Thứ Bảy, 5/10/2024
“Dân vận khéo” giữ vững sự bình yên của Thủ đô

Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội làm thủ tục cấp căn cước công dân tại nhà cho người cao tuổi.


Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Công an thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Công an thành phố đã nghiêm túc thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác thanh tra vụ việc, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí hòm thư góp ý và duy trì trực ban đường dây điện thoại nóng 24/24 giờ, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân... 

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong 6 tháng đầu năm 2022, cán bộ, nhân dân đã cung cấp 12.600 tin cho Công an thành phố Hà Nội liên quan đến an ninh trật tự, trong đó, rất nhiều thông tin có giá trị. Qua công tác tiếp công dân, Công an thành phố còn tiếp nhận 15.259 đơn, thư tố giác; kết thúc xác minh 8.885 đơn, giải quyết 25 đơn tố cáo, 132 đơn khiếu nại, 445 đơn tố giác, 5.772 đơn kiến nghị phản ánh... Mọi ý kiến phản ánh của công dân đều được phân loại, xác minh và kết luận trả lời theo đúng quy định. 

Cùng với việc làm tốt những nhiệm vụ nêu trên, Công an thành phố cũng đã đăng ký, triển khai nhiều phong trào thi đua "Dân vận khéo", qua đó góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị. Năm 2022, Công an thành phố đã có 192 tập thể, 116 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; đồng thời nghiên cứu triển khai, nhân rộng nhiều mô hình, chuyên đề về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc triển khai công tác dân vận ở địa phương, Trung tá Trương Thị Liễu, Phó Trưởng công an xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho biết: "Bước đầu còn bỡ ngỡ, nên tôi gặp nhiều nhiều khó khăn, chưa nhận được sự hợp tác tích cực của người dân xã Thanh Liệt trong việc cung cấp thông tin thu thập dữ liệu dân cư. Nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân địa phương đã coi tôi như những người thân trong gia đình, nên công việc của tôi thuận lợi hơn rất nhiều".

Theo Trung tá Trương Thị Liễu, quá trình làm công tác dân vận, khó nhất là có được sự tin yêu của người dân. “Bằng tấm lòng chân thành, người dân địa phương mới đồng hành chia sẻ để lực lượng công an hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, bà con sẽ tin tưởng vào lực lượng công an và khi nhân dân cần, thì chúng tôi sẽ có mặt, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa…”, Trung tá Trương Thị Liễu cho hay.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, xác định công tác dân vận của lực lượng công an là một trong những nhiệm vụ quan trọng trực tiếp góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong những tháng cuối năm 2022, Công an thành phố sẽ tiếp tục triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cùng với việc tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Công an thành phố cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận gắn với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Song hành với việc nắm tình hình nhân dân hằng tháng để tổ chức thực hiện công tác dân vận đạt hiệu quả, Công an thành phố sẽ kiện toàn cán bộ làm công tác dân vận theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an nhằm nâng cao chất lượng về công tác dân vận trong lực lượng Công an Thủ đô, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…, góp phần giữ vững sự bình yên của Thủ đô.

(hanoimoi.com.vn) 

Gửi cho bạn bè