Thứ Sáu, 26/4/2024
Phát huy vai trò Tổ dân vận khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Làng quê nông thôn ở Nghệ An

Tổ dân vận do đồng chí bí thư chi bộ khối, thôn, bản làm tổ trưởng; trưởng ban công tác mặt trận làm tổ phó và các thành viên: chi hội trưởng hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng hội người cao tuổi, xóm phó, công an viên, người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ. Có nơi tổ dân vận có những thành viên như: doanh nhân, nhà giáo, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu, mỗi tổ dân vận có 6 - 8 thành viên, toàn tỉnh có 26.642 thành viên/3.806 tổ dân vận. Tổ dân vận khối, thôn, bản hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi ủy khối, xóm và khối dân vận xã, phường, thị trấn.

Tổ dân vận triển khai thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.857 mô hình mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Nổi bật nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, Tổ dân vận đã phát huy được vai trò tích cực trong vận động nhân dân hiến đất, ngày công... Toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến được 5 triệu m2 đất, đóng góp hơn 4,5 triệu ngày công và hàng chục tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, đưa số xã về đích trong xây dựng nông thôn mới hiện nay là 300/411 xã (74%); có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu).

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của Tổ dân vận nên công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với một số dự án quan trọng đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, đồng tình, nhất là trong giải phóng mặt bằng dự án VSIP Nghệ An giai đoạn một với diện tích 750 ha; Dự án WHA; Đại lộ Vinh - Cửa Lò; đập Thủy lợi Bản Mồng; Cầu Cửa Hội; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn qua Nghệ An... được nhân dân đồng thuận. Thông qua kết quả hoạt động của Tổ dân vận đã vận động hàng ngàn hộ dân tái định cư về nơi ở mới để cho thi công công trình đúng tiến độ. Trên lĩnh vực kinh tế đã xây dựng được 1.200 ha chanh leo (Quế Phong) với giá trị 600 triệu/ha; mô hình cam V2 (tại Quỳ Hợp) với diện tích khoảng 500 ha, cho giá trị kinh tế 1,2 tỷ đồng/ha; các mô hình nuôi gà đẻ siêu trứng, vỗ béo trâu bò, trồng hoa, rau sạch... đã từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Trên lĩnh vực văn hoá xã hội, Tổ dân vận đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Vận động nhân dân tích cực thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, xây dựng đường giao thông thôn xóm chiếm hơn 50% giá trị công trình; tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước ở xóm, khối; di dời chuồng trâu bò ra khỏi nhà sàn, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, mô hình làng văn hóa, dòng họ văn hóa, dòng họ khuyến học được nhân dân ghi nhận; xây dựng nếp sống mới trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, việc cưới, việc tang, các nghi lễ dân gian; kiên quyết đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu; thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Tổ dân vận đã xây dựng được nhiều mô hình, nổi lên các mô hình như: “tiếng kẻng bình yên”, “tổ tự quản an toàn”, xóm (khối) không có ma túy, không có tệ nạn xã hội, không xảy ra tai nạn giao thông đã được xây dựng và phát huy trên khắp các huyện, thành, thị xã... đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, Tổ dân đã tập trung củng cố  các đoàn thể ở cấp xóm, bản, nhất là vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số. Phối hợp tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát, góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị góp phần xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Để tạo điều kiện cho tổ dân vận thôn, xóm, bản hoạt động, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ hoạt động cho tổ dân vận ở khối, xóm, bản, trong đó hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các khối, thôn, bản  từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/Tổ /năm. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Tài chính hướng dẫn liên ngành về thực hiện Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Hàng năm, ban dân vận huyện, thành, thị ủy và khối dân vận xã, phường, thị trấn đều có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của tổ dân vận khối, thôn, bản gửi lên cấp trên. Kết quả xếp loại tổ dân vận năm 2021 có 25% xuất sắc; 50% khá; 20% trung bình, 5% yếu kém.

Tuy nhiên, hoạt động của Tổ dân vận một số nơi còn chung chung chưa bám vào hướng dẫn của cấp trên, còn có nơi nhầm lẫn chức năng của tổ dân vận với ban công tác mặt trận. Hoạt động của Tổ dân vận chưa đều, có nơi xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp chưa kịp thời; việc duy trì thực hiện quy chế chưa nghiêm túc nên hiệu quả không cao. Công tác triển khai một số chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có lúc chưa đến với người dân, nhân dân chưa hiểu nên việc tổ chức thực hiện gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Việc nắm bắt và xử lý tình huống phức tạp, đặc thù còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ dân vận ở khu dân cư, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An cần kiện toàn, bố trí cán bộ Tổ dân vận kinh nghiệm, trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tổ dân vận. Tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ, sự phối hợp của Ban cán sự khối, xóm, bản. Tập trung vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới; phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả./.

Nguyễn Mạnh Khôi (Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất