Thứ Năm, 5/12/2024
Mẫu hệ Tây Nguyên – Nét văn hóa đặc trưng

Chế độ mẫu hệ tồn tại trong dòng họ và gia đình Tây Nguyên từ hàng trăm năm nay, hình thành từ đặc điểm quần hôn nguyên thủy. Khi đó, người ta chỉ có thể nhận biết rõ ràng về mẹ, người đã hoài thai và sinh ra mình. Người mẹ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý, chia bôi lương thực, thực phẩm. Nói rộng ra là nắm giữ sự ăn (sao cho đủ đầy) và mặc (che đậy thân thể) hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, trong một gia đình. Do vậy, việc trong nhà do người đàn bà cai quản, còn giao tiếp với xã hội và cộng đồng do người đàn ông nhận lãnh (thậm chí thay mặt vợ kế nhiệm chủ bến nước). Cũng từ tập quán của tộc người mà các đặc trưng văn hóa riêng dần trở thành truyền thống. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, với sự thay đổi phương thức sản xuất cùng việc giao thoa văn hóa vùng miền, nhiều tộc người Tây Nguyên đã chuyển dần từ mẫu hệ truyền thống sang vai trò phụ hệ. Cho đến nay, chỉ còn một số ít tộc người như: Ê Đê, Jrai, Rơ Măm… là vẫn bảo lưu những đặc trưng cơ bản của chế độ mẫu hệ.


 Phụ nữ Mnông truyền dạy nghề gốm

Mẫu hệ Tây Nguyên trước 1975 phản ánh rõ nét trong nhiều phong tục, tập quán, nổi lên 3 đặc điểm chi phối chính gồm: của cải, tước vị truyền theo dòng nữ; hôn nhân do nhà gái chủ động, đàn ông cư trú bên nhà vợ; con cái sinh ra mang họ mẹ. Khi cha mẹ qua đời hoặc con gái đi lấy chồng (thậm chí cả con nuôi), của cải sẽ được sẻ chia cho từng người, tùy theo mức độ gia đình ấy có. Bất cứ việc lớn nhỏ gì trong gia đình, ý kiến quyết định cuối cùng vẫn là của người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà. Hôn nhân và họ của con cái vẫn giữ nguyên theo tập tục cũ.

Theo tập quán tự cung, tự cấp truyền thống, trong mỗi gia đình Tây Nguyên đều có sự phân công lao động rõ ràng giữa người phụ nữ và người đàn ông. Việc cúng kiếng do người đàn ông thực thi, nhưng nuôi, trồng, gặt hái lương thực, thực phẩm (lúa gạo, bắp, heo, gà, rượu cần…) phục vụ chính gia đình, dùng trong các lễ cúng là trách nhiệm của phụ nữ. Khi còn làm rẫy luân khoảnh, có một đám lúa chỉ để dùng nấu cơm dâng lên các vị Yàng linh thiêng phải do người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình tự tay gieo trồng, suốt từng nhánh lúa, giã thành gạo, nấu thành cơm để đảm bảo sự sạch sẽ, trân kính.

Ngày nay, người phụ nữ không còn quán xuyến quá nhiều về kinh tế gia đình, nhất là đối với quy trình kỹ thuật canh tác cà phê, điều, cao su hay làm lúa nước. Vai trò chính dần chuyển sang cho những người đàn ông trong gia đình, nhất là những khi tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật (mặc dù việc giữ túi tiền, mua bán gì vẫn phải có ý kiến và sự đồng thuận của người phụ nữ). Đối với người Ê Đê, Jrai, Rơ Măm…, hôn nhân vẫn do nhà gái chủ động, đàn ông cư trú bên vợ và con cái sinh ra mang họ mẹ. Thậm chí nếu vợ qua đời trước, người chồng có thể phải trở về nhà mình với 2 bàn tay trắng nếu không có sự tái hôn với người trong dòng họ vợ (theo tục cuê nuê-nối dây).

Trong một số những đặc trưng văn hóa tiêu biểu cho từng tộc người, ngoài kiến trúc nhà, nghề thủ công còn có ngôn ngữ, trang phục và nghệ thuật diễn xướng. Vậy vai trò của mẫu hệ ra sao ở các lĩnh vực này?

Lớn nhất và quan trọng nhất chính là trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đối với gia đình, việc gìn giữ tiếng nói, để con cái dẫu lớn lên và đi khỏi cộng đồng vẫn không “mù tịt” tiếng mẹ đẻ thì mẹ là người đầu tiên cùng các con lưu truyền, duy trì ngôn ngữ của tộc người. Bên cạnh đó, khi các thành viên trong gia đình cần có trang phục truyền thống (ví dụ như huyện Đak Glei của tỉnh Kon Tum, TP. Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk có quy định học sinh vùng dân tộc thiểu số phải mặc trang phục truyền thống đến trường 2 ngày/tuần), người mẹ phải chuẩn bị cho con, dẫu là tự dệt hay là mua ở đâu đó. Đồng thời, họ cũng là người gìn giữ và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ các thế hệ sau của gia đình.

Trong các bữa ăn hàng ngày hiện nay, mẹ là người nấu nướng các món ăn truyền thống và dạy lại cho con gái cách chế biến. Đơn giản chỉ là những bữa ăn thường ngày trong gia đình, cũng có thể có những món rau củ quả “cây nhà lá vườn” mọc hoang trong rừng rẫy mà mẹ đem về như lá bép, đọt mây, trái núc nác hay khổ qua, mướp rừng…

Khi hỏi chồng cho con gái hoặc gả con trai về nhà vợ, chính là người mẹ phải tính toán hoán đổi những hiện vật như trâu, bò, heo, thổ cẩm, rượu cần, ching chiêng, vòng đồng… truyền thống trước kia thành vật chất hiện tại (tiền, vàng, chăn mền, heo, gà, chai rượu…) làm của hồi môn để mang sang nhà trai hoặc ngược lại làm lễ vật dẫn cưới cho nhà gái.

Bà, mẹ cũng là người lưu giữ và trao truyền những câu hát dân ca, hát ru. Đêm đêm ôm con nằm trong chăn ấm bên bếp lửa nhà sàn, mẹ thủ thỉ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn của dân tộc mình về loài vật, để từ đó gieo từng hạt giống nhỏ vào giấc mơ, vào tâm hồn sạch tinh của con về những điều hay nên làm, điều dở nên tránh từ thuở bé thơ.

Tất nhiên những người đàn ông cũng tham gia vào việc gìn giữ, lưu truyền văn hóa truyền thống, khi họ nhất trí với việc con cháu mang họ của dòng nữ; hay khi đắm mình trong nhịp điệu tấu ching chiêng, đan các vật dụng gùi, nong, nia, rổ rá bằng mây tre, lồ ô, hoặc làm các nhạc cụ tre nứa, hát làn điệu dân ca lúc tự sự, khi rộn ràng. Nhưng quán xuyến hơn cả vẫn là người phụ nữ. Với ý thức trách nhiệm sẵn có trong tâm thức, phụ nữ chính là những người làm tốt nhất việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của tộc người./.

Nguồn: baogialai.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi