Thứ Hai, 20/5/2024
Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy: Đến nay, hệ thống khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành, tạo điều  kiện thuận lợi để các địa phương chủ động triển khai thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành Trung ương đã chủ động rà soát xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 nghị định, 22 quyết định, chỉ thị, đồng thời ban hành theo thẩm quyền 28 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành cấp Trung ương. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 02 thông tư và 11 quyết định hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới của địa phương theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó đã áp dụng linh hoạt mức đạt chuẩn của một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện, tập trung nguồn lực vào những tiêu chí cần thiết. Các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được các bộ, ngành Trung ương và địa phương chú trọng triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả của lao động sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.


 Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương phát biểu

Công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường và đổi mới. Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các địa phương đã tích cực phối hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp cùng với cả hệ thống chính trị tham gia hưởng ứng xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Các thiết chế dân chủ, QCDC ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường và phát huy. Người dân đã phát huy vai trò là chủ thể tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện, giám sát việc xây dựng nông thôn mới. Đa số người dân đã chuyển từ thụ động, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước sang chủ động lựa chọn nội dung ưu tiên, đóng góp công sức và tích cực tham gia thực hiện xây dựng, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Kết quả là đến nay, cả nước có 1.853 xã (31,96%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó đã có khoảng 295 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng  11 huyện so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, có ít nhất 42 – 45 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, làm rõ thêm những kết quả quan trọng, bài học kinh nghiệm sâu sắc của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, quản lý, tổ chức thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là việc phát huy vai trò của công tác dân vận, thực hành dân chủ, thực hiện QCDC ở cơ sở để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia…


 Đồng chí Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu ý kiến

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, đến nay cái được lớn nhất chính là ý Đảng hợp lòng Dân; qua đó đã thu hút được sự ủng hộ quan trọng và to lớn cả về vật chất và tinh thần của người dân đối với Chương trình. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Giai đoạn 2010 – 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng; giai đoạn 2016 – 2020 tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề xã hội như: bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; giữ gìn văn hóa gia đình, làng xã; bảo đảm an ninh nông thôn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: Thời gian qua do áp lực thành tích, nhiều địa phương huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, gây nên một số lo lắng, bức xúc trong xã hội và Nhân dân. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền; tham mưu ban hành chính sách xây dựng nông thôn mới ở những vùng đặc thù, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân chứ không chạy theo thành tích. Bên cạnh đó vẫn luôn tăng cường làm tốt công tác dân vận; đẩy mạnh tuyên truyền; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các địa phương với những chương trình, dự án, việc làm cụ thể… 


 Đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Thào Xuân Sùng đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng chí Thào Xuân Sùng đi sâu phân tích và khẳng định việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả cụ thể, tiêu biểu: (1) Xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2, qua đó khắc phục được những hạn chế trong giai đoạn trước. (2) Thiết thực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; trong đó có việc phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các bộ, ban, ngành, với các cơ quan truyền thông đại chúng để đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, địa phương trong xây dựng nông thôn mới gần với Nhân dân, đi vào thực tiễn cuộc sống. (3) Xây dựng nội dung chương trình, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ chuyên trách chương trình xây dựng nông thôn mới với cách thức, phương pháp cụ thể, phù hợp, trực quan, sinh động. (4) Củng cố, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp để nâng tính hiệu lực, hiệu quả, kịp thời của chương trình. (5) Phân cấp, triển khai thực hiện nguồn vốn của Nhà nước cho chương trình có hiệu quả…

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận trong thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: trong thời gian tới Bộ cần tập trung phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho nhân dân; đặc biệt cần tập trung đầu tư cho cấp thôn, bản ở các xã biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang, các xã đặc biệt khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước sinh hoạt thì phải xây dựng được các mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn, có khẩu hiệu tuyên truyền rõ ràng và hợp lòng dân./.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất