Thứ Bảy, 5/10/2024
An Giang: Nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 
 Người dân được đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội


Có thể thấy, dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11) được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, thông qua nhiều hoạt động: họp dân, tiếp xúc cử tri, niêm yết công khai tại trụ sở và một số khu vực công cộng, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng… Những kế hoạch, đầu công việc quan trọng được lấy ý kiến người dân, từ xuống giống, chuyển đổi nông nghiệp bền vững, huy động sức dân để thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đến triển khai kế hoạch giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công khai minh bạch nhiều nội dung, như: các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy trình bình chọn hộ nghèo, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà Tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mức thu các loại phí… Mỗi hoạt động đều cho thấy, quyền làm chủ của người dân được phát huy ngày càng rõ nét, trên nhiều phương diện.

Trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Quy chế dân chủ được thực hiện tốt. 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, góp phần phát huy vai trò của cán bộ, công chức, người lao động trong tham gia đóng góp ý kiến về việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan đến cơ quan, đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu; thảo luận, bàn biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm tiếp theo; lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình, giải đáp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức… Các cơ quan hành chính nhà nước thường xuyên rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm giải quyết của từng đơn vị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính công.

Tại nơi làm việc đối với doanh nghiệp, công ty cổ phần, công ty TNHH, người lao động thường xuyên được tuyên truyền 8 nội dung người sử dụng lao động phải công khai; 6 nội dung người lao động tham gia ý kiến; 6 nội dung người lao động quyết định; 8 nội dung người lao động kiểm tra giám sát; cùng nhiều văn bản liên quan đến người lao động. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp thực hiện quy định đối thoại tại nơi làm việc; hội nghị người lao động và các hình thức khác. Điển hình như việc thực hiện quy chế dân chủ tại Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, nơi quản lý gần 1.400 lao động. “Chúng tôi tổ chức, triển khai cho tất cả người lao động tham gia đóng góp nội quy, quy chế làm việc, quy chế trả lương, thưởng; các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến người lao động được thực hiện công khai, dân chủ. Ngoài ra, còn thực hiện tốt chế độ thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của công nhân viên chức, người lao động; giữ gìn đoàn kết nội bộ, khen thưởng - kỷ luật theo quy định để xây dựng công ty không ngừng lớn mạnh. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc phân công, bố trí lao động ở từng đơn vị; điều chuyển, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tiết kiệm quỹ lương, đồng thời phát huy được năng suất lao động” - ông Lê Thành Bửu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện nước An Giang chia sẻ.

“Việc xây dựng và thực hiện tốt Quy chế đã mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng (cầu, đường nông thôn, trường học, trạm y tế, mua xe chuyển bệnh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, bảo trợ xã hội…), góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” ở địa phương. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, sự tác động của cấp ủy và chính quyền cơ sở từng lúc, từng nơi chưa được tích cực, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện quy chế. Trong khi đó, Ban Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số xã, phường, thị trấn thiếu tính chủ động, hoạt động còn hình thức, chất lượng không cao. Việc thực hiện quy chế đối với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do các công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc của tỉnh hiện nay đã tiến hành cổ phần hóa gần hết” - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nguyễn Văn Thạnh nhận định.

Nhìn lại những kết quả và hạn chế trên, Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung 3 đầu công việc trọng tâm: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; nâng cao chất lượng việc thực hiện quy chế; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế. Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về diện tích, hộ dân trên 1 ấp cho phù hợp với từng vùng, miền để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác này ở các địa phương, đơn vị.

Gia Khánh/ baoangiang.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi