Thứ Bảy, 27/7/2024
Tản mạn chuyện Hổ trong lịch sử và văn hóa Việt Nam


Hình ảnh Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống 

Ở trận Bạch Đằng năm 938, Phạm Bạch Hổ cũng chính là người giúp Ngô Quyền cả phá thủy đội Nam Hán, giết tướng giặc Lưu Hoằng Tháo tại trận. Trở thành võ tướng triều đình nhà Ngô ở Cổ Loa, năm 951, ông được phong làm “Phòng Át”, trấn giữ miền duyên hải phía Đông, mang thêm tên là Phạm Phòng Át từ đó. Khi Ngô Quyền mất, hào trưởng các vùng nổi lên cát cứ, thành cục diện “Thập nhị sứ quân”, Phạm Phòng Át - Bạch Hổ cũng là một sứ quân rất mạnh ở Đằng Châu. Nhưng khi Đinh Bộ Lĩnh ra tay dẹp loạn Thập nhị sứ quân, Phạm Bạch Hổ đã sớm quy phục và lại giúp họ Đinh tái thống nhất đất nước, được phong làm Thân vệ Tướng quân ở triều đình Hoa Lư. Ông sống rất thọ, đến lúc giặc nhà Tống sang xâm lược, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua nhà Tiền Lê, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống oanh liệt, Phạm Bạch Hổ vẫn còn đứng ra, lo việc quân lương, giúp vua Lê đánh tan quân xâm lược vào năm 981, được nhà vua phong làm “Bình Tống Đô”. Ông mất vào năm 983, trở thành Phúc thần vùng Đằng Châu, được khói hương thờ phụng ở ngôi “Đền Mây” nổi tiếng khắp miền.

Sau Phạm Bạch Hổ ở thế kỷ 10, đến thế kỷ 15, làng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc (nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) còn có một người nữa, họ Bùi, mang tên Hổ là: Bùi Cầm Hổ - người hàng phục (bắt) được hổ dữ! Có tên này là vì, vẫn theo truyền ngôn, vào năm 1390, đúng lúc họ Bùi được sinh ra, bỗng có những tiếng hổ gầm dữ dội ở ngay trong nhà! Người bắt hổ họ Bùi từ đấy có cá tính trung thực, thẳng thắn, mạnh mẽ như hổ, làm quan Ngự sử và nhiều chức quan khác, phục vụ đắc lực ba triều vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông nhà Lê Sơ, và cũng sống rất thọ với nhiều công huân cho đến năm 1483.


Biểu diễn Hổ quyền trong võ thuật cổ truyền Việt Nam

Sang thế kỷ 16, Lê Như Hổ (1511-1581) quê làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ (nay là xã Hồng Nam thuộc thành phố Hưng Yên), là người - vẫn theo truyền ngôn - “Ăn khỏe như hổ”, với thành tích ăn hết gần 4 con lợn béo, 4 chõ xôi đầy, trong một bữa tiệc mừng bạn đồng khoa đỗ đạt, nên còn có danh hiệu là “Trạng Ăn”! Thực ra, đây là một quan chức triều nhà Mạc, nhiều công huân - đặc biệt là khi được cử đi sứ sang triều Minh, với tài đối đáp ngoại giao rất giỏi - nên đã được phong tới chức Thượng thư, hàm Thiếu Bảo, tước Tuấn Quận công!

Ở các thế kỷ 18, 19, 20, đất nước còn có nhiều người mang tên Hổ nữa, như: Phạm Đình Hổ (1762-1839) quê làng Đan Loan (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay), là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng: “Vũ trung tùy bút”, “Tang thương ngẫu lục”… từng giữ chức Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám; Nguyễn Huy Hổ (1793-1841) thuộc “Dòng văn Nguyễn Huy” lừng danh ở Trường Lưu (nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là tác giả của tập truyện thơ “Mai đình mộng ký” nổi tiếng; Tăng Bạt Hổ (1859 - 1907), người làng An Thường, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - rất tích cực và đầy công lao trong các phong trào yêu nước “Cần Vương”, “Duy Tân”, “Đông Du”… Đây đều là những nhân vật lịch sử có tấm lòng quả cảm, tinh thần mạnh mẽ, đúng với/ giống như/ tên Hổ của mình.

Hổ trong thế giới ngôn ngữ tiếng Việt

Hổ là con vật được “cầm tinh” của năm Dần. Đấy đều là những từ và chữ gốc Hán - Việt. Còn, trong ngôn ngữ thuần Việt, Hổ có rất nhiều tên để gọi, chẳng hạn như: Cọp, Beo, Hùm, Khái, ông Kễnh, ông Ba Mươi… Chỉ có thể phỏng đoán được ngữ nghĩa của một vài từ mệnh danh Hổ như thế. Ví dụ như Cọp, có thể là biến âm của Cạp (cắp, ngoạm) là những từ chỉ/ hoặc liên quan đến/ khả năng và động tác mạnh mẽ của hổ, khi đánh hoặc tha mồi. Hay như Hùm, có thể là từ chỉ tiếng Hầm, gầm, dữ dội, oai phong của Hổ. Kễnh, có thể gốc gác là từ Kềnh (càng) chỉ hình thù to lớn, đáng sợ, uy nghi của Hổ, hoặc là từ dáng đi khập khiễng của con Hổ ba chân (Hổ thọt) ở rừng U Minh của miền Nam xưa.

Thú vị hơn cả là những cách giải thích ngữ nghĩa “Ông Ba Mươi” của Hổ. Trong một số sách vở, thấy nói: Hổ được đồng nhất với thần Xương Cuồng, rất dữ tợn, thích ăn thịt người, nên thường hiện hình vào tối Ba Mươi Tết để tác hại. Vì thế, ở bữa cỗ cúng Hổ thành tinh (tức Xương Cuồng) vào tối Ba Mươi Tết luôn phải có một tảng thịt lợn sống. Và Hổ, vì thế cũng được gọi là “Ông Ba Mươi”!


Tác phẩm “Vũ Trung Tùy Bút”  của tác giả Phạm Đình Hổ

Trong kho tàng ca dao - tục ngữ của tiếng nói và trí tuệ dân gian Việt Nam, Hổ có một vị trí đáng kể. Đã thống kê được đến hơn 1.000 câu nói về/ hoặc liên quan đến/ Hổ. Nhiều câu nói vần vè dành cho việc chỉ điểm những nơi nguy hiểm vì lắm cọp như: “Cọp Đồng Giao, ma Quán Cháo” (ở Ninh Bình), “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” (ở Nam Trung Bộ), “U Minh Rạch giá, thị quá sơn trường/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” (ở Nam Bộ)… Nhiều câu khác, mượn chuyện Hổ mà nói về Người, như cảnh báo những người quá ư dè sẻn: “Ký cóp cho cọp nó xơi!”, khuyên răn những người làm cha mẹ hay bạo hành con cái: “Hổ dữ không ăn thịt con!”, nhắc nhở sự thận trọng việc tiếng tăm: “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, khích lệ tinh thần dũng cảm: “Tay không vào hang bắt cọp”, can ngăn những người liều lĩnh: “Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp”, hoặc chê bai những người đã nhút nhát lại hay phách lối: “Miệng hùm, gan sứa”… Đặc biệt có nhiều câu ca ngợi sự mạnh mẽ, uy nghi của những người có ngoại hình giống Hổ: “Long hành Hổ bộ” (chỉ dáng đi), “Mình hổ tay vượn” (chỉ thân hình)… Chính là từ đây mà có những câu thơ, lời văn nói về quân đội và quân sự, bằng và từ hình tượng Hổ, như của Phạm Ngũ Lão: “Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu” (Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu), của Ông Ích Khiêm: “Truông chưa qua khỏi, đừng khinh khái”, của Nguyễn Du: “Tướng hùm mở tiệc trung quân”, của Đào Duy Từ (khi đặt tên cho cuốn binh thư nổi tiếng của mình là) “Hổ trướng khu cơ”…

Hổ trong mỹ thuật và võ thuật

Tác phẩm mỹ thuật về Hổ lâu đời nhất, có lẽ là những nét khắc vạch trên một phiến đá mềm, tìm được trong tầng văn hóa khảo cổ, niên đại gần 20 nghìn năm, ở hang Xóm Trại (tỉnh Hòa Bình). Đến thời đại văn hóa Đông Sơn, hơn 2 nghìn năm trước thì trên các trống đồng, thạp đồng, cán dao găm đồng, phiến trổ bằng đồng… tìm được ở Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Ninh… những hình tượng hổ đi săn, cắp mồi…, trang trí ở giữa đàn hươu nai, chim chóc…, đã rất phổ biến, tinh tế và sinh động. Các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, là lúc hình tượng Hổ được khắc tạc họa trên gỗ, đá, đồng, gốm sứ… hết sức phong phú. Các tượng Hổ bằng đá ở lăng Thái sư Trần Thủ Độ (Thái Bình), ở lăng các vua nhà Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa), ở bệ đá chùa Quế Dương (Hà Tây cũ)… phù điêu gỗ tạc hình Hổ bị người săn đâm ở đình Chảy (Hà Nam), hình Hổ đang phóng chạy trên bức chạm gỗ ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), Hổ theo Đinh Bộ Lĩnh đi táng mả vào hàm rồng trên bộ khung mái gỗ ở đình Chu Quyến, Hổ cùng các trai làng vui đùa với các cô gái đang tắm trên tấm xà gỗ ở đình Đông Viên (đều thuộc Hà Tây cũ), Hổ cõng người trên lưng ở trần đình Tiên Kỳ (Nghệ An), Hổ vươn tay nắm khóm tre, vẽ trên gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương), Hổ ở giữa mặt trời, biển Đông, rồng, chim và hoa, tạc đúc trên đỉnh Cao, trong dàn Cửu Đỉnh bằng đồng (ở Huế)… đều là những kiệt tác mỹ thuật. Đến những bức tranh giấy của dòng tranh Hàng Trống, vẽ hình Ngũ Hổ, với 5 màu: vàng, xanh, trắng, đỏ, đen, tượng trưng cho sự thống trị 5 phương: trung tâm, đông, tây, nam, bắc của Hổ thì giá trị mỹ học và cả triết học nữa, đều đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển văn hóa dân tộc.


Hình ảnh Hổ trong tranh dân gian Đông Hồ

Cùng với những hình ảnh và hình tượng mỹ thuật ấy, Hổ còn là gợi nguồn cho nhiều giá trị võ thuật cổ truyền. “Bạch hổ võ phái”, tương truyền là do tướng Nguyễn Hữu Cảnh của các chúa Nguyễn sáng lập hồi thế kỷ 18, có tuyệt chiêu là những đòn tay, mô phỏng những nhát đánh tạt khủng khiếp bằng chân trước của Hổ, gọi là “Hổ trảo”. Bài “Hùng kê quyền” nổi tiếng cũng được giới thiệu và truyền đạt qua câu nói: “Trấn ải kim thương như bạch hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long” (Trấn ải, thương vàng như hổ trắng/ Giữ quan, kiếm bạc tựa rồng xanh).

Những thế đánh lợi hại trong các bài quyền truyền thống, phần lớn mang tên Hổ: Mãnh hổ xuất sơn, Bạch hổ khởi động, Hắc hổ hạ sơn, Hiện long tàng hổ”… “Hổ quyền” lợi hại vô cùng, có các miếng võ: Đại phục hổ quyền, Tiểu phục hổ quyền… và Mãnh hổ hồi đầu, Ngạ hổ khiêu dương, Lão hổ tiến đầu, Mãnh hổ thôi sơn…

Nhiều võ phái danh tiếng ngày xưa cũng lấy các thế đánh của Hổ, làm thành những tuyệt chiêu cho môn phái võ nghệ của mình, như: “Tam bộ hổ” (Quyền hổ ba chân) mô phỏng động tác săn mồi của con hổ (chỉ còn có) ba chân huyền thoại, để luyện tấn pháp và phép di chuyển bước chân, là tuyệt kỹ công phu của đất võ Bình Định, sáng tạo từ vùng Núi Bà, huyện Phù Cát, từ 200 năm trước; “Phục hổ công”, “Mãnh hổ quyền” là độc chiêu của Thăng Long võ đạo; “Mãnh hổ xuất sơn”, “Hắc hổ xuyên tâm”… là sản phẩm của võ phái Nam Hồng Sơn; “Hổ quyền” và “Long quyền” là 2 trong số 4 bộ võ chính (gồm Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền, Xà quyền), chuyên về tấn công của Tây Sơn võ phái Bình Định…

Một tinh thần thượng võ cao quý, xuyên suốt lịch sử và lịch sử quân sự Việt Nam, cũng có cả nguồn gốc lẫn biểu hiện ở phong tục “Đấu hổ”. Từ thời nhà Trần, Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở cuối thế kỷ 13, đã là người thường xuyên tổ chức những trận “Đấu hổ” - cho binh sĩ đánh nhau với hổ để luyện quân, ngay ở sân Long Trì (Thềm Rồng) giữa Hoàng thành Thăng Long và chăm chỉ dự khán, bất chấp hiểm nguy - như khi, có lần - hổ gầm rống mà chồm lên cả thềm điện Thiên An, chỗ vua ngồi!

Đến thời Nguyễn, thế kỷ 19 là lúc các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cho xây dựng “Hổ quyền” ở gần ngay Kinh thành Huế, để tổ chức những trận voi đánh nhau với hổ kinh hoàng, kéo dài đến tận năm 1904, đời vua Thành Thái…/.

Nhà sử học Lê Văn Lan

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất