Thứ Năm, 7/11/2024
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực; Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban. Dự Hội thảo có các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện lãnh đạo một số Ban Dân vận tỉnh, thành ủy; các nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương.

 

Quang cảnh Hội thảo


Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta xác định quyền làm chủ của nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng. Mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” ngày càng được cụ thể hóa qua các kỳ đại hội, được xác định là phương thức vận hành tổng thể của hệ thống chính trị.  

Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa “Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” với những nội dung mang tính chính trị - pháp lý mới, thể hiện sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm chính trị - pháp lý giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thực tiễn những năm qua cho thấy: nhận thức về dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã từng bước được nâng cao; những đổi mới trong quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với quản lý của Nhà nước đã phát huy dân chủ, quyền làm chủ, sức mạnh của nhân dân, tạo ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế.

 
 Đồng chí Nguyễn Lam phát biểu đề dẫn Hội thảo

Chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng đã được ra đời tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. Trong tình hình mới, Đảng ta yêu cầu phải “kiên trì thực hiện” phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đến nay bổ sung  tiêu chí “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Phương châm này là thể hiện tư tưởng dân chủ trong thể chế nhà nước “của dân, do dân, vì dân” và được thực hiện thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trong khuôn khổ Hội thảo hôm nay, đồng chí Nguyễn Lam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng, chỉ ra nguyên nhân thực hiện không đạt kết quả như mong muốn, đánh giá những tác động, yêu cầu của bối cảnh mới của đất nước, từ đó, đề xuất các quan điểm định hướng và các giải pháp phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận và ý kiến trao đổi đã phản ánh toàn diện, sâu sắc về chủ đề Hội thảo. Qua trao đổi, thảo luận cho thấy các  ý kiến đều thống nhất nhận định: Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Đảng đã nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, kiên trì thực hiện phương châm “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Với “vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ”, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

 

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo


Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu và các tham luận cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cần có những giải pháp khắc phục để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Từ đó, đề xuất một số giải pháp phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, nâng cao năng lực làm chủ của người dân trong điều kiện Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”- nhìn từ góc độ thực tiễn hiện nay.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương khẳng định: Hội thảo khoa học đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra với những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đã đánh giá đúng kết quả, khó khăn, vướng mắc trong vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “nhân dân làm chủ” của hệ thống chính trị thời gian qua, đồng thời, đề xuất giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc phát huy quyền làm chủ nhân dân đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Từ đó, đưa hoạt động này đi vào thực chất hơn nữa, lấy sự hài lòng, niềm tin của nhân dân là thước đo cho kết quả công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 

Đồng chí Phạm Tất Thắng phát biểu kết luận Hội thảo


Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện chuyên đề phục vụ nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đảm bảo chất lượng, khoa học…

Tin và ảnh: Mai Khôi

Gửi cho bạn bè

Các tin khác