Thứ Hai, 29/4/2024
PCI 2019- Vĩnh Phúc đứng đầu về Chỉ số gia nhập thị trường

Chỉ số PCI do VCCI (Phòng TM&CN Việt Nam) và USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2019 đã cho thấy một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Đối với Vĩnh Phúc, một số chỉ số thành phần PCI của địa phương năm 2019 có sự cải thiện đáng đáng kể, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ số Gia nhập thị trường của Vĩnh Phúc từ vị trí thứ 56 năm 2018 vươn lên đứng thứ nhất cả nước (8,65 điểm).

Chỉ số gia nhập thị trường theo tiêu chí của VCCI gồm 10 chỉ tiêu thành phần liên quan chủ yếu đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động.

Theo số liệu VCCI cung cấp, trong năm 2019, tỉnh có 10/10 chỉ tiêu đều được cải thiện, gồm: Số ngày đăng ký doanh nghiệp (giảm từ 5 ngày xuống 4 ngày); số ngày thay đổi đăng ký doanh nghiệp (giảm từ 4,5 ngày xuống 4 ngày); tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động giảm từ 16% (năm 2018) xuống còn 12% và thấp hơn mức bình quân của cả nước (16%); tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành các thủ tục để chính thức hoạt động giảm từ 4% (năm 2018) xuống còn 0% và thấp hơn mức bình quân của cả nước (3%); tỷ lệ doanh nghiệp làm thủ tục ĐKDN qua phương thức mới: tăng từ 4% (năm 2018) lên 45% và cao hơn mức bình quân của cả nước (41%); thủ tục (thay đổi) ĐKDN được niêm yết công khai: tăng từ 72% (năm 2018) lên 88% và cao hơn mức bình quân của cả nước (75%); cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ: tăng từ 83% (năm 2018) lên 96% và cao hơn mức bình quân của cả nước (79%); cán bộ am hiểu chuyên môn: tăng từ 62% (năm 2018) lên 85% và cao hơn mức bình quân của cả nước (63%); cán bộ nhiệt tình, thân thiện: tăng từ 69% (năm 2018) lên 81% và cao hơn mức bình quân của cả nước (74%); ứng dụng CNTT tốt: tăng từ 17% (năm 2018) lên 62% và cao hơn mức bình quân của cả nước (37%).

Như vậy, chỉ số gia nhập thị trường của Vĩnh Phúc đã được cải thiện cả về thứ hạng và điểm số. Có được kết quả trên là nhờ sự triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.

Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện chỉ số này, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp tục cải thiện phương pháp làm việc, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh đăng ký kinh doanh; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục đăng ký mẫu dấu, bố cáo thành lập doanh nghiệp.

Tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quyết liệt ứng dụng CNTT nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng; nâng cao trình độ, tinh thần thái độ của cán bộ một cửa.

Tin rằng, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến tỉnh Vĩnh Phúc đều là công dân của tỉnh Vĩnh Phúc”, Vĩnh Phúc tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, để trong thời gian tới, tỉnh sớm quay trở lại và duy trì vị trí xếp hạng PCI trong nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước.

Hải Yến

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất