Thứ Ba, 10/9/2024
Hoàn thiện cơ chế và điều kiện bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện
 Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017
quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, trong đó có quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục là cơ sở để phát huy rộng rãi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân giám sát trực tiếp, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trong thời gian qua, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở địa phương. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng về cơ bản đã được tổ chức ở tất cả các địa phương, cơ sở, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ; các thành viên tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đều là người có uy tín, kinh nghiệm thực tiễn và tâm huyết.

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát quá trình đầu tư, thi công công trình tại địa phương, trong đó chú trọng phát hiện những thiếu sót trong quá trình thi công công trình để kịp thời phản ánh với đơn vị chịu trách nhiệm thi công và kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ kịp thời.

Đánh giá thực trạng về tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương nhận thấy hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong những năm qua đã từng bước đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả và đã đạt được những kết quả nhất định.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực sự là công cụ để nhân dân ở xã, phường, thị trấn thực hiện quyền giám sát các công trình xây dựng tại địa phương, nhất đối với các công trình do nhân dân đóng góp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thể hiện được trình độ, năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm rất cao khi giám sát, kiểm tra, phát hiện những vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu.

Thực tế cho thấy, nơi nào công trình, dự án có sự tham gia giám sát của cộng đồng thì trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan được nâng lên, chất lượng, tiến độ công trình được bảo đảm hơn, giảm thiểu việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn tại cơ sở.

Theo tổng hợp, kết quả 5 năm (2015-2021) Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát được 173.929 cuộc, bình quân 1 xã giám sát hơn 3 cuộc/năm. Giá trị tiền thu hồi được 11.833.943.000 VNĐ.

Ở một số địa phương, có số cuộc giám sát cao là Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã giám sát được 32.402 cuộc, Bắc Giang giám sát được 19.676 cuộc, Bến Tre giám sát được 11.182 cuộc. Có 45 tỉnh, thành phố có số cuộc giám sát đạt khá cao, tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình giám sát được 6.023 cuộc, Tiền Giang giám sát được 5.835 cuộc, Phú Yên giám sát được 5.045 cuộc, An Giang giám sát được 4.008 cuộc, Thanh Hóa giám sát được 4.451 cuộc, Phú Thọ giám sát được 3.998 cuộc...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động thực tế của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại một số địa phương còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân xuất phát bất cập về cơ chế, điều kiện bảo đảm cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát, cụ thể:

Về tổ chức của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Tại Điều 83 Luật Đầu tư công quy định: “Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập theo từng chương trình, dự án”. Tại Điều 41, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: “Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn cấp xã, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã”.

Tại Điều 87, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá, đầu tư quy định về tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng như sau: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án. Thành phần của Ban ít nhất là 5 người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Thanh tra nhân dân và đại diện người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay, hầu hết Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của các địa phương vẫn được tổ chức theo mô hình Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chung của xã, phường, thị trấn hoặc do Ban Thanh tra nhân dân kiêm nhiệm. Trong đó, số lượng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ban Thanh tra nhân dân kiêm nhiệm chiếm tỷ lệ 49%.

Khi có chương trình, dự án thực hiện ở địa bàn khu dân cư nào thì bầu bổ sung thêm một thành viên ở khu dân cư đó hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức để các đoàn thể chính trị - xã hội tại khu dân cư đó hiệp thương cử đại diện tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Như vậy, việc tổ chức Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hiện nay trên cả nước vẫn chưa thực hiện theo quy định tại Điều 83 của Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ (hiện được quy định trong Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở).

Qua khảo sát và báo cáo của các tỉnh, thành phố, nguyên nhân của việc hầu hết các địa phương đều không thực hiện được việc bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo đúng quy định như trên là do điều kiện thực tế hiện nay ở các khu dân cư, việc tổ chức họp dân để bầu các thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là rất khó, nhất là đối với những khu dân cư có dân số đông hoặc địa bàn quá rộng thì Mặt trận Tổ quốc khó có thể triệu tập đủ trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, mà nếu có triệu tập được thì cũng không có điều kiện cơ sở, vật chất để tổ chức họp bầu (hội trường, nhà văn hóa...).

Nhiều xã hiện nay một lúc đồng thời có nhiều công trình được thực hiện thì việc này lại càng khó khăn hơn khi tổ chức bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án, chưa kể có một thực tế ở nhiều địa phương do vấn đề di dân, rất khó tìm được người đủ tiêu chuẩn để xem xét, bầu vào các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Về nhiệm kỳ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập theo từng chương trình, dự án1. Tuy nhiên như trên đã đề cập, hầu hết các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hiện nay được tổ chức theo mô hình Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chung của xã, phường, thị trấn hoặc do Ban Thanh tra nhân dân đảm nhiệm.

Nhiệm kỳ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hiện nay là 2 năm (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân). Như vậy, có những tỉnh hiện nay 100% Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ban Thanh tra nhân dân đảm nhiệm với nhiệm kỳ là 2 năm mà không tổ chức thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo từng chương trình, dự án.

Qua khảo sát và báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, có 57/62 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ 92% Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố được hỏi đều có kiến nghị Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nên tổ chức theo nhiệm kỳ và nhiệm kỳ có thể là 2 năm (theo nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân) hoặc 5 năm (theo nhiệm kỳ của Mặt trận Tổ quốc cấp xã). Lý do mà hầu hết Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố thống nhất đưa ra là do những khó khăn nếu bầu Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo từng chương trình, dự án.

Ngoài ra, việc thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo nhiệm kỳ giúp ổn định tổ chức và nhân sự, qua đó góp phần giúp các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn, tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng giám sát, tránh xáo trộn về tổ chức, con người. Đây là vấn đề đặt ra cần có giải pháp, cách thức vận dụng linh hoạt, hướng dẫn để tạo điều kiện cho việc tổ chức thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương.

Về kinh phí bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Theo quy định tại Điều 54 của Nghị định 84/2015/NĐ-CP thì “Chi phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và do ngân sách cấp xã đảm bảo.

Mức kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã bố trí phù hợp với kế hoạch hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng do Hội đồng nhân dân xã quyết định và đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 5 triệu đồng/năm”.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 (thay thế Nghị định số 84) quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, theo đó kinh phí bảo đảm cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tối thiểu là 10 triệu đồng/năm/xã.

Nghị định số 29/2021/NĐ-CP cũng quy định “việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo quy định về quản lý ngân sách cấp xã và các hoạt động tài chính khác của cấp xã”.

Tuy nhiên, qua khảo sát và báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện tại số lượng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động chỉ có 8.737/12.946 ban, chiếm tỉ lệ 67%. Trong 67% số ban được cấp kinh phí thì hầu hết lại không được cấp đủ mức 5 triệu/năm/ban theo quy định Nghị định số 84/2015/NĐ-CP (nay là 10 triệu/năm/ban theo Nghị định số 29/NĐ-CP), đa phần là chỉ từ 2-3 triệu/năm, thậm chí chưa đến 2 triệu đồng/năm, tùy theo điều kiện ngân sách của xã, phường, thị trấn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền... Hiện nay, theo quy định mới tại Nghị định số 29 thì chỉ có một số địa phương mới điều chỉnh mức đề xuất kinh phí cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/ban/năm.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Nghị định hướng dẫn chỉ quy định chung là khoản hỗ trợ này “do ngân sách cấp xã đảm bảo” nhưng không có quy định nào quy định rõ là đối với những xã, phường, thị trấn không cân đối được ngân sách thì khoản hỗ trợ này trích từ đâu. Do vậy, ở các địa phương, nếu Hội đồng nhân dân tỉnh không xem xét, phê duyệt mục kinh phí này và cấp cho cấp xã thì hầu hết các xã, phường, thị trấn khó khăn không thể cân đối được ngân sách.

Tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định mức chi hỗ trợ là 10 triệu đồng/1 năm/1 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã. Tuy nhiên, việc thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng lại được thành lập theo từng công trình, dự án (Theo Luật Đầu tư công). Mức chi hỗ trợ này cần phải gắn với hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo thực tế tại từng chương trình, dự án.

Trên thực tế, có những xã có nhiều công trình, có xã chỉ có 1 công trình/1 năm, thậm chí là không có công trình nào được xây dựng trên địa bàn, vì vậy quy định như trên đã gây một số bất cập, vướng mắc trong quá trình đề xuất cấp kinh phí cho các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của địa phương. Như vậy, cần kiến nghị ban hành Thông tư hướng dẫn về kinh phí hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để thuận lợi hơn cho việc thực hiện tại cơ sở.

Về sự phối hợp của chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Qua khảo sát cho thấy trong thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan thực sự chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc để hoạt động này đạt hiệu quả, nhất là nhận thức của chủ chương trình, chủ đầu tư và ban quản lý chương trình, dự án trong việc cung cấp thông tin, tài liệu đến Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hay tiếp thu ý kiến giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, việc bảo đảm hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án liên quan được quy định khá cụ thể.

Tại Điều 45. Trách nhiệm trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, cụ thể: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

Bố trí địa điểm làm việc để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức các cuộc họp và lưu trữ tài liệu phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị; Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, người có hành vi trả thù, trù dập thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm sau đây: Cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời tài liệu liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình, dự án theo yêu cầu của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; Tiếp thu ý kiến, kiến nghị kiểm tra, giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và thông báo kết quả thực hiện đến Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của các thành viên các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế trong khi giám sát các công trình xây dựng là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn, đòi hỏi người giám sát phải có chuyên môn, trình độ, năng lực và bản lĩnh; một số cấp uỷ Đảng, chính quyền vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nên chưa thường xuyên quan tâm, tạo điều kiệu cho Ban hoạt động; chủ đầu tư của các chương trình, dự án thiếu hợp tác; các cơ quan, tổ chức hữu quan chưa chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở, những kiến nghị sau giám sát không được cơ quan chức năng phản hồi, nhiều kiến nghị chưa được xử lý kịp thời...

Trong thời gian tới, để phát huy có hiệu quả tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, điều kiện bảo đảm với một số nội dung sau:

Thứ nhất, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp với cơ quan chức năng ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Việc thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng bảo đảm theo quy định của pháp luật, trên cơ sở vận dụng linh hoạt ở các địa phương, cơ sở theo hướng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì thành lập được thành lập theo từng chương trình, dự án và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng lấy nòng cốt từ Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, thành phần Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng gồm có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, thành viên Ban Thanh tra nhân dân và đại diện người dân có trình độ, kinh nghiệm trên địa bàn thôn, làng, bản ấp, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án triển khai. Tùy theo lĩnh vực, đặc thù của chương trình, dự án được giám sát sẽ đề xuất bầu bổ sung thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm tính chuyên sâu, thống nhất và hiệu quả.

Thứ hai, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền liên quan với Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của chủ công trình, dự án đầu tư và cơ quan hữu quan về thực hiện kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã căn cứ vào danh mục, thời gian thi công dự án trên địa bàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị để kết nối giữa Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin cần thiết theo quy định, đảm bảo điều kiện để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có dự án đầu tư trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời giải quyết các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm khi có vụ việc vi phạm xảy ra; thông báo kết quả giải quyết kiến nghị tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định.

Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ động đề nghị với Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, các chủ đầu tư cung cấp đẩy đủ thông tin, hồ sở, văn bản, giấy tờ có liên quan (theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ); thực hiện báo cáo kết quả giám sát với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để kiến nghị với Ủy ban nhân dân, chủ đầu tư những nội dung vi phạm, sai phạm phát hiện được trong quá trình giám sát.

Cơ quan, chính quyền các cấp, chủ chương trình, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Kiến nghị các sở, ngành có liên quan, đặc biệt Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong công tác tập huấn về pháp luật đầu tư, các quy định nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp xã về tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; trách nhiệm của chủ chương trình, chủ đầu tư dự án, ban quản lý chương trình, dự án đối với hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành cơ chế, quy định chế tài về trách nhiệm trả lời kiến nghị sau giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và trách nhiệm tiếp thu, giải trình của cơ quan nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch đối với hoạt động giám sát của nhân dân.

Thứ ba, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát các quy định có liên quan khi xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quan tâm quy định hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong tình hình mới, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thời gian tới. Kiến nghị cấp ủy Đảng các cấp ở địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền nghiêm chỉnh thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, trả lời kiến nghị sau giám sát của của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bảo đảm điều kiện hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đẩy mạnh công tác tập huấn đội ngũ cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở, quan tâm đến kỹ năng, trình độ, năng lực các thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Cán bộ làm công tác Mặt trận phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình hoạt động giám sát, nhận thức sâu sắc quyền và trách nhiệm trước nhân dân, không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế bảo đảm điều kiện hoạt động và kinh phí để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện có hiệu quả. Kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cân đối và bảo đảm nguồn ngân sách cho cấp xã đề cấp đủ kinh phí hoạt động cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo mức quy định hỗ trợ tối thiểu cho mỗi ban là 10 triệu/năm trong toàn hệ thống. Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết về kinh phí hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã bảo đảm điều kiện hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng như: bố trí địa điểm làm việc để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức cuộc họp và lưu trữ tài liệu phục vụ giám sát; tạo điều kiện sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc của Ủy ban nhân dân xã phục vụ cho giám sát đầu tư của cộng đồng; trả lời kiến nghị của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình hoạt động giám sát đầu tư và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định.

Thứ sáu, để hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được bảo đảm triển khai thực sự có hiệu quả, chất lượng, sau khi Luật Thực hiện dân chủ năm 2022 có hiệu lực và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần kịp thời xây dựng, ban hành Thông tri hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn (bổ sung, sửa đổi, thay thế Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn) để thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống Mặt trận.

(mattran.org.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất