Thứ Năm, 18/4/2024
Tọa đàm "Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”"

 Tọa đàm “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, xây dựng nông thôn có hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp..., góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, cùng với các chính sách tổng thể, chính sách tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội là một phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, NHCSXH là ngân hàng duy nhất hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và đối tượng phục vụ của ngân hàng là những người nghèo, người yếu thế, người đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách với nhiều nền văn hóa và trình độ nhận thức khác nhau.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung bàn thảo những vấn đề như: Vay làm gì? Làm như thế nào? Quản lý làm sao cho hiệu quả?. Những việc này đòi hỏi hoạt động của ngân hàng không chỉ đơn thuần là thiết kế các chương trình, sản phẩm cho vay đa dạng, đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận, mà quan trọng là mỗi cán bộ tín dụng phải vừa là người thầy, vừa là người bạn, người anh em thân thiết hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con; luôn kiên nhẫn và sẵn lòng giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức, tự tin vươn lên trong cuộc sống.


 Phiên giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đô Lương (Nghệ An)

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, đến ngày 31/3/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 201.199 tỷ đồng, tăng 6.778 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đạt 194.187 tỷ đồng, tăng 6.394 tỷ đồng (tăng 3,4%) so với cuối năm 2018, với gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 170.575 tỷ đồng, tăng 5.433 tỷ đồng (tăng 3,3%) so với cuối năm 2018.

Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở 8 chương trình tín dụng lớn là cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn, giải quyết việc làm, học sinh - sinh viên và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.

Tính riêng quý I/2019, tổng doanh số cho vay đạt 19.171 tỷ đồng, tăng 3.026 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với gần 567.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Bên cạnh đó, việc tập trung huy động vốn và giải ngân các chương trình tín dụng chính sách ngay từ đầu năm 2019 đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 52.000 lao động, trong đó trên 1.100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 5.500 lượt học sinh - sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 256.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng gần 1.800 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…/.

(baotintuc.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất