Thứ Hai, 6/5/2024

Phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ và Hội Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Cho đến nay, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước được nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia. Trong những nỗ lực chung đó, có sự đóng góp tích cực của phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Với 48,4% lao động khu vực nông thôn (Tổng Cục thống kê Quý 2/2016), phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong xu hướng nam giới chuyển sang tìm các công việc phi nông nghiệp và di cư ra thành phố thì người phụ nữ trở thành lao động chính và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất và cộng đồng ở khu vực nông thôn. Có thể khẳng định, phụ nữ là một chủ thể quan trọng vừa là người được thụ hưởng đồng thời cũng là nhân tố tích cực góp phần không nhỏ vào thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy tại nhiều nơi phụ nữ nông thôn Việt Nam là lực lượng lao động chính, mang lại thu nhập cho gia đình, góp phần sản xuất ra phần lớn sản phẩm nông nghiệp. Phụ nữ đã tích cực học tập kiến thức, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Hàng triệu phụ nữ đóng góp công sức, tiền của xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn; tham gia hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa. Đặc biệt, phụ nữ là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh thôn xóm, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Phụ nữ cũng hăng hái, nhiệt tình tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần khu vực nông thôn, đồng thời lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các bà, các mẹ, các chị luôn là người giữ lửa, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên cùng chăm lo xây dựng gia đình văn hóa, tuyên truyền, vận động các thành viên trong cộng đồng để không chỉ phụ nữ mà cả nam giới nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, những phong trào, hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất thiết thực, hiệu quả, tiêu biểu là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Với 8 tiêu chí của cuộc vận động là: Không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; và Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, đã có những đóng góp không nhỏ trong thực hiện 9/19 tiêu chí nông thôn mới của giai đoạn vừa qua. Đây là những tiêu chí gắn với cấp hộ gia đình, nâng cao chất lượng sống của người dân, bồi đắp và hoàn thiện đời sống văn hóa ở cơ sở. Hội Phụ nữ các cấp đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp tích cực tạo điều kiện, cơ chế để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở cơ sở bằng nhiều chương trình và hình thức cụ thể như: tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu từ cấp trung ương đến địa phương; vận động phụ nữ hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát hiện, đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển nông thôn; hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, tổ chức các hoạt động để xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng các mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Buôn tôi xanh, làng tôi đẹp”, “Đoạn đường nở hoa”, “Xử lý rác thải tại nhà”...

Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3  sạch” của Hội Phụ nữ đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Trong 5 năm đã giúp  trên 400.000 hộ thoát nghèo; vận động, xây dựng, sửa chữa 19.688 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; thành lập trên 6.500 hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên  kết; duy trì trên 35.000 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc tại cộng đồng; cung cấp kiến thức nuôi dạy con, các kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc cho hàng triệu bà mẹ và ông bố có con dưới 16 tuổi... Có thể nói, việc lựa chọn và quyết tâm triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” là hướng đi đúng đắn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của Hội, phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cấp hội đã chung tay, góp sức cùng ngành nông nghiệp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển nông thôn.

Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng hội viên phụ nữ cả nước tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo chúng tôi, để tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với chất lượng, hiệu quả cao nhất, bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, các cấp Hội Phụ nữ nghiên cứu, tổ chức thực hiện tốt một số các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương, chủ động đăng ký thực hiện “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng xóm làng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Hai là, vận động, khuyến khích và hỗ trợ hội viên, phụ nữ nỗ lực học tập áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp; tham gia các hình thức liên kết, đầu tư, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kêu gọi chị em phụ nữ sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Ba là, Hội Phụ nữ cần quan tâm phối hợp với các ngành, các trường đại học, các trung tâm dạy nghề ở địa phương cũng như trong cả nước để hướng nghiệp, dạy nghề về nông nghiệp, nông thôn, khuyến nông cho phụ nữ; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dạy nghề, kết hợp với các chương trình xóa đói giảm nghèo để giải quyết việc làm cho phụ nữ.

Bốn là, Hội Phụ nữ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách, chương trình, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những vấn đề có liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới và chất lượng sống của người dân để Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp nhận, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức giải quyết kịp thời.

Hà Công Tuấn
Thứ trưởng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các bài khác

TẠP CHÍ IN