Thứ Tư, 9/10/2024
Làm để dân tin
 

Phong trào "dân vận khéo" đã giúp xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) tạo được sự đồng thuận,
 đi đầu trong hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn. 

Qua giới thiệu của Ban Dân vận Thị ủy Phổ Yên, chúng tôi tìm gặp chị Đinh Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xóm Soi Trại, xã Đông Cao - một điển hình dân vận khéo của địa phương. Thời điểm cuối năm nên HTX đang tất bận chuẩn bị vụ rau cho dịp Tết Nguyên đán. Thành lập năm 2017, từ quy mô 9 thành viên với 2ha đất canh tác ban đầu, đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đã phát triển lên 30 hộ, diện tích 10ha; bên cạnh trồng rau an toàn còn thêm mảng chăn nuôi, cung cấp nông sản ổn định cho một doanh nghiệp ở Hà Nội và nhiều bếp ăn tập thể trên địa bàn. Kết quả này có dấu ấn rất lớn của cá nhân nữ giám đốc.

Chị Thu chia sẻ: Đông Cao vốn là vùng trồng rau có tiếng ở Phổ Yên, tuy nhiên trước đây bà con chủ yếu sản xuất riêng lẻ, không có sự liên kết nên khó khăn trong tiêu thụ và hiệu quả kinh tế thấp. Mô hình HTX là lời giải cho bài toán này. Để cụ thể hóa ý tưởng, chị Thu đứng ra vận động mọi người tham gia, lo các thủ tục cần thiết để thành lập HTX và tiên phong áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời tìm kiếm, liên hệ địa chỉ thu mua sản phẩm.

Ông Vũ Văn Mạnh, thành viên HTX nói: Ban đầu, mọi người tham gia đơn giản vì tin chị Thu, được hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật. Càng về sau càng thấy quyết định đó là đúng đắn vì sản lượng và giá bán rau cao hơn, lại không lo tiêu thụ khi đến kỳ thu hoạch. Đời sống các thành viên được cải thiện thấy rõ”.

Nhiều năm là Ủy viên Ủy ban MTTQ T.X Phổ Yên, chị Dương Thị Hải cũng được biết đến là người giỏi vận động, khéo tuyên truyền. “Dân vận khéo với mình đơn giản là sự chân thành và nêu gương” - chị Hải chia sẻ. Năm 2005, chị Hải bắt đầu tư xây dựng trang trại với quy mô 200-300 lợn thịt/lứa, đồng thời mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi. Kinh tế gia đình dần khấm khá, chị có điều kiện giúp đỡ các hộ dân trên địa bàn thông qua hình thức đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi trả chậm; cho vay không lấy lãi hay tư vấn mô hình sản xuất phù hợp. Từ những người tiên phong như chị Hải, xã Nam Tiến trở thành một trong những địa phương dẫn đầu ở T.X Phổ Yên về phát triển chăn nuôi tập trung với hơn 30 trang trại, gia trại nuôi lợn, gà. Đặc biệt, trong năm 2020, khi dịch COVID-19 trên người và dịch lợn tai xanh gây nhiều khó khăn trong chăn nuôi, chị Hải đã tích cực chia sẻ, tư vấn giúp nhiều trang trại giảm thiểu thiệt hại. Bản thân chị cũng cải tạo lại chuồng trại sang hình thức khép kín, điều chỉnh quy mô cho phù hợp.

Quan điểm “nói đi đôi với làm” cũng là kinh nghiệm của ông Hoàng Văn Dũng sau gần 10 năm làm Trưởng xóm Tân Lập, xã Đắc Sơn. Trong khoảng thời gian đó, diện mạo nông thôn của Tân Lập có những thay đổi đột phá. Cơ bản các đường giao thông và kênh mương được kiên cố, nhà văn hóa khang trang, đèn điện thắp sáng các tuyến đường vào buổi tối. Xóm chỉ còn 5 hộ nghèo và cận nghèo, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao. Gia đình ông Dũng không chỉ là điển hình phát triển kinh tế mà còn hiến hàng trăm mét vuông đất và tài sản trên đất để làm đường. Bản thân ông cũng luôn tận tụy, làm hết trách nhiệm với công việc được bà con giao phó.

Chia sẻ với chúng tôi khi đang tham gia giám sát thi công tuyến đường của xóm, ông Dũng nói: “Muốn công việc thuận lợi, có được sự ủng hộ, tin tưởng của tập thể thì bản thân người cán bộ phải có được đồng thời hai yếu tố. Thứ nhất là phải kết nối với nhân dân bằng sự gần gũi, chân thành, gương mẫu trong cách ứng xử. Thứ hai là phải có tác phong làm việc nghiêm túc và trách nhiệm. Bà con đã tin tưởng thì mình không thể xuề xòa được”.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều điển hình dân vận khéo trên địa bàn T.X Phổ Yên. Bằng sự gương mẫu, đi đầu trong lao động sản xuất và thực hiện các phong trào thi đua, họ trở thành hạt nhân cho sự đoàn kết ở cơ sở, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

(baothainguyen.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi