Thứ Bảy, 27/4/2024
Vai trò của người cán bộ dân vận
Dù bằng con đường nào, khi đã trở thành cán bộ dân vận, họ đều có chung niềm vui, nỗi buồn, sẽ dần hình thành và thể hiện vai trò, trách nhiệm và vinh dự của người cán bộ dân vận. Cụ thể là:


1. Người tiếp nhận

Cán bộ dân vận là người tiếp nhận nhiều nguồn thông tin, vì vậy họ cần phải:

- Biết lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mọi người;

- Biết gợi mở những điều sâu kín, hiểu được những điều mà người dân chưa nói ra;

- Chia sẻ, giữ lòng tin với những người phản ánh, phê bình, đề xuất;

- Chọn lọc để vận dụng những kinh nghiệm hay từ thực tiễn vào từng hoàn cảnh cụ thể công việc của mình;

- Ghi nhận ở mọi lúc, mọi nơi những điều cần cho công tác dân vận.

2. Người hướng dẫn

Cán bộ dân vận luôn hoạt động để đem lại sự thay đổi và tiến bộ, họ cần phải:

- Cổ vũ cho việc áp dụng cái mới, mô hình hay;

- Biết cách làm cho mọi người tin rằng, dù công việc có khó khăn mấy cũng có thể làm được;

- Khi cần, dám nhận việc khó để mình làm trước;

- Luôn có sẵn các tư liệu, tài liệu, thông tin về sự vươn lên và thành công của những người tốt, việc tốt để mình làm theo và hướng dẫn người khác làm theo.

3. Người bạn tốt

Coi mình là thành viên của một tập thể, người cán bộ dân vận luôn sẵn sàng là người bạn tốt của mọi người:

- Sẵn sàng tiếp và giúp đỡ mọi người khi họ cần mình;

- Sống giản dị, không câu nệ vào nghi thức, không làm cho mọi người xa lánh;

- Việc giúp được mới hứa, hứa rồi phải thực hiện cho kỳ được;

- Cảm thông và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bè bạn, anh em, đồng nghiệp.

4. Người đối thoại

Với trách nhiệm của mình, người cán bộ dân vận phải là người:

- Biết trình bày trước tập thể, bảo vệ ý kiến đúng của mình với cấp trên;

- Dám phản ánh, nêu vấn đề mà mọi người cần mình nói;

- Biết đối đáp và thuyết phục khi mình là đại diện của tập thể;

- Dám nhận khuyết điểm để sửa chữa, biết chờ đợi và suy ngẫm trước những ý kiến khác với mình.

5. Người biết yêu thương

Người cán bộ dân vận biết yêu thương con người, yêu công việc theo ý nghĩa của một con người chân chính:

- Là tin tưởng, độ lượng;

- Là cao thượng, hết mình;

- Là chân thành, chung thủy;

- Là giúp nhau, cùng chia sẻ;

- Là kiên định, chấp nhận khó khăn;

- Là trọn vẹn, trung thực.

Trong Bài ca mùa xuân 1961, nhà thơ Tố Hữu đã truyền cho ta sức mạnh và niềm tin:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người, sống để yêu nhau

Đảng cho ta trái tim giàu

Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!

Tùy theo cương vị và trách nhiệm của mình, người cán bộ dân vận phải luôn học hỏi, suy ngẫm, vượt lên trên cá nhân mình, dồn tâm lực cho công việc, đưa lại lợi ích cho cộng đồng, cho tập thể thì mới để lại được dấu ấn, ảnh hưởng tốt đẹp của mình và của tổ chức trong lòng mọi người. Cán bộ nào, phong trào ấy.

Cuộc sống luôn chứng minh rằng, con người sống có ý nghĩa khi biết giúp ích cho đồng loại; tôn trọng người khác sẽ được đáp lại bằng lòng trân trọng. Không có nghệ thuật nào hơn "cái tâm”, sống có tình người.

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất