Thứ Ba, 7/5/2024

Đổi mới công tác vận động phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Lịch sử loài người từ trước đến nay đã ghi nhận phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng bao giờ cũng có vai trò quan trọng đối với gia đình và xã hội. Là người vợ, phụ nữ có ảnh hưởng to lớn đến hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Là người mẹ, phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thiên chức sinh nở để duy trì nòi giống cho loài người và là người thầy đầu tiên của con người. Là người lao động, phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập cho gia đình. Là công dân, phụ nữ tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội và tham gia chống giặc ngoại xâm…

Hiện nay, phụ nữ chiếm trên 50% dân số và 48% lực lượng lao động của đất nước, phụ nữ đã khẳng định vai trò to lớn và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác vận động phụ nữ đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ, về giới, về bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực. Hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện. Hội LHPN các cấp đã sâu sát cơ sở, nắm bắt, tổng hợp được tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của hội viên để phản ánh kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp. Hội có nhiều hình thức vận động, tập hợp hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức hội thực hiện chức năng đại diện, vai trò cầu nối giữa Đảng với phụ nữ có chuyển biến tốt. Đội ngũ cán bộ hội các cấp có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức hội và các hoạt động của hội ngày càng tăng.

Tuy nhiên, công tác vận động phụ nữ vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Một số cấp ủy đảng, chính quyền thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động phụ nữ, chưa thực sự chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên của phụ nữ một số nơi chưa kịp thời. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, phụ nữ như việc làm, thu nhập, môi trường, bảo hiểm y tế, điều kiện chăm sóc con nhỏ… trong một số khu công nghiệp, khu chế xuất… chưa tốt. Các giải pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững thiếu đồng bộ. Công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách còn bị xem nhẹ, hiệu quả thấp. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn chưa được đầu tư đúng mức. Công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có nơi còn lúng túng. Một số phong trào thi đua có phát động nhưng hiệu quả chưa cao, sự hưởng ứng của một số chi hội chưa tích cực. Công tác phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình phụ nữ trên các lĩnh vực chưa thường xuyên…

Tác động của CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đến công tác vận động phụ nữ

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu khái quát: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sẽ có nhiều tác động quan trọng đến công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”.

Về mặt thuận lợi

Thứ nhất, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế tạo cơ hội để Việt Nam tranh thủ các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực. Trên cơ sở đó giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của phụ nữ.

Thứ hai, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế tác động tích cực nhất vào lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, nhất là khi thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trên cơ sở đó tăng thu nhập cho công nhân, người lao động, trong đó có công nhân, lao động nữ.

Thứ ba, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các phương tiện truyền thông phát triển và phát huy hiệu quả. Các loại báo hình, báo viết, báo nói, nhất là internet làm cho mọi người, trong đó có phụ nữ có cơ hội rất lớn để tiếp xúc với các loại tri thức, từ tri thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đến khoa học kinh doanh… Qua đó, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, thực hiện chức năng làm mẹ, làm vợ, làm thầy… được thuận lợi hơn.

Thứ tư, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ đến cơ cấu, chất lượng các tầng lớp phụ nữ. Đội ngũ trí thức nữ, công nhân nữ làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ tăng lên nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng. Lao động nữ trong nông thôn, nông nghiệp chất lượng tăng lên nhưng số lượng sẽ giảm dần và chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi do lao động nữ trẻ đi làm ăn xa, chuyển sang khu vực dịch vụ, công nghiệp. Số học sinh, sinh viên là nữ học tập trong nước và nước ngoài cũng sẽ tăng nhanh... Sự thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, chất lượng, số lượng phụ nữ có tác động sâu sắc đến đổi mới công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới.

Về mặt khó khăn

Thứ nhất, song song với tiến bộ về khoa học - công nghệ, của hội nhập quốc tế, nhân loại đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, hạn hán, lụt bão, bệnh dịch, đói nghèo, sự bùng nổ dân số, khan hiếm năng lượng, nguồn nước sạch... sẽ tác động đến nước ta và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động phụ nữ.

Thứ hai, nếu các phương tiện truyền thông không định hướng tốt dư luận, các cấp hội không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thì sẽ khó hạn chế được tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, mại dâm, bạo hành phụ nữ, vượt biên làm ăn trái phép… Địa vị kinh tế của lao động nữ trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động làm thuê, nếu không có luật pháp đầy đủ và kỷ cương quản lý nhà nước không tốt thì quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ rất dễ bị xâm phạm.

Thứ ba, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra vận hội mới trên con đường hội nhập. Nếu Việt Nam không vươn lên để có nhiều sản phẩm có thương hiệu, không khắc phục được tình trạng năng suất lao động thấp, chất lượng hàng hóa kém, giá thành sản phẩm cao thì sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa cho các nước khác, làm ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.

Một số nội dung và giải pháp đổi mới công tác vận động phụ nữ trong điều kiện mới

Một là, các cấp ủy đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và các kết luận, thông báo của Ban Bí thư về công tác phụ nữ.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã định hướng rõ nội dung lãnh đạo công tác phụ nữ trong thời gian tới cho các cấp ủy là: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đổi mới lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ”.

Đó là ba định hướng quan trọng phải được thể chế hóa, cụ thể hóa về mặt nhà nước để tổ chức thực hiện. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, Ban Bí thư đã chỉ đạo sơ kết và có Kết luận số 55-KL/TW, ngày 18/01/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Nội dung Kết luận đã chỉ rõ những việc cụ thể mà các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương phải thực hiện. Qua 10 năm (2007-2017) thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, cần thiết phải được tổng kết, đánh giá kết quả để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ trong thời gian tới. Đặc biệt quan tâm lãnh đạo và có cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị gắn với chính sách đối với cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết ở các ngành, các cấp.

Hai là, các cơ quan nhà nước tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Hiến pháp liên quan đến phụ nữ và các nghị quyết, quyết định của Chính phủ về phụ nữ đã được ban hành. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội.

Trên cơ sở tuyên truyền Hiến pháp để mọi tổ chức và công dân thực hiện Điều 26, 36 và 58 của Hiến pháp liên quan đến phụ nữ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Bộ Nội vụ có Quyết định số 195/QĐ-BNV ngày 09/3/2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Các cơ quan nhà nước tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật đã ban hành về phụ nữ như Luật Bình đẳng giới… có kế hoạch thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành các văn bản pháp luật và cân đối nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án về phụ nữ; đồng thời thường xuyên kiểm tra các cấp, các ngành chính là những giải pháp quan trọng đưa Nghị quyết 11-NQ/TW vào cuộc sống.

Ba là, Hội LHPN Việt Nam và các cấp hội phụ nữ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động để vận động, tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ có hiệu quả trong tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng và dự báo tình hình phụ nữ ở thành thị, nông thôn, phụ nữ lao động, làm việc trong khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đội ngũ nữ trí thức, khoa học, phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, nữ kiều bào ở nước ngoài... để có nội dung, hình thức vận động, tập hợp hiệu quả nhất.

Trước hết, các cấp hội phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát và phản biện xã hội để làm chuyển biến nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ. Các cấp hội phải đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt hội họp, sâu sát cơ sở, sâu sát hội viên nhằm nắm bắt nhanh, kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ để phản ánh và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo giải quyết .

Trong tình hình hiện nay phải phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thường xuyên nắm chắc tình hình đời sống, việc làm của công nhân, lao động nữ, việc chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để nắm tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nữ trí thức, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng. Quan tâm, vận động, khuyến khích phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, nhất là có nhiều mô hình, điển hình trong phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tham gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tham gia các loại hình dịch vụ, du lịch... góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Trên cơ sở đó giải quyết nhiều việc làm và thiết thực nâng cao đời sống của phụ nữ. Thực hiện có hiệu quả đề án “Tin học hóa công tác quản lý, điều hành Hội LHPN Việt Nam và xây dựng cổng thông tin điện tử Hội LHPN Việt Nam” để đưa nhanh công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Hội có hiệu quả. Đầu tư nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác vận động phụ nữ, nhất là vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cách vận động, tập hợp phụ nữ có hiệu quả nhất, tham gia xây dựng chính sách về phụ nữ và tham mưu cho Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng: “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội LHPN Việt Nam”, nhất định công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới sẽ có bước phát triển mới.


Nguyễn Thế Trung
Hội đồng lý luận Trung ương

Các bài khác

TẠP CHÍ IN