Thứ Bảy, 20/4/2024
“Trọng tâm của công tác dân vận là nâng cao đời sống của nhân dân”

 Quang cảnh buổi tọa đàm

Dự và chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Ban Dân vận Trung ương.

Tham dự còn có đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Phó Trưởng ban; các đồng chí Phó Chủ tịch, ủy viên, các nhà khoa học trong Hội đồng lý luận Trung ương; lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị Ban Dân vận Trung ương.

Tại buổi tọa đàm, thay mặt Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Hà Ngọc Anh trình bày báo cáo chung về quan điểm, đường lối của Đảng và kết quả công tác dân vận của Đảng trong những năm qua. Theo báo cáo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ năm 1991 đến nay, công tác dân vận đã được tăng cường, tiếp tục đổi mới gắn với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ của Đảng, phát huy vai trò trong việc tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết có hiệu quả những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận, vận động nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quan tâm hơn việc phát huy quyền làm chủ và lợi ích trực tiếp của nhân dân.

Nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận ngày càng được nâng lên và có sự chuyển biến trong hành động. Công tác dân vận đã ngày càng thể hiện rõ hơn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ, trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành chính sách, pháp luật được quan tâm hơn và nhiều hơn. Chính phủ và chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, làm nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm của công dân trong đời sống xã hội, tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền...

Các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu; nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội...

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ những hạn chế cũng như đưa ra một số giải pháp liên quan đến quá trình thực hiện Cương lĩnh về công tác dân vận. Cụ thể là các vấn đề về tháo gỡ các “nút thắt” tạo thành những búc xúc của nhân dân vừa qua, mối quan hệ hữu cơ của công tác dân vận của Đảng với công tác dân vận của chính quyền; vấn đề nhận thức và nêu gương của cán bộ đảng viên nói chung và cán bộ làm công tác dân vận nói riêng, việc giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân…


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Trương Thị Mai, nêu rõ thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Đảng ta xác định: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trọng tâm của công tác dân vận là nâng cao đời sống của nhân dân.

Liên tục qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, cụ thể hoá, đổi mới về công tác dân vận cho từng lĩnh vực cụ thể, đối tượng cụ thể và ngày càng hoàn thiện hơn về quan điểm, giải pháp đối với công tác dân vận. Từ Đại hội VII đến Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị cụ thể cho từng đối tượng, từng lĩnh vực công tác dân vận của Đảng.

Đồng chí nhấn mạnh, đối với công tác dân vận cần nhận thức rõ 3 mục tiêu: (1) nâng cao đời sống đời sống nhân dân về cả vật chất lẫn tinh thần; (2) xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; (3) xây dựng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Chú trọng thúc đẩy hai động lực để nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó trọng tâm là: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân…

Nhằm đẩy mạnh công tác dân vận trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, từng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu dân cử và cán bộ làm công tác dân vận phải luôn nêu gương về học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; thường xuyên sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, qua đó khẩn trương phản ánh để cấp ủy, các cơ quan chức năng của nhà nước giải quyết kịp thời. Các cấp ủy đảng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp thuận lợi để người dân phản ánh, kiến nghị nhanh nhất, đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của cơ sở. Cấp ủy, chính quyền phải thực hiện nghiêm túc việc đối thoại trực tiếp với dân, nhất là những nơi còn tồn tại các vấn đề bức xúc có thể trở thành “điểm nóng”. Chỉ đạo tốt công tác tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.


 Đồng chí Phùng Hữu Phú phát biểu kết thúc tọa đàm

Phát biểu kết thúc tọa đàm, đồng chí Phùng Hữu Phú nghiêm túc tiếp thu và đánh giá cao các báo cáo, chuyên đề, ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự trong việc tổng kết thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, các báo cáo chuyên đề và ý kiến phát biểu trực tiếp tại tọa đàm đã giúp Hội đồng lý luận Trung ương có thêm nhiều tư liệu quý để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng giao cho./.

Hoàng Phong

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất