Thứ Tư, 4/12/2024
Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn

 Một giờ học ở lớp xóa mù chữ tại điểm trường Sáo Sào,
xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn)

Tạo thế sâu rễ, bền gốc từ cơ sở

Xã Như Cố, huyện Chợ Mới có địa hình chủ yếu là đồi núi cao và trung bình. Thanh niên của xã cũng như nhiều địa phương trong huyện chọn hướng thoát ly đi làm thuê. Mới đây, từ sự vận động, tạo điều kiện của cấp ủy và chính quyền, nhiều thanh niên ở xã Như Cố, huyện Chợ Mới đã chọn cách khởi nghiệp thông qua khai thác tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế tại chính quê hương. Đó là câu chuyện của 25 bạn trẻ người dân tộc Tày chung sức thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn Như Cố.

Với nhiều mô hình sản xuất đa dạng phong phú, Hợp tác xã hiện nay đã có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao: Trà mướp đắng rừng, chè Như Cố, bún khô, mật ong. Được biết, những năm gần đây, sự phát triển hàng trăm mô hình của nông dân đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, ý chí vượt khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương của đồng bào. Những mô hình nêu trên khẳng định hiệu quả công tác dân vận hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề từ cơ sở ở Bắc Kạn.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao đổi, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác dân vận phải bám sát các nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp bám sát tình hình cơ sở, triển khai các nhiệm vụ. Tỉnh đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác dân vận của các cấp, ngành trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở .

Tỉnh chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai công tác dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở chủ động theo dõi, nắm tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo, việc thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn. Theo đó, các địa phương hướng mạnh công tác dân vận vào tham mưu xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp trên địa bàn, tăng cường phát huy dân chủ, đồng thuận trong nhân dân và mối đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.

Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Tỉnh ủy đã tổ chức kiểm tra, nắm tình hình triển khai công tác dân vận, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quy chế dân chủ, phong trào “Dân vận khéo” tại các huyện Pác Nặm, Chợ Đồn và Chợ Mới.

Qua đó kịp thời cập nhật tình hình tại địa phương, xây dựng giải pháp khắc phục hạn chế khó khăn, “điểm nghẽn” trong triển khai các mục tiêu phát triển. Các ngành, địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội tại địa phương, những nhiệm vụ trọng tâm trong năm như xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Thực tế ghi nhận, các cấp ủy, chính quyền tỉnh triển khai nhiều giải pháp, bám sát cơ sở, nắm tình hình tâm tư nguyện vọng, đời sống của nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ, được gắn với trách nhiệm của từng cán bộ dân vận.

Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo duy trì nền nếp chế độ tiếp xúc đối thoại với nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ. Riêng năm 2023, theo thống kê, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp 1.206 lượt/1.280 người, tiếp nhận 2.678 đơn (73 đơn khiếu nại, 121 đơn tố cáo và 2.484 đơn kiến nghị); đã đề nghị, phản ánh theo thẩm quyền, tập trung giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra, nhân dân quan tâm. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, dư luận trong người dân và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tỉnh cũng chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để hoạt động trái pháp luật trên địa bàn các huyện Pác Nặm, Chợ Đồn. Ban Dân vận các cấp, khối Dân vận các xã, phường, thị trấn tăng cường tổ chức triển khai các hoạt động về cơ sở, tham mưu giải quyết các vấn đề từ cơ sở. Quá trình này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.

Mô hình đột phá vào các nhiệm vụ trọng tâm

Khảo sát tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, công tác dân vận được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, có nhiều đổi mới, nhất là thông qua việc triển khai các mô hình “Dân vận khéo”. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và phong trào “Dân vận khéo”, hiện nay toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 2.000 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 1.350 mô hình đăng ký mới, 650 mô hình duy trì.

Thành phố Bắc Kạn hiện có 278 mô hình dân vận khéo được 35 chi bộ, đảng bộ trực thuộc triển khai; trong đó duy trì 116 mô hình, đăng ký mới 162 mô hình, tăng 87 mô hình so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, sự đổi mới trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị, địa phương. Theo đó, công tác dân vận đã hướng mạnh vào các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản là: Dân vận khéo trong xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đoàn viên, hội viên; thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cố kết cộng đồng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ… Tại huyện Chợ Đồn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ma Văn Trị cho biết, các mô hình ở huyện, xã đều có nội dung cụ thể bám sát nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, địa phương, có sức lan tỏa, phát huy hiệu quả trong cộng đồng.

Thực tế ghi nhận công tác dân vận ở tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Trong cải cách hành chính, công tác dân vận chính quyền phát huy hiệu quả.

Theo đó, tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Một trong những nội dung được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung là tiến hành công bố các thủ tục hành chính mới ban hành; sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ thủ tục cũ theo quy định.

Tỉnh đã phê duyệt triển khai mới 8 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai kết nối hệ thống “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng được các đơn vị quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng tạo môi trường làm việc hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong giải quyết công việc và thủ tục hành chính.

Quá trình trên đã góp phần để tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương nhấn mạnh. Nổi bật là, năm 2023, kết quả giải ngân nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 23.308 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 28.126 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất 378,61 ha. Thực hiện đầu tư, xây dựng 334 công trình hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh… Góp phần quan trọng vào kết quả chung về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Tựu trung, công tác dân vận gắn liền phong trào, các mô hình “Dân vận khéo” đã có hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, vẫn còn những ngành, địa phương của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, quán triệt triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, mục tiêu của tỉnh có lúc chưa đồng bộ, chưa có nhiều đổi mới, nhất là trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án, công trình trọng điểm và thực hiện giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đang triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Khối Dân vận cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nắm sát và chắc tình hình nhân dân để kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Từ việc bám sát thực tiễn và kịp thời tổng kết thực tiễn, tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục đúc rút những kinh nghiệm hay để triển khai hiệu quả các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo trong công tác dân vận nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của mục tiêu phát triển./.

(nhandan.vn)


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất