Thứ Sáu, 26/4/2024

Học tập phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm phong cách làm việc quần chúng, phong cách làm việc tập thể - dân chủ và phong cách làm việc khoa học. Trong đó, phong cách làm việc khoa học, hay còn gọi là “cách làm việc khoa học” là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chú ý. Phong cách làm việc khoa học là làm việc có chương trình, kế hoạch rõ ràng, cụ thể, chu đáo, cẩn thận, đầy đủ, tỉ mỉ. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi phải được thể hiện từ lúc ra quyết định tới việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Theo đó, phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh được thể hiện ở những đặc trưng chủ yếu sau:

Một là, phong cách luôn đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể

Muốn lãnh đạo đúng, quyết định đúng, trước tiên phải “điều tra, nghiên cứu rõ ràng”. Điều tra, nghiên cứu là để cán bộ nắm chắc thực chất tình hình, nắm người, nắm việc, giúp ra các quyết định được đúng đắn, chính xác. Đây là biểu hiện làm việc có tính đảng, tính khoa học và ý thức tổ chức cao trong phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thể hiện, ngay từ lời nói đến việc làm, hay gặp mỗi vấn đề: “Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lãnh đạo đúng nghĩa là phải tổ chức sự thi hành cho đúng, phải tổ chức sự kiểm tra, kiểm soát: “Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” không ăn khớp gì hết”(1).

Muốn làm được điều đó phải lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người lãnh đạo phải bố trí thời gian làm việc để nghe với thái độ đúng đắn, để động viên khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật, ngăn ngừa những thái độ tiêu cực, vụ lợi của người nói. Phải dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu chính xác, phải nắm chắc, phải “hiểu thấu” vấn đề mới đi đến quyết định đúng đắn, vì muốn lãnh đạo đúng trước hết “phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng”. Nếu đã quyết định sai, cấp dưới và quần chúng càng tích cực thực hiện thì hậu quả càng lớn, tổn thất càng nhiều.

Hai là, phong cách làm việc luôn có mục đích rõ ràng

Làm việc có mục đích rõ ràng, đây là biểu hiện của phong cách làm việc khoa học, có mục đích, có trình tự và biện pháp cụ thể, thiết thực để đạt mục đích đã định, biết tính toán thời gian, sắp đặt công việc, tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý. Dự kiến được những thuận lợi, khó khăn, có phương án lãnh đạo, giáo dục, uốn nắn kịp thời để chủ động hoàn thành đúng kế hoạch. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung; chương trình kế hoạch đặt ra phải sát hợp. Theo đó, Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”(3). Cán bộ, đảng viên thường gặp một khuyết điểm là đầu tư nhiều công sức vào việc vạch  ra chương trình, kế hoạch to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được chương trình, kế hoạch đã đề ra. Lãnh đạo phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải nắm điển hình; cần phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể. Người vẫn thường dạy cán bộ, đảng viên phải đặt kế hoạch cho sát, cho phù hợp, kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, đánh trống bỏ dùi.

Đối với những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là của những người lãnh đạo, trong bài Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong Uỷ ban Nhân dân, đăng trên báo Cứu Quốc, ngày 4/10/1945 Hồ Chí Minh nói rõ: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho vào việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được. Việc dùng nhân tài ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe… Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt vào việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Rõ ràng, làm việc gì cũng phải có mục đích mới đem lại hiệu quả và thành công được.

Để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ phải: “Xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”(4). Một việc chính có thể có nhiều cách thực hiện, chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Nói quyết tâm phải hai, ba mươi, tức là sau khi đã có kế hoạch công tác phải có quyết tâm thực hiện và phải thực hiện đến nơi đến chốn. Người đã nhiều lần phê bình bệnh hữu danh vô thực ở không ít cán bộ, đảng viên “làm việc không thiết thực không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà cũng là một bệnh rất nguy hiểm”(5).

Ba là, phong cách thường xuyên kiểm tra chất lượng công việc của cấp dưới

Đây là yêu cầu không thể thiếu được của người cán bộ lãnh đạo. Có lãnh đạo mà không có kiểm tra, kiểm soát là lãnh đạo theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Chỉ có kiểm tra, kiểm soát mới chống được bệnh quan liêu, mới biết được các nghị quyết có được thi hành đúng hay không, mới tìm ra được khuyết điểm, mới biết được người có trách nhiệm và người thiếu trách nhiệm. Song kiểm tra, kiểm soát “không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xuống tận chỗ”. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, trong bất kỳ công việc gì cũng phải hiểu năng lực của cấp dưới mà bố trí, sử dụng người cho đúng, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Khi giao công việc cho cấp dưới phải rõ ràng đầy đủ, phải dự báo được những tình huống có thể xảy ra cho cấp dưới và phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của cấp dưới. Hồ Chí Minh cũng phê bình tình trạng: “Cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to lớn. Vì thế nên có cán bộ “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(6).

Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ năm 1947, Hồ Chí Minh đã phê phán tác phong theo kiểu “Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác để vạch ra những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến”(7). Người nhấn mạnh hậu quả của: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi, đến chốn”. Như vậy, phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước và phải thật thà nhúng tay vào việc, chứ không phải tác phong quan liêu, đại khái không điều tra, không nghiên cứu trong mọi công tác trước khi định ra mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Khi phê phán tệ coi thường quần chúng, xa rời quần chúng, xa thực tế, không nắm chắc tình hình mọi mặt của cuộc sống, không nắm chắc cơ sở, tổ chức bộ máy cồng kềnh nặng giấy tờ, hình thức; đi liền với tệ quan liêu là cửa quyền, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, Người đã chỉ rõ, vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng, đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi nơi, không đi sâu vào vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn, quan liêu thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu.

Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm bớt đi. Hồ Chí Minh khuyên cán bộ phải: “Theo đúng đường lối Nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; Việc gì cũng bàn bạc với Nhân dân, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước Nhân dân và hoan nghênh Nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi Nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính để Nhân dân noi theo”(8). Do vậy, cán bộ, đảng viên với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý ví như “cái đầu”, “bộ óc” của quần chúng Nhân dân, do đó, phải tiên phong, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh, phải luôn “đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở” để “hỏi dân, học dân và hiểu dân”, để “học cách so sánh của Nhân dân”, “so đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”. Cán bộ, đảng viên phải rèn cho mình phong cách làm việc luôn bám sát thực tiễn hoạt động của quần chúng, phải kiên quyết đấu tranh tẩy bỏ tư tưởng, hành động quan liêu, xa rời thực tế, thái độ kiêu căng, tự mãn, loại bỏ thói ba hoa, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật “nói nhiều, làm ít”, “nói một đường làm một nẻo” hoặc “nói mà không làm”.

Bốn là, phong cách làm việc luôn rút kinh nghiệm sau mỗi lần làm việc

Phong cách làm việc khoa học còn đòi hỏi người cán bộ sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm tận gốc, rồi phổ biến những kinh nghiệm ấy cho tất cả cán bộ và cho dân chúng hiểu. Mỗi cán bộ phải học hỏi những kinh nghiệm hay (thành công), tránh những kinh nghiệm dở (thất bại), áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới. Bởi theo Hồ Chí Minh, nếu không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn… để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác. Thành thử, những cái tốt, hay đều không phát triển được. Và công việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng không tiến bộ được mấy, cho dù bất kỳ thành công hoặc thất bại chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh có hai cách lãnh đạo rất cơ bản khi thi hành các chủ trương công tác, phải gắn bó chặt chẽ với quần chúng và phải tổ chức chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm rồi mở rộng ra. Người nói: “... bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng. Chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”. Để tổ chức thực hiện, điều quan trọng trước tiên theo Hồ Chí Minh, là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy, phải chí công vô tư trong việc xem xét cán bộ, không nên tự cao tự đại, ưa nịnh hót và do yêu ghét mà xem xét cán bộ; phải thật khách quan, toàn diện, đi sâu vào bản chất con người, chống lối “duy ngã” siêu hình, cứng nhắc, chỉ nhìn bề ngoài, thiên vị cá nhân để xem xét cán bộ. Vì vậy, “sau mỗi việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng của từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả các cán bộ và các địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công”(9).

Nghiên cứu những đặc trưng trên, cho thấy phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là một nghệ thuật mà Người đã đạt đến đỉnh cao, biểu hiện của nhiệt tình cách mạng, một quyết tâm sắt đá, một nghị lực phi thường. Để có được một phong cách làm việc khoa học như vậy, Người đã trải qua những năm tháng gian khổ rèn luyện, học tập và quá trình phấn đấu, luôn vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”.

Đặc biệt, cần triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với tiếp tục thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, để giúp cho mọi cán bộ, đảng viên thấy rõ ý nghĩa tầm quan trọng và nội dung yêu cầu học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách làm việc thực sự khoa học cho mỗi cán bộ, đảng viên, đem lại kết quả cao trong công việc; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hiện nay, thực tiễn luôn thay đổi nhanh chóng trước những tác động của nền kinh tế thị trường, tiến trình hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nếu không tự tu dưỡng, học tập, rèn luyện phong cách làm việc khoa học của bản thân, người cán bộ, đảng viên sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Vì vậy, nâng cao nhận thức về tư tưởng và phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần có tư duy độc lập, không ngừng, học tập tu dưỡng, rèn luyện, vận dụng sáng tạo lý luận và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước.

 

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.266-267, tr.279, tr.374, tr.292, tr.256-257, tr.242,243, tr.73, tr.703.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr.293.

Nguyễn Ngọc Cường

Các bài khác

TẠP CHÍ IN