Thứ Bảy, 20/4/2024
Những Nghị quyết vì dân ở Vĩnh Phúc

Trưa ngày 16/5, ngay khi tiếp nhận thông tin người dân đi cách ly tập trung sẽ được tỉnh hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày, không chỉ những người trực tiếp được thụ hưởng mà cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung của tỉnh cũng không giấu được vui mừng, xúc động. Không vui sao được khi những ngày trước đó, ngoài nỗ lực làm tốt nhiệm vụ đón tiếp, bố trí nơi ăn, chốn ngủ cho người đi cách ly, trong đó nhiều F1 có nguy cơ cao sẽ trở thành F0, họ còn phải kiêm luôn cả nhiệm vụ động viên người đi cách ly đồng ý đặt cơm của nhà bếp để có đủ sức khỏe, tinh thần chống giặc Covid-19.


 Dù Nhà nước đã có quy định về việc người thực hiện cách ly phải tự trả chi phí
nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quyết định chia sẻ với khó khăn của người dân
bằng cách hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày

Tâm sự với chúng tôi, chị Hà Thị Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lập Thạch đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch bảo, nhiều người đi cách ly có hoàn cảnh khó khăn lắm, cả gia đình một ngày chỉ tiêu hết chừng 20 - 50.000 đồng, giờ vào đây đã không làm ra tiền, một ngày tiêu tốn gần 100.000 đồng, họ sẽ không dám bỏ ra đâu. Tại khu cách ly này đã có trường hợp cả ngày không ăn cơm, chỉ ăn vài ba chiếc bánh, kẹo mang theo; có gia đình 6 người với 3 thế hệ cùng đi cách ly nhưng chỉ dám đặt 2 suất cơm rồi chia nhau. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên họ dù thế nào cũng phải cố gắng ăn uống mới có sức khỏe, khi được về nhà lại lao động kiếm tiền sau, cũng chưa dám thu bất kỳ đồng tiền ăn nào của người đi cách ly, mà nếu có thu chắc chắn họ cũng đâu có tiền để nộp. Thế nên, khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày cho người dân khi đi cách ly tập trung, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Mấy hôm nay, bữa ăn nào tại khu cách ly cũng rôm rả, cán bộ đi chia cơm không còn cảm giác áy náy, còn người dân ai cũng phấn khởi, nhiều người còn bảo “cơm cách ly ngon gấp nhiều lần cơm nhà”.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ tiền ăn của tỉnh với các trường hợp cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19, Thượng tá Bùi Minh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, phụ trách khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 834, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên cho biết: Hiện đơn vị đang thực hiện cách ly cho gần 500 trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính Covid-19, trong đó, có nhiều người là lao động tự do, đối tượng yếu thế trong xã hội nên kinh tế rất khó khăn. Khi phải cách ly tại đơn vị, có người chỉ đặt một suất cơm rồi nửa ăn trưa, nửa để dành đến tối, cũng có người đã trực tiếp đề nghị giảm khẩu phần ăn để giảm chi phí nên khi được biết tỉnh sẽ hỗ trợ tiền ăn trong thời gian thực hiện cách ly tập trung, ai cũng phấn khởi, yên tâm thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch.

Do liên quan đến ổ dịch Sunny nên chị Đỗ Thị Nga, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô cùng chồng và con trai phải thực hiện quyết định cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Sông Lô từ ngày 4/5. Khi mới cách ly, ngoài việc lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân, điều chị băn khoăn nhất là làm sao có đủ tiền để trả chi phí ăn uống, xét nghiệm bởi nếu tính nguyên tiền ăn 80.000 đồng/ngày, trong 21 ngày cách ly, 3 người nhà chị đã mất khoảng 5 triệu đồng, chưa kể đến tiền xét nghiệm và các chi phí phát sinh khác. Vì vậy, khi nghe cán bộ khu cách ly thông báo sẽ được hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, chị Nga bật khóc vì bất ngờ. “Mình đã ăn thì đương nhiên phải bỏ tiền ra rồi. Nhưng chúng tôi đều là lao động tự do, không có thu nhập ổn định, phải thực hiện cách ly không được làm việc thì không biết lấy đâu tiền để chi trả. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của tỉnh khiến chúng tôi rất xúc động, tin tưởng, yên tâm hoàn thành việc cách ly để phòng chống dịch theo quy định”, chị Nga chia sẻ.

Quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời chuyển trạng thái từ thời bình sang "thời chiến" để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu thực tế đặt ra. Đặc biệt, luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, sáng 16/5, trong kỳ họp đột xuất cuối cùng của nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tập trung để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cách ly do cấp có thẩm quyền quyết định, với mức hỗ trợ 80 nghìn đồng/người/ngày.

Ngoài Nghị quyết kể trên, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua các chính sách khác như: Hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2022 với nguồn kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác; hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các đối tượng mở rộng có nguy cơ lây nhiễm, tầm soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh; quy định về mức giá tạm thời đối với dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, người từ 18 tuổi trở lên có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú hơn sáu tháng trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 miễn phí, ước tính số tiền chi cho hoạt động này khoảng 342 tỷ đồng. HĐND tỉnh cũng quy định về mức giá tạm thời đối với dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, giá dịch vụ xét nghiệm Real-time PCR đối với một mẫu đơn là 734.000 đồng; giá xét nghiệm đối với mẫu gộp giảm dần từ gộp hai đến gộp 10, thấp nhất là 247.582 đồng; giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên là 238.000 đồng/mẫu.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân chủ động xét nghiệm Covid-19 để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh đi đầu cả nước yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 100% công nhân lao động bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Đây là những quyết sách đúng đắn nhằm phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm để các doanh nghiệp chủ động tham gia và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Việc cụ thể hóa quan điểm nhất quán “Mọi cơ chế, chính sách của tỉnh đều hướng tới mục tiêu cao nhất là sức khỏe, tính mạng, đời sống của nhân dân và người dân phải là những người đầu tiên được hưởng thành quả từ sự phát triển” như lời lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã khẳng định bằng những cơ chế, chính sách “vì dân” đang được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là khi lòng dân đã thuận, Vĩnh Phúc sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid-19, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

PV

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất