Thứ Tư, 24/4/2024
Mô hình tuyên vận ở Lào Cai

 Dòng họ tự quản là một hoạt động phản ánh hiệu quả công tác tuyên vận ở cơ sở.
Trong ảnh: Buổi lễ ra mắt dòng họ Cư - Ngải - Lồ tại xã Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai)

Hướng về cơ sở

Mới đây tại xã Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai) đã diễn ra lễ công bố quyết định và ra mắt mô hình dòng họ Cư, Ngải, Lồ tự quản. Ba dòng họ cư trú tại các thôn: Phố Mới, Phố Cũ, Phố Thầu thuộc xã Si Ma Cai và một số thôn thuộc các xã lân cận. Trong đó, dòng họ Cư có 59 hộ; dòng họ Ngải có 30 hộ; dòng họ Lồ có năm hộ. Ba dòng họ có truyền thống gắn bó lâu đời, thống nhất thành lập mô hình tự quản với các cam kết cùng nhau chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi gia đình trong dòng họ… Đây là mô hình dòng họ tự quản thứ 32 của huyện Si Ma Cai, ghi nhận hiệu quả thành công của mô hình công tác “tuyên vận” trên địa bàn huyện.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm (2012-2016) hiệu quả của mô hình tạo nên động lực mới trong củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Các huyện như Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng đã coi trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống cộng đồng .

Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Lý Bình Minh cho biết: Thông qua mô hình, việc chuyển tải thông tin, chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương tới nhân dân được thực hiện thống nhất, nền nếp hằng tháng từ tỉnh đến cơ sở tạo nên sự đồng thuận, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tại những địa bàn kinh tế khó khăn, người dân mỗi huyện đã huy động hàng chục tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; đồng thời huy động nguồn lực cho giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, huyện Bắc Hà giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 43% năm 2012 xuống còn gần 18%; huyện Mường Khương từ gần 64% năm 2010 xuống còn 20% vào năm 2016…

Phát triển đảng viên, thành lập chi bộ nơi thôn, bản chưa có tổ chức Đảng nhiều năm qua là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh, cũng là nội dung được tập trung tiến hành khá hiệu quả của công tác “tuyên vận” ở cơ sở. Sau ba năm đảng bộ tỉnh đã thành lập mới 751 chi bộ ở thôn, bản. Năm 2015, Đảng bộ tỉnh đạt mục tiêu toàn bộ thôn, bản (1.700) có chi bộ độc lập.

Xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai), hai năm gần đây có số đảng viên kết nạp bằng 5 năm trước cộng lại. Bí thư Đảng ủy xã Giàng Lố Pao nêu kinh nghiệm: Thông qua công tác tuyên vận, chi bộ, các tổ chức quần chúng cùng vào cuộc, cùng giáo dục, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, nâng cao trình độ giác ngộ của họ để có thể kết nạp đảng viên.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, thực tế sau 5 năm vận hành, mô hình đã góp phần chuyển tải quyết tâm chính trị từ các nghị quyết của Đảng đến từng đảng viên, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng người dân các dân tộc toàn tỉnh.

Giải pháp và sự vận hành

Đến nay, mô hình “tuyên vận” của tỉnh Lào Cai đã được triển khai, thực hiện tại toàn bộ các xã, phường, thị trấn và thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh. Trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đối với công tác “tuyên vận” được nâng lên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Hà Thị Nga nhận xét: Mô hình đã quy định hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và huyện hướng mạnh về cơ sở với những nội dung, yêu cầu thiết thực, cụ thể. Mối quan hệ trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động của cán bộ các cơ quan tỉnh, huyện, xã được gắn kết chặt chẽ, thường xuyên.

Trong quá trình triển khai mô hình, tỉnh đã cấp hơn 34 tỷ đồng phục vụ hoạt động của các tổ “tuyên vận” thôn, bản, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, công tác kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn... Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai Đỗ Văn Lược cho biết: Việc đầu tư, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa thông tin (nhất là hệ thống loa truyền thanh, nhà văn hóa) ở cơ sở được quan tâm đầu tư, bổ sung tập trung, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã sáp nhập Ban tuyên giáo và Khối dân vận thành Ban “tuyên vận”. Cấp thôn thành lập các Tổ “tuyên vận” với nòng cốt là đội ngũ báo cáo viên và cán bộ dân vận trong thôn, xã, đặt dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư chi bộ thôn.

Quá trình này, các huyện ủy, thành ủy đã phát huy tốt vai trò là đầu mối chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác được đổi mới căn bản, có chiều sâu, được lượng hóa hằng tháng. Mô hình “tuyên vận” góp phần quan trọng nâng cao năng lực thực tiễn, nhất là kỹ năng tổng hợp, phân tích, thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin; bản lĩnh chính trị và cơ hội phát triển cho đội ngũ cán bộ cơ sở. 5 năm qua tại các địa phương đã có 46 đồng chí phó trưởng ban “tuyên vận” được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền tại xã. Có 285 tổ trưởng tổ “tuyên vận” được điều chuyển từ thôn lên làm cán bộ xã.

Để nâng cao vai trò lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở đảng ở Lào Cai, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, trước hết cần tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị. Lãnh đạo các cấp cần đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, sâu sát cơ sở, thấu hiểu cán bộ và nhân dân, đủ năng lực vận động và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Đây cũng là một trọng tâm lãnh đạo của các cấp ủy trong giai đoạn hiện nay./.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 16/2/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất