Thứ Tư, 4/12/2024
Sắc xuân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng

 Diện mạo vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc

Đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ trên 35,4% tổng dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là Chương trình). Từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng sinh kế đã tạo đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi từ diện mạo nông thôn đến mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

Có dịp về những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự đổi thay, những luồng gió mới trong đời sống của người dân địa phương. Từ nguồn vốn Chương trình, trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân trên 72 tỷ đồng đầu tư xây dựng 113 công trình, gồm 81 công trình lộ, 21 cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ, đồng thời duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng tại những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Những con lộ được bê tông hóa còn mới toanh dài thẳng tắp nối ấp liền ấp, nhiều cây cầu giao thông nông thôn cứng hóa, rộng rãi đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.


 Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi khi được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình

Bà Đinh Thị Sa Thi, ấp KoKô, xã Tân Hưng, huyện Long Phú chia sẻ: “Trước đây, chưa có lộ bê tông, chưa có cầu giao thông bê tông chắc chắn, việc đi lại, giao thương của người dân trong ấp tương đối khó khăn, muốn ra lộ lớn phải đi đường vòng hoặc di chuyển bằng ghe qua sông. Giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, đường chắc chắn, thông thoáng, người dân trong ấp rất phấn khởi. Từ nay, việc đi lại, sản xuất của người dân địa phương đã được thuận lợi hơn”.

Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình đã hỗ trợ nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đón xuân năm nay, đồng bào Khmer xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú tràn đầy niềm tin và phấn khởi khi diện mạo nông thôn địa phương đã “thay áo mới”. Nhờ được đầu tư nhiều công trình giao thông nông thôn từ nguồn vốn Chương trình đã góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về giao thông, qua đó về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023. Về Phú Mỹ hôm nay, đi theo con đường từ trung tâm xã dẫn về các ấp, trước mắt chúng tôi là những căn nhà mái ngói kiên cố, những ngôi trường khang trang, những ngôi chùa Khmer rực rỡ như tô điểm thêm sắc xuân cho năm mới.

Cùng với việc được đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng còn được tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thông qua việc được hỗ trợ đất ở, nhà ở và hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế từ các dự án thuộc Chương trình. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho trên 100 hộ, nhà ở cho trên 1.400 hộ, chuyển đổi nghề cho trên 3.400 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho trên 850 hộ, 4 công trình nước tập trung và triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng với nguồn vốn giải ngân trên 163 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương được “an cư, lạc nghiệp”, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên làm giàu, đóng góp công sức xây dựng địa phương.

Ông Lâm Minh Tâm, ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 khẩu, thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Công việc chính của tôi là làm phụ hồ, thu nhập cũng bấp bênh, không có điều kiện để sửa sang lại nhà cửa. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng, tôi bỏ công xây dựng nên gia đình có căn nhà khang trang hơn. Giờ có nơi ở ổn định, tôi và các thành viên trong gia đình sẽ tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững”.


 Nhờ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình

Chung niềm vui với ông Lâm Minh Tâm, anh Liêu Khỏe ấp Bưng Thum, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên cũng phấn khởi khi vừa được hỗ trợ đất ở, nhà ở và chuyển đổi nghề. Anh Liêu Khỏe cho biết: “Công việc chính của tôi là thợ xây nên thường xuyên phải đi thuê các dụng cụ phục vụ cho công việc. Nhờ được địa phương hỗ trợ máy trộn hồ, tôi tiết kiệm được chi phí để thuê công cụ, qua đó tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được hỗ trợ thêm đất ở và nhà ở. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời là nguồn động viên rất lớn cho tôi và gia đình”.

Sắc xuân trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang góp phần tô điểm cho mùa xuân chung của toàn tỉnh với nhiều niềm tin, hy vọng. Sự đổi thay hôm nay là minh chứng cụ thể cho những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và truyền thống đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa tỉnh Sóc Trăng. Với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực, vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo quê hương và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sẽ ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh./.

(baosoctrang.org.vn)


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất