Thứ Hai, 11/11/2024
Nghiệp vụ công tác của cán bộ dân vận: Điều tra dư luận, điều tra xã hội học những vấn đề liên quan tới quần chúng

Dư luận xã hội phản ánh tâm trạng, thái độ của các nhóm xã hội, các cộng đồng dân cư. Nó giúp cho một cơ quan, một cấp lãnh đạo nào đó nhìn nhận, đánh giá công việc và con người đầy đủ, toàn diện hơn. Nó cũng giúp cho người cán bộ dân vận dự báo về chủ trương hoặc công việc tiến hành diễn biến như thế nào, khó khăn hay thuận lợi, từ đó mà điều chỉnh chủ trương cho sát hợp. Dân gian thường nói: “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”;hữu xạ tự nhiên hương"; ý dân là ý trời”;…

Bác Hồ từng dạy: “Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay". Người còn dạy: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

1. Điều tra dư luận quần chúng

Điều tra dư luận quần chúng là một biện pháp khoa học, giúp người cán bộ dân vận có thêm căn cứ để quyết định chủ trương công tác.

a) Trường hợp cần điều từ dư luận quần chúng

Trong công tác dân vận có những trường hợp cần tiến hành điều tra dư luận quần chúng, nhất là ở cơ sở. Chẳng hạn:

- Một chủ trương mới ban hành. Ví dụ: giao đất rừng; chuyển đổi cây trồng; cho vay vốn làm kinh tế hộ; thu hồi đất làm công trình công cộng;…

- Có vấn đề phức tạp nảy sinh ở địa phương cơ sở. Ví dụ: nảy sinh tranh chấp đất đai giữa hai thôn; giải tỏa mặt bằng làm công trình công cộng mà người dân không đồng tình; chính quyền xử lý vụ việc nào đó gây phản ứng từ nhân dân;...

- Việc sắp xếp bố trí cán bộ cấp ủy, ủy ban nhân dân, Ban chấp hành đoàn thể vào dịp tiến hành đại hội các cấp. Có cán bộ mà dư luận nhân dân không đồng tình hoặc có người có đơn thư khiếu nại tố cáo, quần chúng bàn tán, nghi ngại hoặc không đồng tình...

b) Một số phương pháp tiến hành điều tra dư luận quần chúng

* Bàn chủ trương, phân công thực hiện

- Điều tra dư luận quần chúng là việc làm cần hết sức thận trọng, nếu làm không cẩn thận sẽ dễ gây ra hiểu lầm và dẫn đến những quyết định sai và gây tác hại. Do vậy, phải có chủ trương của lãnh đạo. Ban Dân vận hoặc đoàn thể muốn điều tra dư luận quần chúng phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy hoặc đồng chí có trách nhiệm của cấp ủy.

- Khi phân công các đồng chí tiến hành việc điều tra dư luận quần chúng, cần lưu ý là: Các đồng chí đó phải nắm vững cách tiến hành; thận trọng, chắc chắn; có ý thức kỷ luật, không phát ngôn tùy tiện.

- Chọn đúng thời điểm cần thiết, làm gọn, không kéo dài.

* Tiến hành điều tra dư luận quần chúng

Một đồng chí hoặc một vài đồng chí phân công nhau về địa bàn có đối tượng cần thăm dò, điều tra, gặp gỡ, trao đổi với một số người có vị trí khác nhau ở địa bàn. Ví dụ:

- Người cao tuổi, người có uy tín;

- Người trong cuộc, người thân cận;

- Người đại diện tổ chức, đoàn thể;

- Nhân dân sống ở địa bàn.

Hỏi và gợi ý khéo léo để có thể nghe được các ý kiến khác nhau từ nhiều người có cương vị khác nhau. Ví dụ nêu câu hỏi:

- Hình như bà con đang bàn tán về (việc nào đó)?

- Theo ông (bà) sự thực là thế nào?

- Những ai đã nêu ra những ý kiến gì?

- Việc này có liên quan tới ai, ai sẽ giải quyết?

- Nên góp ý thế nào để giải quyết tốt, để mọi người đồng tình?

- Phản ứng hoặc diễn biến gì xấu có thể xảy ra?

v.v..

Người điều tra chú ý lắng nghe, không nên giải thích, tranh luận với người được hỏi. Các ý kiến nghe được cần ghi nhớ để về chọn lọc, ghi chép lại.

* Tổng hợp, phản ánh dư luận quần chúng

Dù tổng hợp, phản ánh bằng văn bản hay bằng miệng về dư luận quần chúng, thì điều cốt lõi là để phản ánh rõ các điểm sau:

- Hỏi những ai, số lượng người được hỏi?

- Loại ý kiến đồng tình, ủng hộ, tạo thuận lợi?

- Loại ý kiến không đồng tình, đặt ra nhiều vướng mắc?

- Có đề xuất nào hay cần tham khảo, điều chỉnh chỉ đạo?

Qua đó nhận xét chung về cuộc điều tra dư luận quần chúng và báo cáo cấp ủy. Báo cáo về dư luận quần chúng cần trung thực. Sử dụng thông tin là do cấp ủy. Người điều tra dư luận quần chúng không tùy tiện nêu công khai ý kiến qua điều tra khi chưa được phép. Dùng dư luận quần chúng để làm mất uy tín cá nhân, gây mất đoàn kết và gây phức tạp trong quan hệ công tác của tổ chức là vi phạm kỷ luật của Đảng, của đoàn thể. Giữ nguyên tắc tổ chức, giữ bí mật thông tin cuộc điều tra dư luận quần chúng là yêu cầu bắt buộc đối với người cán bộ dân vận đi điều tra dư luận quần chúng.

2. Điều tra xã hội học những vấn đề liên quan tới quần chúng

Điều tra xã hội học là cách thu thập thông tin từ quần chúng thông qua các phiếu hỏi, bảng hỏi (ankét) giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề, sự kiện, diễn biến của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời là một phương pháp thường được dùng trong công tác nghiên cứu.

Trong dư luận và phản ánh của quần chúng có cái đúng, cái sai; do cách tiến hành điều tra xã hội học mà trong các thông tin thu thập được có cái thật, cái giả. Bởi vậy, cán bộ dân vận tiến hành điều tra phải nắm vững phương pháp của xã hội học để giảm độ sai lệch, tăng độ tin cậy cho các thông tin cần thu thập; giúp cho những đánh giá và kết luận phản ánh sát đúng với thực tế cuộc sống.

Một cuộc điều tra xã hội học trong nghiên cứu về công tác quần chúng được tiến hành theo ba bước sau:

Bước một, chuẩn bị điều tra

Căn cứ vào yêu cầu và nội dung khảo sát, nghiên cứu, khi chuẩn bị cuộc điều tra xã hội học phải chú ý các việc sau:

* Đối tượng điều tra

Muốn thu thập thông tin từ nhóm xã hội nào? Ví dụ:

- Cán bộ, đoàn viên, hội viên;

-  Người cao tuổi, người có uy tín;

- Công nhân, nông dân, trí thức, học sinh;

- Người dân bất kỳ.

* Chọn mẫu điều tra

Do khả năng thời gian, lực lượng, kinh phí... có hạn, khi nghiên cứu phải chọn mẫu điều tra. Nếu mẫu chọn sát hợp thì cuộc điều tra sẽ cho thông tin tốt, có độ tin cậy cao và tiến hành nhanh, gọn, tiết kiệm. Người điều tra phải tìm hiểu rõ điểm điều tra mẫu:

- Thuộc vùng nào (thành phố, nông thôn, miền núi, vùng khó khăn…).

- Địa bàn động hay hẹp (một số thôn trong một xã hay điều tra một số thôn ở các huyện khác nhau).

* Số lượng phiếu hỏi, bằng hỏi

Tùy theo khả năng thời gian, kinh phí cho phép. Càng tăng số lượng phiếu hỏi, bảng hỏi thì thông tin càng có độ chính xác và có ý nghĩa hơn.

* Thiết kế cụ thể bảng hỏi

Chất lượng và ý nghĩa của thông tin tùy thuộc phần lớn vào việc lựa chọn để thiết kế bảng hỏi, sao cho khi đọc không hiểu sai lệch, dễ trả lời, dễ tổng hợp. Người có ý thức thận trọng khi thiết kế bảng hỏi nên soạn thảo, tranh thủ ý kiến góp ý hoàn chỉnh, hỏi ý kiến tư vấn của chuyên gia xã hội học hoặc người có kinh nghiệm trong nghiên cứu để có một bảng hỏi tốt.

Có ba loại câu hỏi

- Câu hỏi đóng là câu hỏi được đề ra các phương án trả lời mà người trả lời đánh dấu theo phương án cho sẵn để thể hiện ý kiến của mình. Ví dụ: Theo ông (bà) chi hội hoạt động được xếp loại nào?

+ Khá                            

+ Trung bình                 

+ Kém                           

+ Không xếp loại          

- Câu hỏi mở là câu hỏi dành cho người trả lời ghi ý kiến của mình. Ví dụ: Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội ở xã:

+ Có mấy thành viên:

+ Tên của Trưởng ban:

+ Thời gian thành lập: ngày... tháng... năm...

+ Kỳ họp gần đây nhất: ngày... tháng... năm...

+ Nội dung bàn:. ..................

- Câu hỏi vừa đóng vừa mở là câu hỏi có phần trả lời theo đáp án, có phần người trả lời tự ghi ý kiến của mình. Ví dụ; Theo ông (bà) vốn vay qua đoàn thể ở xã:

+ Thuận lợi dễ thực hiện:

+ Bình thường như vay ngân hàng:

+ Phiền hà thêm thủ tục:  

+ Nhận xét khác......................

Mỗi câu hỏi đều có ưu, nhược điểm riêng: Câu hỏi đóng dễ tổng hợp thông tin, nhưng thông tin thiếu phong phú, người trả lời bị gò bó. Câu hỏi mở giúp người trả lời dễ dàng, thỏa mái hơn, nhưng tổng hợp thông tin sẽ khó khăn, tốn nhiều thời gian hơn. Do đó, trong điều tra xã hội học cần kết hợp các loại câu hỏi đóng và câu hỏi mở để điều chỉnh, khắc phục hạn chế trên.

* Phiếu phỏng vấn sâu

Thường dành cho đối tượng hẹp (cán bộ chỉ đạo, chuyên gia, người có uy tín...), giúp cho người nghiên cứu có sự phân tích sâu sắc các khía cạnh khác nhau của vấn đề nghiên cứu.

Phiếu phỏng vấn sâu là một đề cương có các câu hỏi để người phỏng vấn dựa vào đó hỏi và ghi tóm tắt ý kiến người được phỏng vấn. Khi xử lý chủ yếu tổng hợp theo cách truyền thống, không đưa vào máy như với câu hỏi đóng.

Bước hai, tiến hành điều tra

Đó là việc cử người trực tiếp tới địa bàn đã chọn để thu thập thông tin theo bảng hỏi, phiếu phỏng vấn sâu. Một số điểm cần lưu ý:

- Tập huấn các điều tra viên, giúp họ hiểu sâu, hiểu đúng nội dung câu hỏi, biết cách gợi ý người được hỏi để giúp họ có thể trả lời theo bảng hỏi.

- Báo cáo kế hoạch với lãnh đạo địa phương, cơ sở, để tranh thủ được sự đồng tình khi triển khai ở điểm điều tra. Cơ cấu, số lượng bảng hỏi thích hợp và phản ánh được yêu cầu tổng thể của việc nghiên cứu; không gây hiểu lầm ở cơ sở.

- Tiến hành điều tra ở cơ sở, cần tính tới các yếu tố hợp lý sau:

+ Có thể gặp trao đổi từng nhóm hoặc từng người.

+ Phù hợp với thời gian, lao động và sinh hoạt ở địa phương.

+ Bám sát giúp đỡ, giải đáp cho người được hỏi hiểu đúng để có thể trả lời nhanh gọn, chính xác.

+ Nên tiến hành điều tra thử ở một điểm, rút kinh nghiệm cho các điều tra viên để khi điều tra diện rộng được thống nhất, thuận lợi, biết cách xử lý các vướng mắc khi điều tra.

Bước ba, xử lý và phân tích thông tin cuộc điều tra

Đây là việc tổng hợp các thông tin cụ thể ở các bảng hỏi, phiếu phỏng vấn sâu, mà kết quả của xử lý sẽ cho những thông tin có ý nghĩa phân tích, lý giải làm cơ sở cho nhận định, đánh giá và đề xuất các chủ trương, giải pháp về công tác quần chúng.

Có thể xử lý trên máy vi tính đối với bảng hỏi gồm những câu hỏi đóng, sẽ cho nhiều thông tin được phân tích tỉ mỉ, so sánh, đối chiếu ở nhiều góc độ khác nhau theo thiết kế của bảng hỏi.

Những câu hỏi mở và phiếu phỏng vấn sâu được tổng hợp lại, thu được những nhận định có ý nghĩa khái quát, giúp cho các báo cáo của cuộc khảo sát nghiên cứu có căn cứ đáng tin cậy.

Điều tra xã hội học là một công cụ được sử dụng thường xuyên đối với người cán bộ tham mưu, nghiên cứu về công tác dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, trong công tác dân vận “phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo"; "Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”./.

Gửi cho bạn bè