Thứ Bảy, 20/4/2024
Nghiệm thu Đề tài “Công tác dân vận góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên”
 
Quang cảnh buổi nghiệm thu 


Hội đồng nghiệm thu Đề tài gồm 7 thành viên, do PGS. TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng.

Báo cáo kết quả nghiên cứu chính của Đề tài, đồng chí Đỗ Thịnh, Chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh: Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Qua 30 năm đổi mới tình hình kinh tế - xã hội của Tây Nguyên đã có thay đổi đáng kể, an ninh trật tự ổn định và giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên được quan tâm xây dựng, kiện toàn và đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống chính trị ở cơ sở mặc dù có đủ cơ cấu, thành phần nhưng một số nơi hoạt động không đồng bộ, kém hiệu quả. Các tỉnh trong khu vực đã chú trọng công tác dân vận nhưng vẫn còn lúng túng nội dung, phương thức công tác dân vận tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Do vậy, việc nghiên cứu và thực hiện Đề tài là cấp thiết.

Đề tài được thực hiện với mục tiêu góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; loại trừ, xóa bỏ những tiêu cực, hạn chế, phòng tránh tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên.

Trên cơ sở làm rõ thực trạng công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, Đề tài đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên; nâng cao nhận thức và đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng nhất là đảng ủy cơ sở đối với công tác dân vận trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường công tác dân vận chính quyền và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới phương thức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…

Sau khi nghe Chủ nhiệm đề tài trình bày các kết quả nghiên cứu chính, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều cho rằng đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Đề tài được triển khai nghiêm túc, công phú. Kết cấu rõ ràng, phương pháp tiếp cận vấn đề cơ bản phù hợp. Đây là tài liệu tham khảo tốt cho cán bộ dân vận địa phương và là cơ sở cho hoạt động công tác thực tiễn của các tác giả. Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các nhà khoa học trong Hội đồng để Đề tài có thể hoàn thiện hơn.

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá xếp loại Đề tài đạt loại khá./.

Tin và ảnh: Ngọc Mai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất