Chủ Nhật, 19/5/2024

Đắk Lắk: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội

Xác định giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng giúp tổ chức Hội Phụ nữ thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội, những năm qua Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo các cấp hội tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả bước đầu.

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương Hội, biên soạn các loại biểu mẫu, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Giám sát, phản biện xã hội được đưa vào là một trong những tiêu chí xem xét và đánh giá thi đua các cơ sở Hội định kỳ hàng năm, cả nhiệm kỳ. Để cán bộ, hội viên các cấp hội hiểu đầy đủ về vai trò, quyền, trách nhiệm, quy trình thực hiện giám sát, phản biện theo Quyết định số 217-QĐ/TW; Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề cho hơn 1.000 cán bộ phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở. Trong quá trình tập huấn, Hội đã tổ chức cho học viên thực hành: Xây dựng các văn bản chuẩn bị cho hoạt động giám sát (như: kế hoạch giám sát, nội dung giám sát, bảng hỏi, đề cương báo cáo, biên bản giám sát); xin chủ trương cấp ủy, thống nhất nội dung giám sát với cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp, mời đại diện các ngành tham gia đoàn giám sát, quyết định thành lập đoàn giám sát... và thực hành các kịch bản giám sát theo quy trình. Qua đó khi triển khai hoạt động giám sát trên thực tế đã hạn chế được sự lúng túng, thiếu sót.

Trong xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, ngoài việc phải căn cứ vào định hướng của Trung ương Hội LHPN và Hội Phụ nữ cấp trên; Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chủ động lựa chọn nội dung, địa bàn giám sát để tham mưu, đề xuất các cấp ủy đảng nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy, nhất là trong tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp. Trước khi làm văn bản xin chủ trương cấp ủy, các cấp Hội Phụ nữ phải nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề liên quan đến phụ nữ, địa phương... thông qua các báo cáo, giao ban, tập huấn, sinh hoạt hội viên, đặc biệt là thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các buổi đối thoại trực tiếp với phụ nữ, nhân dân.

Khi tiến hành hoạt động giám sát, các cấp Hội chuẩn bị thật kỹ đề cương giám sát và phải gửi trước cho đối tượng giám sát để đảm bảo đúng trọng tâm, sát với nội dung giám sát và có thời gian trao đổi làm rõ về những vấn đề chưa cụ thể, rõ ràng. Để tăng thêm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, các cấp Hội Phụ nữ đã chú trọng và mở rộng thành phần tham gia đoàn giám sát phù hợp với nội dung giám sát như: đại diện Thường trực, các ban của HĐND, Ban Tổ chức, Ban Dân vận, MTTQ, các sở, ngành hữu quan. Một vấn đề khác cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo là việc in ấn, lập danh mục các văn bản liên quan, kể cả văn bản chỉ đạo của ngành dọc, dự kiến chương trình giám sát, bảng hỏi, cách thức giám sát và tổ chức họp đoàn lấy ý kiến trước khi ban hành.

Nhận thức việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát cũng là khâu quan trọng, đánh giá rõ ràng nhất hiệu quả giám sát. Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã phân công đồng chí Thường trực Hội đăng ký và trực tiếp làm việc với các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương được giám sát đề nghị quan tâm giải quyết các kiến nghị sau  giám sát và phân công cán bộ, ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để có kiến nghị tiếp theo.

Với cách làm như trên, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã giám sát thực hiện 12 chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội LHPN như: Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp và các văn bản liên quan đến tỉ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp; hoạt động dạy nghề cho lao động nữ nông thôn; việc cấp Thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện chế độ hỗ trợ cây, con giống, điện, nước cho hộ nghèo; công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giữ trẻ và trường mầm non tư thục; hỗ trợ gia đình chính sách có công; chính sách người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo; cấp gạo, hỗ trợ tiền Tết Nguyên đán cho các hộ phụ nữ nghèo; trợ cấp cho các hộ thiệt hại do hạn hán; việc cấp phát và thực hiện kinh phí chi cho các cấp Hội Phụ nữ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường...

Qua giám sát, Hội LHPN tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề và kịp thời có văn bản kiến nghị, đề xuất các tổ chức, đơn vị, cấp có thẩm quyền giải quyết. Nhiều kiến nghị, đề xuất của Hội sau giám sát đã được cơ quan chức năng tiếp thu như: đảm bảo tỉ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp đạt ít nhất 35% trong danh sách chính thức; tăng phụ cấp cho Chi hội trưởng các đoàn thể từ 207.000 đ/tháng lên 230.000 đồng/tháng (bắt đầu từ tháng 01/2015); bổ sung 142 trường hợp khuyết tật chưa được hưởng chế độ trợ cấp, 1.037 các đối tượng thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... được chỉnh sửa và cấp mới Thẻ bảo hiểm y tế...

Đối với hoạt động phản biện xã hội, đây là vấn đề hết sức mới và không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. Bước đầu, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với ban chuyên môn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện và đã chủ động tổ chức được một số hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia các sở, ngành, đoàn thể và ý kiến của hội viên, các tầng lớp phụ nữ góp ý vào dự thảo các văn bản chính sách, pháp luật như: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các kế hoạch, chương trình, dự án có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới... Những ý kiến của hội viên, phụ nữ được Hội LHPN các cấp tổng hợp đầy đủ bằng văn bản và gửi tới các cơ quan chức năng các cấp.

Các hoạt động giám sát và phản biện của Hội LHPN đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung. Những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đã được các cấp Hội kiến nghị lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch của nhà nước, của địa phương. Mối quan hệ xã hội của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả đã đạt được qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội LHPN các cấp, góp phần tích cực xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, phản biện của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thời gian qua cũng cho thấy ở một số nơi, sự nhìn nhận của cấp ủy, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, làm trở ngại cho tổ chức Hội khi thực hiện nhiệm vụ. Một số nơi, Hội LHPN chưa thực sự chủ động, mạnh dạn, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, còn có sự nể nang, ngại va chạm; chưa nghiên cứu sâu, nắm chắc và kỹ các chính sách liên quan đến nội dung giám sát và những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ của địa phương, đơn vị mình nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nội dung giám sát, phản biện, góp ý quá rộng, chung chung, chưa lựa chọn vấn đề trọng tâm, cấp thiết để giám sát và góp ý. Sau giám sát, phản biện đôi khi còn thiếu sự bám sát và kiến nghị đến cùng các vấn đề, các kết luận sau giám sát làm cho hoạt động giám sát của Hội Phụ nữ còn hình thức, chậm phát huy tác dụng. Từ thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện, góp ý của các cấp Hội Phụ  nữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, thường xuyên bám sát định hướng giám sát, phản biện xã hội của Trung ương, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như vấn đề xã hội, hội viên phụ nữ quan tâm để chọn vấn đề giám sát phù hợp cho từng năm, và chủ động báo cáo đề xuất với cấp ủy về nội dung giám sát, phản biện để triển khai thực hiện.

Thứ hai, việc tổ chức, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề với sự tham gia của các ban, ngành liên quan là rất quan trọng nhằm giúp cho việc nhìn nhận, phát hiện các vấn đề qua quá trình giám sát khách quan, thực chất và có tính chuyên môn sâu.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ tham mưu thực hiện giám sát, phản biện xã hội phải có bản lĩnh chính trị, có kiến thức chuyên môn về luật pháp và giới, nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp làm việc khoa học, hiểu thực tiễn, có kỹ năng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, kỹ năng vận động chính sách, đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn mới.

Thứ tư, phải kiên trì theo đuổi đến cùng các yêu cầu, đề xuất và kiến nghị sau hoạt động giám sát để hoạt động giám sát của tổ chức Hội LHPN được thực thi, hiệu quả, đóng góp vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ; xây dựng  hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.


Nguyễn Thị Thuy Nguyệt
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN