Thứ Hai, 16/9/2024
CA KHÚC VIẾT VỀ BẦU CỬ VÀ SỨC MẠNH TRONG HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN

 

Tính hiệu quả của ca khúc là mạch nguồn để đến hôm nay, đề tài về bầu cử vẫn được nhiều nghệ sĩ quan tâm và các ca khúc mới vẫn tiếp tục phát huy được ý nghĩa, vai trò trong hoạt động tuyên truyền về bầu cử.

“Đâu quốc dân Việt Nam mau, cùng nhau cầm lá phiếu mau. Ai đã hy sinh thân mình. Từng bênh vực dân chúng. Đâu quốc dân Việt Nam mau. Bầu lấy người ra chiến đấu. Ai vì dân, nước quên mình. Toàn dân chúng ta bầu.”

Gần chục năm trở lại đây, với người dân Việt Nam, những giai điệu bài hát này đã trở nên quen thuộc hơn, tuy nhiên ít ai biết rằng tuổi đời bài hát đã bước sang con số 75, cùng mốc thời gian sự kiện ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Cuộc vận động tuyên truyền, cổ động cho ngày bầu cử đầu tiên diễn ra khắp cả nước dưới mọi hình thức. Và giai điệu bài hát này đã được vang lên trên khắp phố phường Hà Nội, trong các Đoàn thiếu nhi, mặc dù phần lớn những thiếu niên ngày đó ai biết bài hát từ đâu?

Không một văn bản không nào được chép tay, không một bản thu âm nào được lưu giữ, bài hát sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, tạm lắng xuống theo thời gian. Tuy nhiên, với một cậu bé trong Đoàn thiếu nhi tuyên truyền ngày đó và giờ là ông giáo già Phạm Văn Nùng thì những giai điệu này không thể nào quên ông chia sẻ, năm 1946 ông Phạm Văn Nùng ở Đoàn thiếu nhi Tô Hiệu, lúc đó ở ngõ Lệnh Cư, phố khâm Thiên, được anh chị phụ trách dạy. Bài hát “Ngày Quốc hội” thì không phải là bài hát của thiếu nhi nhưng ông lại rất thuộc và rất thích. Ông Phạm Văn Nùng đánh giá bài hát “Ngày Quốc hội” rất hay, hát có nhịp hùng tráng, hừng hực một khí thế cách mạng yêu nước. Ông Phạm Văn Nùng nhớ lại hôm đó ở Đoàn thiếu nhi, được đến sớm để hát và vỗ tay đón người đi bỏ phiếu, không chỉ hát một lần bài “Ngày Quốc hội” mà hát 2,3 lần trong lễ khai mạc và trong khi các cử tri đang bỏ phiếu…

Trong cuốn hồi ký “Âm thanh cuộc đời” do Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành năm 2003, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã từng viết: “Trước ngày 06/01/1946, tôi đã sáng tác bài hát có tính thời sự “Ngày Quốc hội”, xuất bản và đưa Đoàn Quân nhạc phổ biến.” Không chỉ có tính chất thời sự, bài hát của Đỗ Nhuận còn có một ý nghĩa quan trọng trong việc cổ vũ tinh thần của nhân dân trước sự kiện trọng đại của đất nước. Sau này, khi được phỏng vấn về ca khúc “Ngày Quốc hội”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, con trai của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết: Trước năm 1945 nền tân nhạc Việt Nam bắt đầu có, nhưng khi cách mạng bùng nổ thì đã có một hình thức âm nhạc mới xuất hiện đó chính là thể loại ca khúc hành khúc. Trong trào lưu chung như thế thì bài hát “Ngày Quốc hội” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận có mục đích rõ ràng là một bản hành khúc để cổ động cho đồng bào, giúp cử tri hiểu rõ hơn về Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Và bài hát đã có tác dụng rất rõ ràng. Vì bài hát có tính chất quần chúng, và hướng tới quần chúng cho nên rất dễ hát, cấu trúc rất gọn gàng đúng như bản hành khúc. Chính sự rõ ràng từ nội dung cho đến âm nhạc nên bài hát được phổ biến rất nhanh…

Gần 60 năm qua đi, bài hát được khôi phục trong trí nhớ của người giáo già và tiếp tục là nguồn cảm hứng để các nhạc sĩ thế hệ sau viết về đề tài bầu cử. Đây vốn là đề tài khó, lời bài hát rất dễ sa vào sự lắp ghép của các câu khẩu hiệu. Vậy nhưng các ca khúc như: Mừng ngày hội non sông (Nguyễn Quang Vinh), Lá phiếu niềm tin (Xuân Chung - Quốc Vụ), Chung sức chung lòng (Võ Công Anh), Ngày vui bầu cử (Lê Đăng Khoa), Cùng nhau ta đi bầu (Thành Nhơn)… vẫn dễ dàng đi vào tâm trí người nghe, thắp lên niềm tin yêu và hối thúc trách nhiệm nơi các cử tri. Các khúc có lời ca giản dị, dễ hiểu, điệu nhạc vui tươi, mang hơi thở cuộc sống mới và cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của ngày hội non sông.

Tháng 5/2011, bài hát “Ngày Quốc hội” đã vang lên trước kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XIII và trang trọng xuất hiện trong các ấn phẩm, tư liệu với một niềm tự hào là ca khúc cách mạng đầu tiên viết về ngày bầu cử. Và tiếp nối mạch nguồn đó, giờ đây nhiều ca khúc mới về đề tài này cũng được vang lên rộn ràng trước và trong mỗi kỳ bầu cử, cùng nhau tạo nên không khí sôi nổi cho những ngày hội đầy ý nghĩa, trở thành những dấu ấn riêng trong hoạt động tuyên truyền./.

(quochoi.vn)



Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất