Thứ Sáu, 8/11/2024
Bảo hộ công dân Việt Nam ở Ukraine: Ấm nghĩa đồng bào

Chỉ trong một thời gian ngắn hầu hết người Việt Nam tại Ukraine đã được đi sơ tán và 4 chuyến bay cứu trợ đã nhanh chóng đưa bà con về nước an toàn. Thứ trưởng đánh giá đâu là yếu tố tạo nên thành công ban đầu của chiến dịch bảo hộ, sơ tán đặc biệt lần này?

- Với sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong nước và ngoài nước, cùng sự tham gia đóng góp tích cực của các cá nhân và hội đoàn người Việt, đến nay công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến sự đã đạt được những kết quả quan trọng.


 Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu thăm hỏi, động viên kiều bào sau chuyến bay thứ nhất từ Romania đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước



Hầu hết bà con ta ở Ukraine được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự, đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. Sau bốn chuyến bay, các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam liên quan đã đón về nước an toàn 1.166 người Việt Nam và thành viên gia đình từ Ukraine. Bà con đều bày tỏ xúc động và biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với bà con, đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa đồng bào mà bà con người Việt ở các nước lân cận cũng như người dân trong nước dành cho bà con ở Ukraine lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Có thể nói, các biện pháp đã và đang tích cực triển khai thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài như yêu cầu tại Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 12/08/2021.

Để công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng tại Ukraine đạt được những kết quả như trên, phải kể đến những yếu tố sau:

Một là, công tác này nhận được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ khi chiến sự chưa xảy ra, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm sâu sát và chỉ đạo rất sớm về việc đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine. Khi xung đột nổ ra, ngày 26/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 201/CĐ-TTg, trong đó chỉ đạo các cơ quan hữu quan triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine.

Sau khi giao tranh nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Ukraine, số lượng thương vong tăng nhanh và nguy hiểm lớn hơn thì phần lớn người Việt đã bắt đầu việc sơ tán và các cơ quan chức năng Việt Nam đã hết sức chủ động, tích cực triển khai các phương án sơ tán công dân.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Đại diện các nước liên quan, điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước lân cận đề nghị tạo thuận lợi cho người Việt và gia đình sơ tán và tạo điều kiện cho máy bay sang đón bà con về nước.

Ở ngoài nước, Đại sứ ta tại Ukraine và Nga gặp Bộ Ngoại giao Bạn đề nghị có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người Việt tại Ukraine, Đại sứ ta tại các nước lân cận (như Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia...) gặp Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng sở tại đề nghị tạo thuận lợi cho người Việt và gia đình sơ tán từ Ukraine sang. Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ với các nước, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đề nghị hỗ trợ sơ tán bà con tại Ukraine.

Hai là, công tác này nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, giữa các cơ quan trong và ngoài nước. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan đại diện liên quan thường xuyên nắm tình hình, dự báo các kịch bản có thể xảy ra; trên cơ sở đó, chủ động xây dựng và tham mưu phương án, kế hoạch bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng ta ở Ukraine; nhanh chóng triển khai các hoạt động sơ tán người Việt Nam tại Ukraine ra khỏi các vùng chiến sự và ra khỏi Ukraine; tổ chức các chuyến bay đưa bà con có nguyện vọng về nước; thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với một số hội đoàn ở Ukraine và một số nước lân cận để cập nhật tình hình cộng đồng; vận động các doanh nghiệp Việt Nam và các hội đoàn người Việt sở tại tham gia phối hợp cùng các cơ quan đại diện ta trong công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Bộ Y tế lên kế hoạch triển khai chuyến bay, tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và thủ tục phòng chống dịch sau khi nhập cảnh cho bà con.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về việc khẩn trương tổ chức các chuyến bay đón người Việt Nam và thành viên gia đình từ Ukraine về nước, đến nay Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức được bốn chuyến bay đưa 1.166 công dân từ Romania (trong các ngày 8/3 và 13/3) và từ Ba Lan (trong các ngày 10/3 và 13/3), trong số này có ba chuyến bay do Tập đoàn Sun Group và một chuyến bay do tập đoàn FLC tài trợ.

Trong thời gian tới, trên cơ sở nhu cầu của bà con, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.

Ba là, trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam, các nước đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta sơ tán, cung cấp chỗ ở, thuốc men, nhu yếu phẩm, đồng thời hỗ trợ các thủ tục cần thiết để bà con có thể xuất cảnh về Việt Nam.

Bốn là, cộng đồng người Việt, các hội đoàn tại Ukraine và các nước lân cận đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tích cực hỗ trợ các cơ quan đại diện ta. Tôi rất xúc động và tự hào khi nhìn thấy những hình ảnh bà con kiều bào các nước lân cận hỗ trợ bà con sơ tán từ Ukraine. Có những người sẵn sàng tự nguyện ở lại vùng chiến sự để cùng cơ quan đại diện tổ chức cho bà con sơ tán; nhiều kiều bào ở các nước lân cận ngày chỉ ngủ vài tiếng vì dốc lực hỗ trợ, cùng với các cán bộ của Cơ quan đại diện thu xếp chỗ ăn, ở cho đồng bào từ Ukraine sang. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào ta tại Ukraine và các nước rất đáng trân trọng, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Theo báo cáo của Đại sứ quán ta tại Ukraine, tính đến ngày 14/3/2022, phần lớn bà con ở Kiev, Odessa và Kharcov đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và tiếp tục sơ tán sang các nước lân cận, trừ một số người quyết định ở lại (đa số là để trông nom tài sản). Hiện số bà con còn lại ở một số khu vực khó di chuyển hơn như Mariupol, Kherson và Donesk do tình hình chiến sự căng thẳng, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Nga đang phối hợp với các hội đoàn hướng dẫn, tổ chức cho bà con sơ tán đến những khu vực an toàn khi điều kiện cho phép.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN vừa có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo cộng đồng NVNONN về công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine. Từ việc lắng nghe tình hình, tâm tư và ý kiến của cộng đồng, Thứ trưởng có thể cho biết những hoạt động và kế hoạch cụ thể tới đây?

- Trước hết phải nói, buổi làm việc đã được tổ chức rất đúng lúc và kịp thời, đạt được những kết quả tích cực và mục đích đề ra. Qua phản ánh trực tiếp từ bà con, các đơn vị liên quan trong Bộ và các cơ quan đại diện đã cập nhật về tình hình thực tế, có thêm thông tin để triển khai các biện pháp sát hơn với tình hình. Bên cạnh đó, buổi làm việc cũng là dịp để tăng cường kết nối, phối hợp trong và ngoài nước, giữa cộng đồng tại các nước không chỉ trong thời điểm khó khăn trước mắt mà còn về lâu dài nhằm hỗ trợ đồng bào tại Ukraine ổn định cuộc sống sau khi chiến sự kết thúc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các hội đoàn và bà con người Việt ở Ukraine và các nước lân cận đã nêu một số khó khăn, vướng mắc bà con đang gặp phải, cũng như đề đạt một số nguyện vọng với các cơ quan trong nước. Cụ thể là, bà con mong muốn Nhà nước sớm bố trí thêm các chuyến bay đưa bà con có nhu cầu về nước. Bên cạnh đó, bà con mong muốn được hỗ trợ bảo vệ tài sản còn đang để lại Ukraine. Do chiến sự xảy ra bất ngờ, bà con phải bỏ lại nhà cửa, tài sản mà mình đã gây dựng tại đây trong nhiều năm để lánh nạn. Nhiều người trở về nước với hai bàn tay trắng, phải làm lại từ đầu. Ngoài ra, bà con mong được tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp các giấy tờ cần thiết để về Việt Nam hoặc di chuyển sang các nước thứ ba.

Trước những khó khăn và nguyện vọng nêu trên của bà con, hiện Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ triển khai tốt công tác sơ tán bà con ra khỏi khu vực chiến sự và đưa công dân về nước. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong nước để vận động các nguồn lực hỗ trợ cho số bà con đang còn lại ở Ukraine và số bà con đang tạm trú tại các nước lân cận. Về vấn đề tài sản và giấy tờ của bà con, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết thuận lợi, nhanh chóng nhu cầu cấp phát giấy tờ để bà con có thể về nước hoặc di chuyển tiếp sang các nước khác. Bộ Ngoại giao cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để bảo đảm tài sản của bà con tại Ukraine.

Hiện tại, còn rất nhiều bà con người Việt Nam tại Ucraina đang đi sơ tán và tạm trú tại các nước. Đối với những người có nguyện vọng về nước nhưng chưa có cơ hội bay và những người ở lại chờ xin vào trại tị nạn tại một số nước, Bộ Ngoại giao cùng Ủy ban có những giải pháp gì để hỗ trợ kịp thời cho hai đối tượng này?

- Theo các cơ quan đại diện ta (tính đến 13/3/2022), số lượng người Việt từ Ukraine nhập cảnh vào các nước láng giềng là khoảng 4.629 người, trong đó số có nhu cầu về nước khoảng 1.100 người, số còn lại muốn di chuyển sang nước thứ ba hoặc quay trở về Ukraine khi tình hình ổn định trở lại. Ngoài ra, một số lớn bà con đang tập trung ở khu vực biên giới chờ làm thủ tục, hoặc đang di chuyển trên đường. Tại thành phố Lvov (phía Tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan), do tình hình còn tương đối an toàn nên tập trung rất đông bà con sơ tán về đây và đợi khi thuận lợi sẽ di chuyển sang Ba Lan. Phù hợp với chính sách tỵ nạn của EU, nhiều bà con đồng thời mang quốc tịch Ukraine đã di chuyển sang các nước khác như Đức, Czech và Italia.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước lân cận hướng dẫn, tổ chức cho bà con sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và sang các nước lân cận như Moldova, Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia.

Đồng thời, các cơ quan đại diện ta đã cử các đoàn công tác ra biên giới tổ chức, hỗ trợ bà con thủ tục nhập cảnh, di chuyển đến nơi cư trú an toàn, đã sử dụng kinh phí Quỹ bảo hộ công dân hỗ trợ bà con chi phí ăn ở, di chuyển trong nội địa, đồng thời vận động các hội đoàn người Việt hỗ trợ.

Cho đến nay các hội đoàn người Việt tại các nước tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện ta tổ chức, giúp đỡ rất hiệu quả người Việt sang lánh nạn tại các nước này trong việc đón, hỗ trợ nơi ăn ở, cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu cho bà con.

Đối với những người có nguyện vọng về nước nhưng chưa có cơ hội bay, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng trong nước đang nỗ lực tối đa, cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, để tiếp tục tổ chức các chuyến bay sớm đưa bà con về nước.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ba Lan, Romania và Nga đang tiếp tục tập hợp danh sách bà con có nhu cầu về nước, đồng thời tạo điều kiện giải quyết thuận lợi việc cấp phát giấy tờ cho số bà con này.

Ngoài ra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã có thông báo hướng dẫn thủ tục đăng ký đối với những bà con có nguyện vọng về nước.

Đối với các trường hợp có nhu cầu đi nước thứ 3, Đại sứ quán phối hợp với hội đoàn người Việt sở tại hỗ trợ, tổ chức đưa bà con ra các ga tàu để đi tiếp một cách trật tự; cấp phát các giấy tờ đi lại cần thiết theo đề nghị.

Đối với bà con ở lại để hưởng quy chế tị nạn của một số nước, các cơ quan đại diện Việt Nam cũng kịp thời đăng tải trên trang web chính thức của mình thông báo về chính sách của nước sở tại đối với người di tản từ Ukraine; phối hợp với các hội đoàn kết nối với các luật sư sở tại nhằm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho bà con; tạo điều kiện cấp giấy tờ cho bà con.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan đại diện và hội đoàn để bà con liên hệ khi cần được hỗ trợ. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục trao đổi với chính quyền các nước nhằm tạo thuận lợi cho số bà con này; hỗ trợ bà con kết nối với các hội đoàn người Việt sở tại để bà con nhanh chóng thích nghi, ổn định cuộc sống và hội nhập xã hội sở tại.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao dự kiến tiếp tục trao đổi với phía Ukraine đề nghị tiếp tục xem xét, áp dụng các biện pháp phù hợp (như thiết lập hành lang an toàn) để hỗ trợ các gia đình người Việt tại Ukraine được sơ tán đến khu vực an toàn và tạo thuận lợi giải quyết thủ tục xuất cảnh sang các nước lân cận (như Ba Lan..) để họ sớm được hồi hương theo nguyện vọng.

Đối với những người có nguyện vọng tiếp tục ở lại Ukraine, đề nghị Chính phủ Ukraine tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi, hỗ trợ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho họ.

Đối với những người đang tạm thời sơ tán tại một số nước lân cận để đợi khi tình hình tại Ukraine ổn định sẽ quay lại nước này, Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Ukraine tạo thuận lợi cho họ trở về Ukraine cư trú ổn định, lâu dài, đảm bảo các quyền về tài sản hợp pháp tại Ukraine.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Gửi cho bạn bè