Thứ Tư, 15/5/2024
Hội nghị lần thứ 17 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Chú trọng giải quyết những vấn đề thiết thân của NLĐ
 
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng chủ trì phiên họp lần thứ 17
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (khóa XI) ngày 13.4. Ảnh: TẤT THẢO

Đổi mới toàn diện cách ban hành nghị quyết

Trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội CĐVN lần thứ XI đề ra (giai đoạn 2013-2015), Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho biết, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh được các cấp CĐ tập trung triển khai thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt, đa dạng về cách thức thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm mới. Kết quả, 3 năm qua, cả nước kết nạp mới 1.993.669 đoàn viên, thành lập 14.455 CĐCS, theo đó đến hết 31.11.2015, cả nước có 8.948.964 đoàn viên và 121.590 CĐCS, trong đó có 33 CĐCS với 24.407 đoàn viên được thành lập theo phương pháp mới. Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” cũng được tập trung, chú trọng, có nhiều giải pháp hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực ở nhiều ngành, địa phương. Tính đến hết năm 2015, có 25.396 bản TƯLĐTT (chiếm 75,72% số DN có tổ chức CĐ) được ký kết. Các bản TƯLĐTT có nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự thảo báo cáo thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết, nguyên nhân. Vẫn theo dự thảo báo cáo, một trong những nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến Đại hội CĐVN lần thứ XII là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh. Theo đó, các cấp CĐ giảm các hoạt động hình thức, tập trung hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động, thiết thực chăm lo trực tiếp đến các vấn đề thiết thân với NLĐ như thu nhập, đời sống, việc làm, bữa ăn giữa ca, BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đổi mới toàn diện cách thức ban hành nghị quyết và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BCH, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Ban Thường vụ CĐ các cấp, lựa chọn những nội dung cụ thể liên quan đến quyền lợi NLĐ để cả hệ thống tập trung thực hiện.

Cần chọn cán bộ CĐ nhiệt tình, tâm huyết

Tham luận về dự thảo báo cáo, Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN Đặng Quang Điều cho rằng, nhiệm vụ đề ra từ nay đến hết nhiệm kỳ thể hiện rất nhiều sự đổi mới, tuy nhiên cần có sự chỉ đạo chặt chẽ để triển khai thực hiện. Ông Đặng Quang Điều cũng cho rằng, đối với công tác phát triển đoàn viên, phải mổ xẻ con số cụ thể và quy trách nhiệm, ai làm tốt có động viên, khuyến khích; nếu không làm được cần phê bình ngay, để có thể đạt được con số 10 triệu đoàn viên vào cuối nhiệm kỳ. Chủ tịch CĐ Giáo dục Vũ Minh Đức đóng góp ý kiến cho rằng, báo cáo cần nêu lên vấn đề chọn cán bộ CĐ cần nhiệt tình, tâm huyết và có phương pháp làm việc đúng. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang Trần Thị Ái Nhân cho rằng, báo cáo cần đưa thêm nội dung về thực trạng doanh nghiệp không thực hiện đóng trích nộp kinh phí CĐ; đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí CĐ.

Đóng góp ý kiến đối với tờ trình về Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động Đỗ Trần Hải cho rằng, giai đoạn vừa qua, các cấp CĐ thực hiện phương pháp phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo phương thức mới nên cần phải có đánh giá ưu điểm, hạn chế của phương pháp này; nếu tốt cần khuyến khích thực hiện để góp phần đạt mục tiêu phát triển đoàn viên đã đề ra.

Các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến cho: Tờ trình báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện chương trình số 1468 /Ctr-TLĐ về “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”; Tờ trình về chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Tờ trình Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 5b/NQ-BCH ngày 8.7.2005 của BCH Tổng LĐLĐVN (khóa IX) về “Đẩy mạnh công tác BHLĐ của tổ chức CĐ trong tình hình mới); Tờ trình Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Xanh-sạch- đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; Tờ trình về Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ”; Tờ trình về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư và tương đương, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong tổ chức CĐ; Tờ trình về việc dừng thi hành Quy định tạm thời về bổ nhiệm Hàm Trưởng ban cơ quan Tổng LĐLĐVN; công tác cán bộ; Tờ trình về Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình số 1464/Ctr-TLĐ của BCH Tổng LĐLĐVN về “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ”; Tờ trình về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4b/NQ-BCH ngày 6.1.2005 của BCH Tổng LĐLĐVN (khóa IX) về “CĐ với nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, đa số ý kiến phát biểu cho rằng phong trào “Xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” đã đi vào chiều sâu, nên Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục giữ nguyên tên và thực hiện phong trào này, nhưng lồng ghép Luật ATVSLĐ mới, tiến bộ mới. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng xin tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu, giao lại cho thường trực, ban soạn thảo tiếp thu trước khi trình ký.

Nguồn: laodong.com.vn, ngày 14/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi