Thứ Hai, 20/5/2024
Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo

 Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành của Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay ngành giáo dục cả nước có gần 1.251.568 nhà giáo và 154.200 cán bộ quản lý giáo dục, 22.415.537 học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và quản lý trực tiếp 3 đại học vùng (với 23 trường thành viên), 36 trường đại học, học viện, trường cao đẳng. Những năm qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo quán triệt, triển khai việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong toàn ngành theo tinh thần các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Nội vụ. 

Thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phát huy được tinh thần làm chủ, trí tuệ, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ trong các nhà trường đã từng bước được ngăn chặn và giải quyết kịp thời, góp phần làm giảm các khiếu kiện vượt cấp. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đào tạo công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ viên chức với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, công khai những vấn đề liên quan đến tài chính; tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự; hoạt động đào tạo, tuyển sinh… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” đối với các cơ sở giáo dục sang “giao quyền và giám sát”. Các trường chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục trên cơ sở phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học. Vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành, nhất là của Hiệu trưởng, ban giám hiệu, hội đồng nhà trường, các tổ chức đảng, đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, hội phụ huynh học sinh được phát huy…


 Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí trong Đoàn kiểm tra Trung ương đã đặt nhiều câu hỏi, trao đổi, phân tích gợi mở để làm rõ thêm vai trò, ý thức, trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở Bộ trong xây dựng, tổ chức, thực hiện QCDC ở cơ sở của ngành giáo dục và đạo tạo trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nói chung, của phụ huynh, học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành nói riêng. Qua đó, góp phần khắc phục những mặt hạn chế, những “điểm nóng” và vấn đề gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đáp ứng mong muốn, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với việc tổ chức triển khai những chủ trương, chính sách của ngành trong thực tiễn hiện nay. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành giáo dục và đào tạo cần đưa tinh thần làm chủ vào giáo dục từ cấp học mầm non, phổ thông đến đại học để tạo nên một thế hệ tương lai có tinh thần làm chủ và coi phát huy quyền làm chủ của giáo viên, học sinh là cơ sở để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đề nghị ngành giáo dục và đào tạo phải làm tốt QCDC ở cơ sở để giảm bớt những hạn chế, tiêu cực gây bức xúc cho xã hội như: dạy thêm, học thêm; lạm thu; không trung thực trong đánh giá học sinh, tuyển dụng giáo viên… Phó Thú tướng cũng lưu ý, sắp tới ở các trường sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho hiệu trưởng; vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các văn bản, đặc biệt là quy chế mẫu trong các cơ sở giáo dục, quy định cụ thể trách nhiệm thực hiện QCDC ở cơ sở để phát huy quyền làm chủ của hiệu trưởng, ban giám hiệu, hội đồng trường, các tổ chức đảng, đoàn thể trong nhà trường, cũng như của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên cũng như Nhân dân…


 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở ghi nhận những kết quả đã đạt được trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở Bộ thời gian qua. Tán thành các ý kiến phát biểu, đặc biệt là của đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Trương Thị Mai khẳng định thực hiện QCDC ở cơ sở của ngành giáo dục và đào tạo là yêu cầu tất yếu khách quan để điều chỉnh và thúc đẩy quá trình đổi mới, tiến bộ, phát triển của ngành theo yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” đã đề ra. Trong đó, thực hiện QCDC ở cơ sở không thể tách rời với quá trình chỉ đạo, điều hành, hoạt động quản lý, chuyên môn của ngành. Thách thức về đổi mới, dân chủ, thẳng thắn, công khai, minh bạch trong toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo hiện nay cũng chính là cơ hội để ngành nắm bắt, vượt lên vì sự phát triển chung của đất nước; trong đó phải bắt đầu giáo dục và xây dựng môi trường dân chủ cho thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.

Nhắc đến những giá trị bền vững về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân của Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở… đã và đang được các cơ quan Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa; đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong nội bộ hệ thống ngành cũng như trong mối quan hệ giữa ngành với xã hội, với toàn thể Nhân dân phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay. 


 Đồng chí Trương Thị Mai tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo và ngành giáo dục cả nước nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện dân chủ trong nội bộ ngành và toàn xã hội. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở của ngành để khắc phục ngay những bức xúc của Nhân dân. Thực hiện dân chủ phải đi vào thực chất, hiệu quả để sớm khắc phục 03 hạn chế trong thực hiện QCDC ở cơ sở ở đã được chỉ ra là: tính hình thức; việc áp đặt, mệnh lệnh hành chính trong quản lý, điều hành; tình trạng thiếu dân chủ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Bộ quan tâm thực hiện dân chủ trong khối giáo dục ngoài công lập, ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống giáo dục của đất nước.


Đồng chí Trương Thị Mai trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017, đồng chí Trương Thị Mai thay mặt Ban Dân vận Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở đã tặng hoa và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo và ngành giáo dục cả nước. Đồng chí Trương Thị Mai cũng đại diện Ban Dân vận Trung ương trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận cho đồng chí: Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đồng chí Nguyễn Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin và ảnh Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất