Thứ Tư, 1/5/2024
Cảm nhận văn hóa - chuyển động mạnh, thách thức lớn

 Tiết mục nghệ thuật trong chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn đêm huyền bí”
tại đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước một thực tiễn như vậy, trong khả năng và điều kiện của mình, bài viết này chỉ xin dừng lại một vài cảm nhận mà không thể đi tới một đánh giá hay một tổng kết. Cảm nhận của người yêu văn hóa, “đắm đuối” với văn hóa nhiều năm và có ít nhiều những trải nghiệm văn hóa năm 2023.

Tưởng như là công thức, nhưng đó là sự thật của năm 2023, cần phải nhấn mạnh rằng, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã có sự biến đổi, phát triển rõ rệt.

Tư tưởng “vừa lòng” ít nhiều đã bị “đóng băng” trong những năm qua cho rằng sau những nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội… thì sự quan tâm đến văn hóa là đủ, tư tưởng đó đã bắt đầu tan băng! Một cao trào đòi nhận thức lại vai trò của văn hóa lan rộng trong cả nước, từ Trung ương đến các ngành, các địa phương.

Thực tiễn đòi hỏi như vậy. Hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm, thảo luận, tranh luận được tổ chức (tôi có vài chục cuốn kỷ yếu hội thảo về văn hóa như vậy).

Từ vi mô đến vĩ mô đều phát hiện ra còn rất nhiều tiềm năng văn hóa đang “ngủ yên”, còn không ít khoảng trống chưa có sự có mặt của văn hóa, lý thuyết sách vở nhiều, song chỉ đạo, tổ chức thực tiễn còn nhiều hạn chế, bất cập. Quyết tâm mới, nhận thức mới được khẳng định, phải chăng đó là cội nguồn tạo nên bước chuyển động mạnh của văn hóa 2023.

Chuyển động mạnh

Hầu như lĩnh vực nào của văn hóa cũng khởi sắc. Các địa phương, các ngành… đều nỗ lực tìm ra cái đặc sắc văn hóa của riêng mình để phát huy, để khẳng định. Đặc điểm nổi bật của năm 2023 là sự tham gia tự nguyện, chủ động, sáng tạo của đại đa số quần chúng nhân dân trong các hoạt động văn hóa.

Những hoạt động văn hóa mang tầm vóc toàn quốc được tổ chức với sự “vào cuộc” của người dân tạo nên sự lan tỏa rộng rãi, sâu sắc như Hội diễn nghệ thuật quần chúng về Ca khúc cách mạng toàn quốc, Hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc “Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống, con người Việt Nam”, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền trung lần thứ IV tại Bình Định, Ngày hội sách và văn hóa đọc toàn quốc…

Ở đây, người dân vừa là người tiếp nhận, thụ hưởng, vừa là người sáng tạo văn hóa. Duy trì và phát triển bền vững các hoạt động, các phong trào này là một đòi hỏi cao của công tác quản lý văn hóa những năm sắp tới.

Năm 2023 cũng là năm “đánh thức” các di sản, di tích lịch sử - văn hóa rất có hiệu quả để các giá trị văn hóa đó “sống” trong hiện tại, vừa làm phong phú đời sống tinh thần, tình cảm, niềm tự hào của người dân vừa trở thành nguồn tài nguyên cực kỳ phong phú, độc đáo của du lịch Việt Nam. Nhiều di tích được xếp hạng các cấp: quốc gia đặc biệt, quốc gia…

Đến nay cả nước có 534 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với việc “đánh thức” đó, vẻ đẹp đa dạng của truyền thống văn hóa dân tộc ở từng vùng, miền trở nên ngời sáng, hấp dẫn, kể cả các vùng quê xa xôi, hẻo lánh, còn nhiều khó khăn.

Cùng với các vùng miền đã nổi tiếng lâu nay như: Hạ Long, Hội An, Phong Nha-Kẻ Bàng… người ta có cảm giác ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ thú của Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Bình Thuận, Tiền Giang, Phú Quốc… Chưa bao giờ văn hóa lại trở thành một nguồn lực dồi dào, tưởng như không vơi cạn cho phát triển du lịch như năm 2023.

Năm 2023, hầu hết các lĩnh vực văn hóa đều nỗ lực tự vượt mình để góp phần xứng đáng vào sự chuyển động, phát triển chung. Do thói quen, ý thích và công việc, năm 2023, tôi đã đọc khoảng 90 tác phẩm văn hóa, văn học, nghiên cứu nghệ thuật và xem nhiều chương trình nghệ thuật…

Số lượng đó còn quá ít so với tổng số sách, chương trình nghệ thuật, lễ hội văn hóa… đã có trong năm 2023, song cảm nhận của tôi là, văn học, nghệ thuật đang nỗ lực bám sát đời sống, phát hiện, khám phá đa chiều cuộc sống và số phận con người, tìm tòi cách thể hiện mới, kể cả những “thể nghiệm” mới để vươn lên hiện đại, bước đầu tạo được một số tác phẩm, công trình có sự thống nhất hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Đặc điểm đó cũng thể hiện rõ trong các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, nhiếp ảnh, ngay cả đối với điện ảnh đang căng mình vượt qua những khó khăn nghiệt ngã. Ngành công nghiệp văn hóa đã bước đầu khởi động, tuy nhiều nơi chưa làm rõ nội hàm của ngành công nghiệp sáng tạo này ở nước ta.

Như là sự nối tiếp một truyền thống của văn hóa-văn nghệ thời chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, văn hóa-văn nghệ năm 2023 đã bám sát các sự kiện chính trị-lịch sử lớn của đất nước, tổ chức sáng tạo, xây dựng và sản xuất nhiều tác phẩm, chương trình văn hóa-văn nghệ lớn góp phần tạo niềm tin, lòng tự hào, niềm vui cho nhân dân cả nước.

Nhiều chương trình cấp nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, do các ngành, các bộ, trong đó, đặc biệt quân đội, công an và các địa phương tổ chức đã đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân trong các dịp kỷ niệm lớn, như các chương trình, nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, 78 năm Ngày Quốc khánh và các triển lãm, các cuộc thi, các lễ hội… được tổ chức trong cả nước.

Vượt lên những công thức ít nhiều mòn cũ và tính minh họa như một số chương trình những năm trước, một số chương trình nghệ thuật năm 2023 đã có dấu hiệu tìm tòi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghệ thuật của các chương trình kỷ niệm này.

Một vài thí dụ cụ thể như Điện Biên tổ chức Lễ hội Hoa Ban, Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh kỷ niệm 605 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, Lào Cai tổ chức Lễ hội kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Lào Cai và 120 năm du lịch Sa Pa, quân đội tổ chức hòa nhạc “Bài ca không quên” nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội “Non sông thống nhất”...

Thành tựu chưa nhiều, song nhu cầu đổi mới sáng tạo đối với các chương trình này là một thách thức lớn để nghệ thuật phải thực sự là nghệ thuật, dù nó đang và cần bám sát và đồng hành cùng dân tộc và đất nước.

Thách thức lớn

Năm 2023, văn hóa đang trên chặng đường phát triển đáng mừng, song, đối với lĩnh vực có nhiều đặc thù này, giữ cho nó phát triển vững chắc là một thách thức thường trực. Nhiệm vụ văn hóa không chỉ thuộc ngành văn hóa mà thâm nhập, bao trùm tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp và toàn xã hội và luôn nảy sinh những vấn đề mới. 

Theo tin từ báo chí, truyền thông, trong một thống kê về văn hóa năm 2023, cùng với những kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa, có đến 48 nhiệm vụ không hoàn thành và bỏ, không thực hiện, tổng hợp ý kiến từ các địa phương, có đến 74 kiến nghị với Chính phủ và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tiếp tục giải quyết.

Có thể có những sai số nào đó hoặc chất lượng các kiến nghị, đề xuất, song chắc chắn rằng, đó là tiếng nói từ thực tiễn, đòi hỏi của thực tiễn văn hóa. Đó là thách thức cần vượt qua những năm tiếp theo.

Dư luận xã hội có lý khi đặt câu hỏi: năm 2023, văn hóa phát triển, khởi sắc nhưng tác dụng, hiệu quả của nó đối với việc xây dựng con người ra sao và liệu có khả năng, sức mạnh ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực, thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lừa đảo, tội ác vốn có nguy cơ lan tràn trong xã hội.

Tất nhiên, không thể “quy” tất cả cho văn hóa. Song, nếu chỉ thống kê đầu việc hoạt động văn hóa và liệt kê các văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn... mà không đánh giá tác động, tác dụng thực tế của nó trong đời sống xã hội thì xét cho cùng, chưa phải là văn hóa với ý nghĩa là sức mạnh mềm góp phần trực tiếp làm cho cuộc sống và con người trở nên tốt đẹp hơn.

Phải chăng, tính giải trí đơn thuần, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng đang có dấu hiệu đáng lo ngại trong một số hoạt động văn hóa-văn nghệ? Phải chăng, đang có sự né tránh, lảng tránh những vấn đề lớn của đất nước, chạy vào cái “tôi nội cảm” tưởng là mới, nhưng đang có dấu hiệu mòn cũ, rất dễ rơi vào “công thức” mới?

Khi xác định nhiệm vụ “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ ra nội dung đầu tiên là tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hai năm qua, từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành, các cơ quan khoa học đang nỗ lực nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị.

Vấn đề lớn được “bung” ra sôi nổi, hào hứng, tâm huyết, song đến nay, hầu như chưa có một hướng “gói” lại để chuẩn hóa, pháp lý hóa các kết quả nghiên cứu, từ đó đưa vào thực tiễn.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ quá độ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định, đặc điểm nổi bật của nó là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì vậy, nếu không định hướng và khẳng định nội hàm của các hệ giá trị trên thì rất có thể rơi vào tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn, “chuyển động brao nơ” trong đời sống xã hội.

Văn kiện Đại hội chỉ ra ba khâu không tách rời nhau, từ kết quả nghiên cứu đến xác định nội hàm của các hệ giá trị trên và tổ chức triển khai trong thực tiễn. Đến nay, gần nửa nhiệm kỳ đã qua, cả ba khâu đó chưa đạt được vì khâu đầu tiên chưa đi tới kết quả được đồng thuận.

Thách thức lớn đó không chỉ đối với văn hóa mà liên quan đến sự phát triển và ổn định của toàn xã hội, đặc biệt đối với con người Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Văn hóa vốn là một lĩnh vực rộng lớn và bao trùm toàn xã hội. Xử lý quan hệ vừa phát triển toàn diện vừa biết tập trung cho trọng tâm, trọng điểm là một thách thức lớn trong lãnh đạo, quản lý, phát triển văn hóa.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Phải chăng, thành tựu, kết quả công tác văn hóa năm 2023 có tính toàn diện, chiều rộng, song còn thiếu chiều sâu dẫn tới tác dụng hạn chế đối với một số vấn đề lớn trong nhiệm vụ của văn hóa.

Thử lấy một số nhiệm vụ được chỉ ra trong văn kiện mà năm 2023 công tác văn hóa chưa thực hiện có hiệu quả, thậm chí còn “khoảng trống”.

Thí dụ, “thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”.

Thí dụ, “Rà soát toàn bộ hệ thống” các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Thí dụ, “có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh...” .

Những thách thức như vậy đặt ra cho công tác văn hóa những năm tiếp theo những yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định văn hóa là một nội dung quan trọng trong ba đột phá chiến lược tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Văn hóa năm 2022 đã vượt qua những thử thách khốc liệt do đại dịch Covid-19 gây ra và đã trụ vững. Văn hóa năm 2023 là sự khởi động đầu tự tin và hiệu quả để trở thành sức mạnh bước đầu có ý nghĩa đột phá vì sự phát triển của đất nước.

Thực tiễn đó cho chúng ta niềm tin vào sự phát triển mới của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước từ nay đến năm 2030 và 2045./.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng

(nhandan.vn)

Gửi cho bạn bè