tham gia thảo luận của mình.

Khi vào hội thảo, người chủ trì hội thảo đọc báo cáo đề dẫn. Báo cáo này không dài nhưng cần nêu lên vấn đề, những nội dung cần thảo luận, nhất là những ý kiến khác nhau để thảo luận, tranh luận. Sau đó, các thành viên tham gia hội thảo phát biểu ý kiến. Để cuộc hội thảo đạt hiệu quả và đỡ tẻ nhạt, những người tham gia không nên chỉ đọc nguyên văn bản đã viết mà có thể trình bày thêm và tham gia tranh luận. Mỗi người chỉ nên trình bày trong khoảng thời gian từ 15-20 phút. Hết sức tránh việc lợi dụng diễn đàn để kể lể thành tích. Trong hội thảo khoa học, cần bảo đảm nguyên tắc:

- Tạo ra bầu không khí tự do tư tưởng, thoải mái về tinh thần, không có sự hạn chế nào về các ý tưởng được nêu ra.

- Không chỉ trích, châm biếm hoặc có hành động gây phương hại đến tự do tư tưởng.

- Khuyến khích và lắng nghe mọi ý kiến, kể cả những ý kiến có vẻ lạc đề, vô lý, vì sau đó lại có thể tiếp tục tranh luận.

- Kết thúc hội thảo, người chủ trì chỉ cần tóm tắt những ý kiến tham gia, không cần kết luận.

- Các bài viết tham gia hội thảo có thể được tập hợp trong một cuốn kỷ yếu.

c) Viết báo cáo khoa học

Báo cáo khoa học nhằm mục đích ghi nhận và công bố các kết quả nghiên cứu, đồng thời cũng là văn bản để báo cáo cơ quan quản lý nghiên cứu hoặc cơ quan tài trợ.

* Về nội dung của báo cáo:

- Giới thiệu chung vấn đề nghiên cứu;

- Trình bày vắn tắt hoạt động của nhóm nghiên cứu;

- Cơ sở lý thuyết được sử dụng;

- Mô tả các phương pháp nghiên cứu;

- Trình bày, mô tả những kết quả đạt được;

- Thảo luận về kết quả và những vấn đề chưa được giải quyết cần được tiếp tục nghiên cứu.

* Về kết cấu chung của báo cáo:

- Lời nói đầu:

Nêu vắn tắt lý do và bối cảnh của đề tài, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài, kết quả đạt được và những tồn tại, những dự kiến sau công trình nghiên cứu. Trong phần cuối của Lời nói đầu cần có mấy dòng cảm ơn đối với những cơ quan và cá nhân có sự giúp đỡ đặc biệt với công trình nghiên cứu.

- Tổng quan:

+ Giới thiệu chung về vấn đề nghiên cứu.

+ Tổng quan lịch sử nghiên cứu, những vấn đề còn bỏ trống trong các nghiên cứu trước đây và quan điểm lựa chọn vấn đề nghiên cứu.

+ Trình bày vắn tắt hoạt động nghiên cứu.

Nội dung nghiên cứu và kết quả:

+ Trình bày những giả thuyết và phương pháp kiểm chứng;

+ Trình bày những kết quả đạt được về mặt lý thuyết và kết quả áp dụng;

+ Thảo luận, bình luận kết quả và nêu những vấn đề chưa được giải quyết.

- Kết luận và khuyến nghị:

+ Kết luận về toàn bộ công cuộc nghiên cứu;

+ Các khuyến nghị.

Ngoài những phần chính trên đây, trong báo cáo khoa học còn có phần tài liệu tham khảo, trích dẫn, đề mục và chỉ dẫn tác giả, các phụ lục.

5. Nghiệm thu đề tài nghiên cứu

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu là việc đánh giá công trình nghiên cứu đó. Người ta thường căn cứ vào ba vấn đề dưới đây để đánh giá:

- Mức độ đạt về nội dung;

- Mức độ đạt về thời gian;

- Triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Thông thường có bốn mức đánh giá: xuất sắc hoặc giỏi; khá; đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu. Có nơi còn định ra hệ thống thang điểm (thường là 100 điểm) để lượng hoá các mức trên (ví dụ có 100 điểm là tối đa, chia ra 60 điểm để đánh giá nội dung 30 điểm về triển vọng ứng dụng, còn 10 điểm là mức độ đạt về thời gian nghiên cứu. Cộng cả ba loại trên nếu đạt dưới 50 điểm là “không đạt”, từ 50 điểm đến 70 điểm là “đạt yêu cầu”, từ 71 điểm đến 90 điểm là “khá”, từ 91 điểm đến 100 điểm là “xuất sắc” hoặc “giỏi”).

Có hai phương pháp đánh giá: phương pháp chuyên gia và phương pháp hội đồng. Phương pháp hội đồng được áp dụng phổ biến hơn. Một hội đồng nghiệm thu được thành lập (có quyết định thành lập) gồm những người am hiểu lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Số thành viên hội đồng là số lẻ, thông thường, hội đồng có 7 hoặc 9 thành viên, trong đó có một chủ tịch, một thư ký và ba thành viên là người viết nhận xét phản biện (hai người viết nhận xét với tư cách cá nhân, một người viết nhận xét với tư cách một cơ quan áp dụng kết quả nghiên cứu), ngoài ra có thể cơ cấu một số thành viên khác, là chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên ngành có liên quan. Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu do cơ quan chủ quản quản lý theo quy định của Nhà nước. Để có tư liệu làm việc cho hội đồng, nhóm nghiên cứu cần viết một bản tóm tắt báo cáo khoa học và gửi cho các thành viên hội đồng trước ngày triệu tập phiên họp của hội đồng.

Sau khi nghe Chủ nhiệm đề tài trình bày (trình bày theo bản tóm tắt, không quá 30 phút), nghe những bản nhận xét phản biện, hội đồng thảo luận và bỏ phiếu (lúc này những người dự hội nghị nghiệm thu nghỉ giải lao). Phần cuối cùng của hội nghị nghiệm thu, sau khi nghe Thư ký hội đồng công bố kết quả kiểm phiếu và đánh giá xếp loại, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm tưởng và cảm ơn.

Trung Kiên

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất