Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 11 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.
|
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp của người đồng bào dân tộc thiểu số
xã Trung Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao
|
Trước đây, Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên từng được biết đến là một trong những xã nghèo của huyện, với 58% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Song, với việc tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung khai thác thế mạnh về danh lam, thắng cảnh, di tích tâm linh và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ... Từ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ rệt, việc làm ổn định, thu nhập của Nhân dân trong xã nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng cao.
Theo đồng chí Lưu Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã: Từ sự định hướng của chính quyền địa phương, khuyến khích tạo điều kiện để người dân tham gia lao động sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, đến nay, xã Trung Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao từ các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, như mô hình chăn nuôi gà, trồng nho hạ đen, các mô hình kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ, dịch vụ giải trí… Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm, tăng 15,4% so với năm 2022.
Là một trong những xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 53% dân số toàn xã, những năm qua, người dân trên địa bàn xã Yên Dương, huyện Tam Đảo cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Yên Dương hiện có 8 thôn, trong đó, 4 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; vận động, khuyến khích các hộ dân khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ đó, nhiều hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu, kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... Không những thế, UBND xã còn phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp đưa các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình sản xuất sản phẩm OCOP ở các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng, nhân rộng các mô hình tại địa phương. Việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Đến nay, xã Yên Dương chỉ còn 7 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế. Theo kế hoạch, hằng năm, tỉnh hỗ trợ mỗi xã xây dựng 1 mô hình/dự án chăn nuôi lợn tập trung, 1 mô hình/dự án trồng cây ăn quả, hoặc rau an toàn với nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ tương ứng là 50% và 70%, tối đa không quá 3 tỷ đồng/mô hình. Đồng thời, hỗ trợ mỗi xã từ một đến 3 mô hình/dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2023, tại 11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã có 8 sản phẩm đạt chất lượng OCOP từ 3 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên 22 sản phẩm. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xây dựng 2 mô hình trồng cây ăn quả và 1 mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 159 hộ, đối tượng người dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn và trung hạn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 230 lao động là người dân tộc thiểu số.
Với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, kinh tế của các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm gần đây tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đạt 48 triệu đồng/người/năm, thì năm 2022 tăng hơn 1,2 lần, đạt 51,6 triệu đồng/người/năm và đến năm 2023, đạt gần 54 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32%./.
(vinhphuc.gov.vn)