Thứ Hai, 16/9/2024
"Dân vận khéo" của lính biên phòng ở bản xa
 

Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý hướng dẫn các em học sinh tìm tài liệu học tập trên mạng.


Kết nối công nghệ thông tin về bản

Ghé thăm xã biên giới Bắc Lý (Kỳ Sơn) một ngày tháng Bảy nắng gay gắt, cái nóng như nung khiến ai nấy mặt đỏ tía tai dù gió rừng vẫn thổi vi vu.

Dọc đường đi, dăm ba tốp trẻ con đủ các lứa tuổi ngồi chơi ven đường, mặt mũi đầu tóc lấm lem. Những em nhỏ tuổi mẫu giáo vẫn chân đất, đầu trần chống chọi với cái nắng của mùa Hè.

Những đứa trẻ lớn hơn nếu không theo cha mẹ lên nương thì cũng tụ tập ngồi chơi trước cửa nhà, hầu như không biết đi đâu, làm gì trong những ngày hè khi trường lớp đã đóng cửa nghỉ ngơi.

Đi qua bản Huồi Cáng, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy kế bên ngôi nhà thiện nguyện “Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia” do Đồn Biên phòng Mỹ Lý xây dựng là một gian phòng nhỏ với tấm biển màu xanh nền vàng đề dòng chữ “kết nối công nghệ thông tin tới thôn bản”.

Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Trung tá Nguyễn Sỹ Đức cho hay: “Đó là mô hình mới mà Đồn mới triển khai, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, sử dụng internet của các em học sinh, cán bộ thôn, bản.

Với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, phòng được trang bị 10 máy vi tính kết nối wifi mở cửa vào thứ Bảy, Chủ nhật để người dân, nhất là các cháu học sinh đang nghỉ hè vào tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, học tập hoặc đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản có thể đến nhờ hướng dẫn soạn thảo văn bản… Ngoài ra, đồn đã xây dựng kế hoạch mở lớp dạy Tin học ứng dụng đơn giản cho các cháu học sinh có nhu cầu, đội ngũ trưởng bản, bí thư chi bộ, Đoàn Thanh niên, cán bộ bán chuyên trách…”.

Nói rồi, đích thân Đồn trưởng Nguyễn Sỹ Đức nhanh nhẹn dẫn chúng tôi tới tham quan phòng Kết nối công nghệ thông tin, ở đó có 4 - 5 em học sinh đang say sưa tra cứu tài liệu dưới sự hướng dẫn của những người lính quân hàm xanh.

Em Lin Thị Thâm, dân tộc Khơ mú, nhà ở bản Huồi Cáng 1, học sinh lớp 11, Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 đóng ở xã Nghi Ân, TP Vinh về nghỉ hè cho hay: “Các chú bộ đội mở phòng “Kết nối công nghệ thông tin ở bản xa” rất thiết thực, bởi ở nhà em chưa có máy vi tính. Cuối tuần bọn em có thể đến tìm kiếm thông tin liên quan phục vụ ôn tập trong hè vì sóng wifi ở đây rất khoẻ, vì thế mùa hè cũng bớt nhàm chán”.

Còn em Cụt Tiến Hưng (SN 2006), học sinh Trường THPT Kỳ Sơn vui vẻ cho biết: “Từ khi có phòng máy, em thường đến vừa tra cứu, cập nhật những kiến thức mình quan tâm, vừa có thể nhờ các chú hướng dẫn thêm về kỹ năng thực hành soạn thảo văn bản vì em chưa thành thạo lắm… ”.

Đối với những học sinh nhỏ hơn hoặc người dân khi cần đều được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý hướng dẫn tận tình từ những thao tác gõ máy tính đến khâu tìm kiếm kiến thức phục vụ học tập, công tác hoặc phục vụ sản xuất…

Theo chia sẻ của đồng chí Cụt Văn Long - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý: “Đời sống người dân trên địa bàn còn rất khó khăn, nên trẻ em, học sinh nơi đây cũng chịu nhiều thiệt thòi. Nhất là những ngày nghỉ hè, không có nơi vui chơi.

Bởi vậy, phòng Kết nối công nghệ thông tin của BĐBP ra đời không chỉ tạo thuận lợi cho các em học sinh trong tiếp cận CNTT mà còn tạo điều kiện cho bà con tìm hiểu, áp dụng kiến thức vào cuộc sống”.

Tiệm cắt tóc thân thiện

Kế bên phòng Kết nối công nghệ thông tin là một gian phòng nhỏ có đề tấm biển “Tiệm cắt tóc thân thiện”.

Tại đó, Thượng úy Lầu Bá Rê - nhân viên vũ trang Đồn Biên phòng Mỹ Lý đang chăm chú cắt tóc cho anh Lương Văn Xi ở bản Huồi Cáng, xã Bắc Lý. Vừa cắt vừa trò chuyện vui vẻ, chừng tầm 20 - 30 phút, anh Xi đã đứng dậy ngắm nghía mái đầu được cắt tỉa gọn gàng trước gương với vẻ hài lòng.

Anh Xi cho biết: “Khi chưa có tiệm cắt tóc thân thiện của Đồn Biên phòng Mỹ Lý, tôi toàn phải ra xã Huồi Tụ để cắt tóc. Nay thì tiện rồi, vừa được “làm đẹp” miễn phí, vừa phải đi đâu xa cả, cảm ơn các anh BĐBP đã luôn giúp đỡ dân bản”.

Thượng úy Lầu Bá Rê, nhân viên vũ trang - một trong những tay kéo “cứng” của Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết, bản thân anh cũng như một số đồng đội khác đều tự học cắt tóc, mới đầu tự cắt cho anh em trong đơn vị, nhất là các giai đoạn bùng phát dịch Covid - 19. Lâu dần “trăm hay không bằng tay quen” lại có năng khiếu nên anh cắt tóc khá đẹp.

Hiện mỗi dịp cuối tuần, Thượng úy Rê lại được điều động cùng một số anh em trong đơn vị phối hợp với Đoàn Thanh niên trên địa bàn đến tiệm cắt tóc thân thiện để phục vụ miễn phí cho người dân.

“Muốn cắt được một kiểu đầu đẹp trước hết phải quan sát gương mặt, vóc dáng, độ tuổi để chọn kiểu cho phù hợp. Người già thì cắt đơn giản, trẻ con cắt thì có thể bay bay một tý, cũng có khi người dân đề nghị được cắt theo kiểu này, kiểu kia thì mình tư vấn thêm. Vui nhất là sau khi được mình cắt tóc, bà con tỏ ra ưng ý, hài lòng…”, Thượng úy Rê cho hay.

Với đặc điểm đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, việc đi lại khó khăn nên trong đồn thường có một vài “tay kéo” tự đầu tư tông - đơ, kéo cắt, kéo bấm… để cắt tóc cho nhau, nay lại được điều động tham gia cắt tóc miễn phí cho nhân dân trên địa bàn vào thứ Bảy, Chủ nhật, anh em hào hứng lắm.

"Bận rộn hơn một chút nhưng điều nhận lại là sự tin yêu, quý mến của bà con”, Đại úy Phạm Đức Tâm - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý chia sẻ thêm.

Giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Đồn Biên phòng Mỹ Lý quản lý đoạn biên giới dài 48,468 km, gồm 02 xã: Mỹ Lý với 12 bản với dân số 1.223 hộ/5.587 nhân khẩu; Xã Bắc Lý có 13 bản với dân số 944 hộ/4.925 nhân khẩu với các thành phần dân tộc Kinh, Thái, Khơ mú và Mông cùng sinh sống.

Thấu hiểu và chia sẻ với bộn bề khó khăn của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý luôn thực hiện “3 bám, 4 cùng”, đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân thông qua những chương trình, việc làm thiết thực góp phần xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Rõ nhất là trong “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại năng suất cao.

Ví như xây dựng mô hình trồng sắn cao sản kết hợp trồng keo lấy gỗ 10ha tại bản Huồi Bắc và Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý. Theo Đại úy Phạm Đức Tâm - Chính trị viên phó: Xuất phát từ thực tế quỹ đất trên địa bàn 2 xã Mỹ Lý và Bắc Lý vẫn còn nhưng đồng bào các dân tộc vẫn loay hoay chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để tạo dựng sinh kế, phát triển kinh tế hộ, Đồn Biên phòng Mỹ Lý phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương hướng dẫn bà con triển khai mô hình trồng sắn cao sản kết hợp trồng keo lấy gỗ ở 2 bản Huồi Bắc và Huồi Cáng.

Đơn vị đã liên hệ với doanh nghiệp ở huyện Quỳ Hợp để tiến hành hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm để bà con triển khai mô hình. Bước đầu mô hình trồng sắn cao sản phát triển tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ tiến hành thu hoạch.

Dẫn chúng tôi đi thăm hơn 3ha sắn cao sản phủ một màu xanh mướt mắt, ông Cụt Văn Thịnh ở bản Huồi Cáng phấn khởi cho hay: Được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn trồng sắn phát triển tốt thế này, gia đình tôi vui lắm, sắp tới tôi sẽ nói cho các hộ khác trong bản cùng làm”.

 
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý giúp người dân sản xuất

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dềnh Bá Chớ - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lý cho hay: Xã Bắc Lý có 712 hộ nghèo, chiếm 75%, đời sống người dân còn khó khăn lắm. Mô hình trồng sắn cao sản là một trong rất nhiều mô hình mà Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã triển khai hỗ trợ người dân tại các thôn, bản. Trước đây, người dân chủ yếu trồng giống sắn địa phương để phục vụ chăn nuôi, còn trồng để bán ra thành hàng hoá thì bây giờ mới bắt đầu.

Bởi vậy, sắp tới đến vụ thu hoạch, xã sẽ phối hợp với Đồn mời các trưởng bản, bí thư chi bộ các bản lên tham quan, đồng thời đánh giá hiệu quả mô hình để nhân rộng trong toàn xã, từ đó vừa nâng thu nhập, vừa tạo việc làm cho người dân.

Cùng với cầm tay chỉ việc trong lao động, sản xuất, nhiều hoạt động an sinh xã hội khác cũng được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý duy trì có hiệu quả.

Nổi bật như việc xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình ngôi nhà thiện nguyện “Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia” đầu tiên trong lực lượng Biên phòng Nghệ An, trở thành địa chỉ thiện nguyện hỗ trợ quần áo, sách vở vật chất... phục vụ miễn phí cho nhân dân và học sinh trên địa bàn. Hay xây dựng và tu sửa Trạm xá Quân dân y ở bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân; nhận đỡ đầu 09 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi (hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em).

Bên cạnh đó, các đảng viên Biên phòng được phân công phụ trách 128 hộ/671 nhân khẩu ở địa bàn biên giới, cán bộ tăng cường xã và các đảng viên sinh hoạt Đảng tạm thời tại 04 chi bộ (bản Kẻo Nam, Huồi Bắc, xã Bắc Lý; Piêng Vai và Huồi Pún, xã Mỹ Lý) đã tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương trên các lĩnh vực.

Thông qua công tác vận động quần chúng, bám nắm địa bàn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Mỹ Lý không chỉ được dân tin, dân quý mà còn phát huy hiệu quả vai trò “tai mắt” của người dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ đường biên cột mốc, giữ yên biên giới.

Nói về vai trò của người lính quân hàm xanh, đồng chí Cụt Văn Long - Chủ tịch UBND xã Bắc Lý chân thành bày tỏ: “Cấp ủy, chính quyền địa phương rất cảm ơn những việc làm thiết thực của Đồn Biên phòng Mỹ Lý. Các anh không chỉ bảo vệ biên cương mà còn giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xoá đói, giảm nghèo; chăm lo học hành cho con trẻ… Các anh đã thật sự trở thành “điểm tựa” của bản làng”!

(baonghean.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất