Thứ Ba, 30/4/2024
Tận dụng cơ hội vàng từ các dự án giao thông trọng điểm

Đột phá về hạ tầng giao thông

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, có tổng chiều dài 109km. Tuyến này đi qua 5 địa bàn là thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 36km, tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỉ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 72km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỉ đồng.

Dự án này, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài hơn 63km, chiếm gần 60% toàn tuyến. Trên tuyến có 9 nút giao, trong đó qua địa phận tỉnh Hậu Giang có 4 nút giao kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các nút giao này cách nhau khoảng 13km.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bàn giao 100% cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương trước ngày 30-6. Hiện tỉnh đã hoàn thành công tác kiểm đếm được khoảng 47km, đạt 75%, dự kiến trong tháng 9-2022 sẽ phê duyệt phương án và tổ chức chi trả. Riêng khối lượng còn lại dự kiến sẽ hoàn thành kiểm đếm trước ngày 31-8. Bộ GTVT đánh giá cao Hậu Giang trong triển khai thực hiện sớm dự án này.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: “Bộ GTVT đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cọc mốc giải phóng mặt bằng, hiện nay tỉnh đang triển khai hồ sơ liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, triển khai quyết liệt công tác này, đảm bảo đến ngày 20-11 như đã cam kết bàn giao 70% giải phóng mặt bằng cho Bộ GTVT để tổ chức khởi công các dự án trong quý IV/2022”.

Còn Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Dự án dài 188,2km có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án đi qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, cần phải đẩy nhanh công tác kiểm đếm, chi trả cho các hộ dân sau khi nhận cọc mốc giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng cho các dự án cao tốc. Địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc khảo sát, tính toán tìm nguồn vật liệu cát đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.

Ngoài ra, Hậu Giang còn có tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đi qua. Cùng với đó, là việc đầu tư nâng cấp các dự án giao thông lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho tỉnh trong việc kết nối trong và ngoài tỉnh. Điển hình như dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị xã Long Mỹ, dự án Nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Ngã Bảy đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang cuối tuần qua, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Dự án đường nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ (Quốc lộ 61C), giai đoạn 1 đã được triển khai hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012 có quy mô 2 làn xe, theo dự án được duyệt giai đoạn 2 mở rộng 4 làn xe, tuy nhiên do nguồn lực còn hạn chế nên chưa thể triển khai thực hiện đầu tư.

Tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ xác định đầu tư mở rộng đường nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ là dự án quan trọng, thúc đẩy liên kết phát triển. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quan tâm tiếp cận tài trợ các tín dụng vay thực hiện dự án.

Dự án có vai trò động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; dự án có tính kết nối khu vực cao, là trục hành lang kinh tế Cần Thơ - Hậu Giang - Kiên Giang, mở ra cơ hội giao thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho khu vực.

“Theo quy định hiện nay, ngân sách Trung ương sẽ chi cho đầu tư hệ thống quốc lộ. Tuy nhiên, do đặc thù của dự án (mới triển khai giai đoạn 1 và đang xem xét triển khai giai đoạn 2 của dự án), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Hậu Giang thực hiện đầu tư dự án Nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) từ khoản vay nước ngoài phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Đồng Văn Thanh đề xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý về mặt chủ trương cho phép tỉnh thực hiện dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61C từ khoản vay nước ngoài phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Cái này đồng ý về chủ trương, giao UBND tỉnh Hậu Giang cùng các cơ quan chủ quản triển khai đầu tư nâng cấp Quốc lộ 61C vì tuyến này rất quan trọng. UBND tỉnh Hậu Giang rà soát, cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành xem xét, trình các cấp thẩm quyền trong tháng 8 này. Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, cải tiến làm sao cho thủ tục nhanh, gọn, trong đó có dự án này”.

Tận dụng tối đa lợi thế

Có thể thấy, các dự án giao thông trọng điểm đang và sắp triển khai qua địa bàn tỉnh, góp phần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng. Đặc biệt, với nhiều tiềm năng và các điều kiện mới rất thuận lợi để phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 như: 2 tuyến (khoảng 100km) cao tốc đi qua địa bàn tỉnh (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến hoàn thành trước năm 2025); hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã và đang được đầu tư đồng bộ để kết nối vào các tuyến quốc lộ. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề xác định phát triển công nghiệp là một trong 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hạ tầng của Hậu Giang nói chung còn yếu, nhất là kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại. Trung bình, Hậu Giang có 253 người dân/doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước là 112 người dân/doanh nghiệp. Tuy vậy, Hậu Giang được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ vận tải, logistics. Tỉnh có vị trí chiến lược nằm trên tuyến lưu thông của Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn lại của vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác.

Hậu Giang còn là đầu mối kết nối giao thông quan trọng cả về đường bộ và đường thủy của vùng Nam sông Hậu thông qua 6 tuyến quốc lộ huyết mạch và 2 trục giao thông thủy quốc gia; đặc biệt là nằm liền kề với thành phố Cần Thơ, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông lớn trong vùng. Đồng thời, Hậu Giang được thừa hưởng nhiều thế mạnh về logistics, cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học - công nghệ... từ thành phố kinh tế trọng điểm của khu vực Tây Nam bộ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên gợi mở: “Tập trung thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng về thương mại, hạ tầng logistics và hạ tầng về công nghiệp. Đối với Hậu Giang để thu hút được công nghiệp thì phải bám vào các trục giao thông mới, nhất là những tuyến cao tốc đi qua. Để không chỉ hình thành tuyến giao thông mà hình thành hành lang kinh tế bao gồm công nghiệp, dịch vụ rồi mới đến đô thị”.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: Một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn tới của tỉnh là cải cách mạnh mẽ hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, một tuyên ngôn và một hành động làm mục tiêu chung. Tỉnh cam kết 2 nhanh, 3 tốt; 2 nhanh là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp với khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.

(haugiang.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất